Bài văn mẫu UPU lần thứ 48: Người hùng trong em là cô giáo
Như chúng ta đã biết, năm nay Cuộc thi Viết thư Quốc tế UPU lần thứ 48 sẽ có chủ đề: 'Hãy viết một bức thư về người hùng của em' (Tiếng Anh: Write a letter about your hero). Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) gọi chủ đề năm 2019 là một 'chủ đề truyền cảm hứng'.
Trong lễ phát động cuộc thi hồi tháng 10/2018, đại diện Lãnh đạo Bộ Thông tin & Truyền thông chia sẻ: 'Đây là một chủ đề mở, khơi gợi nhiều tư duy sáng tạo, nhiều suy nghĩ và cảm xúc đối với mỗi thí sinh. Trong mỗi con người, mỗi một bạn trẻ đều có sự hiện hữu, tình cảm yêu quý và ngưỡng mộ đối với một người hùng của riêng mình'.
Thật vậy, chủ đề năm nay khá rộng nên các bạn học sinh có thể tự do lựa chọn vị anh hùng mà mình thần tượng, yêu mến nhất; các em có thể lựa chọn những vị anh hùng có thật ngoài đời, hoặc anh hùng trong lịch sử, trong truyền thuyết, trong truyện cổ tích..., hoặc đơn giản là ông bà, cha mẹ, anh chị em, bạn bè…
Nếu cần các bạn học sinh có thể xem thêm cách phát triển đề tài viết thư UPU 2019. Dưới đây là một bài mẫu viết về người hùng là cô giáo của bạn có thể giúp các bạn có thêm đề tài về viết thư UPU.
Gửi các bạn yêu!
Hôm nay tôi viết thư cho các bạn kể cho các bạn nghe về câu chuyện người hùng trong lòng tôi. Người ấy không ai khác chính là cô giáo dạy hóa học của tôi.
Cô ấy tên là Hoàng Hương Lan, cô như một tấm gương để chúng tôi vượt qua mỗi lúc khó khăn. Cô Lan lấy chồng và cũng có hai em nhỏ kém chúng tôi vài lớp. Cô mồ côi mẹ từ nhỏ và cha cô là thương binh chỉ còn một chân nhưng vẫn nuôi cô học hành tử tế để cô trở thành người giáo viên ưu tú, gương mẫu.
Trong cuộc sống, cô ấy khá vất vả. Mẹ bảo “trường con cô Lan là vất vả nhất nhưng cũng nghị lực phi thường”. Chồng cô là bạn học cùng cấp 3 nhưng chú ấy không có việc làm và lại rất thích uống rượu. Chú mắng chửi cô suốt ngày nhưng cô vẫn âm thầm chịu đựng hàng ngày cô vẫn đến lớp đứng trên bục giảng truyền cảm hứng học tập đặc biệt là môn hóa vốn khô khan nhưng vào tay cô chúng tôi không còn ghét học hóa.
Hoàn cảnh kinh tế của cô khó khăn, cô đi làm nuôi hai con và chăm cha già cộng với ông chồng rượu chè, be bét nhưng cô chẳng khi nào than. Mẹ là bạn của cô nhưng cô chưa bao giờ nói cô khổ chỉ chứng kiến mới biết cô khổ.
Hàng ngày, cô đi làm ở trường, nhóm học sinh nào kém cô tình nguyện dạy học sinh mà không cần thu phí. Có những hôm tôi thấy 6 – 7 h tối cô mới ra khỏi cổng trường và lại vội vàng về trường cấp 1 đón con của cô. Đưa các bé về cho ăn uống xong cô lại vội vàng đến trung tâm dạy câu lạc bộ hóa học để tăng thêm thu nhập.
Khi mà bạn bè tất cả các giáo viên đều đi xe ga, ô tô thì cô Lan vẫn cặm cụi chiếc xe máy cà tàng. Mẹ bảo xe cô Lan đi từ ngày ra trường mua có 6 triệu đồng mà cô bền bỉ đi hơn chục năm nay. Có ngày, cô bị hỏng xe giữa đường phải dắt bộ vào trường.
Ngày cuối tuần, cô không đi dạy là cô về nhà bố đẻ ở Hoài Đức để trồng rau. Cô trồng rất nhiều rau và các loại để bán cho các cô giáo trong trường rồi bán cả ra ngoài nếu ai có nhu cầu. Cô nói để kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, cô không bao giờ vòi vĩnh bất cứ học sinh nào mà vẫn miệt mài dạy miễn phí cho các bạn học kém hơn.
Có những giờ nghỉ giải lao tiết học, các bạn chưa hiểu bài lại đưa vở lên nhờ cô giảng và cứ như thế 10 phút ra chơi cô không được nghỉ ngơi. Không phải riêng lớp tôi mà lớp nào cô cũng thế.
Bên cạnh đó, tình yêu thương tha thiết của cô dành cho các thế hệ học trò đã giúp cô kiên trì phấn đấu, nâng cao trình độ chuyên môn, trở thành giáo viên giỏi các cấp, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở.
Dù bận rộn trăm công nghìn việc từ ở nhà tới trường nhưng cô Lan vẫn nỗ lực vượt lên chính mình, cô Lan còn nghĩ đến giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Cô luôn nói nhìn lên thấy mình nghèo, khổ nhưng nhìn xuống sẽ còn nhiều người khổ hơn. Cô chia sẻ: “Tôi đã trải qua nhiều khó khăn, biến cố nên đồng cảm hơn với họ”. Để thực hiện điều đó, cô rất hăng hái tham gia các hoạt động thiện nguyện do nhà trường tổ chức cũng như các đơn vị nào. Hễ thấy có ai hoàn cảnh khó khăn, cô đọc xong cô khóc rồi lại cắt phần lương ít ỏi của mình gửi tới đại chỉ cần chia sẻ. Cô cũng tham gia nhóm tình nguyện với các thành viên trong nhóm là bạn bè, sinh viên, học trò cũ và những người có lòng hảo tâm.
Là giáo viên, nên cô Lan rất hiểu và đồng cảm với những học sinh nghèo, vượt khó trong học tập. Đã không ít lần cô vận động mua hơn thẻ bảo hiểm y tế cho học sinh khó khăn, mỗi thẻ trị giá gần 600 nghìn đồng.
Tôi luôn tự nhủ sẽ cố gắng học tập và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống hiện tại. Mẹ nói gia đình tôi không giàu có nhưng so với nỗi khổ, sự vất vả cô Lan đang chịu thì nó còn cao hơn rất nhiều.
Chào bạn nhé!
Diệu Anh'