Đề Văn trường Chuyên xã hội và Nhân văn: Tương đối nhẹ nhàng
Thầy Nguyễn Phi Hùng - Giáo viên Ngữ văn tại Hà Nội chia sẻ, đề thi môn Ngữ văn của trường Chuyên Khoa học Xã hội và Nhân văn nhẹ nhàng, đảm bảo kiểm tra toàn diện kiến thức và kỹ năng học sinh. Đây là năm đầu tiên Trường THPT chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn tổ chức thi tuyển sinh vào lớp 10. Đề thi Ngữ văn chung có cấu trúc quen thuộc với hai phần: Đọc hiểu văn bản và Làm văn.
Theo thầy Phi Hùng, phần Đọc hiểu văn bản (3 điểm) kiểm tra các kiến thức đọc hiểu văn bản trích trong truyện ngắn Chiếc lược ngà. Các câu hỏi tập trung kiểm tra kiến thức về tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác, kiến thức tiếng Việt và ý nghĩa một chi tiết trong văn bản. Các câu hỏi đề ra khá cơ bản, nắm chắc thông tin và nội dung tác phẩm các thí sinh sẽ làm tốt và giành điểm ở các câu hỏi này.
Đề thi Ngữ văn trường THPT Chuyên Xã hội và Nhân văn sáng 12/7.
Phần Làm văn có hai câu hỏi, yêu cầu viết đoạn nghị luận xã hội và đoạn nghị luận văn học. Đoạn nghị luận xã hội hỏi về ý nghĩa của tình cảm gia đình. Vấn đề cần nghị luận gần gũi, quen thuộc với học sinh nên sẽ không gây khó khăn cho các thí sinh, nhất là khi đây là học sinh dự thi vào trường chuyên Khoa học xã hội và Nhân văn.
Đoạn nghị luận văn học yêu cầu cảm nhận về khổ thơ thứ tư và thứ năm của bài thơ 'Mùa xuân nho nhỏ', nói về ước vọng hoà nhập và cống hiến của tác giả. Đoạn thơ hay, vừa giàu ý nghĩa vừa có nhiều hình ảnh ấn tượng, cảm xúc chân thành, tha thiết. Đây cũng là phần kiến thức nằm trong trọng tâm ôn luyện mà học sinh đã được ôn tập kĩ càng.
'Nhìn chung, đề nhẹ nhàng, các câu hỏi không quá khó, đều nằm trong phạm vi chương trình Ngữ văn 9. Các thí sinh ôn tập chu đáo, có kiến thức chắc chắn và kĩ năng làm bài tốt sẽ không gặp khó khăn với đề thi này. Mặt bằng chung điểm số đề Văn chung có thể sẽ cao' - Thầy Nguyễn Phi Hùng nhận định.
Đề Văn trường Khoa học Tự nhiên: 6 - 7 điểm sẽ chiếm đa số
Đánh giá chung về đề thi Văn năm nay của Trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên, cô Nguyễn Thị Thu Trang, giáo viên Ngữ văn tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết, đề thi vẫn giữ cấu trúc quen thuộc gồm: Câu hỏi trắc nghiệm kiến thức kết hợp đọc hiểu, câu 2 thuộc chủ đề nghị luận xã hội và câu thứ 3 thuộc chủ đề nghị luận văn học. Đề thi có biểu điểm rõ ràng từng câu giúp học sinh xác định vai trò từng phần và phân bổ thời gian làm bài hợp lí, hiệu quả.
Cũng theo cô Trang, nhìn chung đề thi vừa sức, kiểm tra tương đối toàn diện kiến thức và kĩ năng của học sinh. Với đề thi này, đa số học sinh sẽ hoàn thành bài với phổ điểm từ 6 - 7 điểm. Cụ thể đi vào từng câu: Câu 1. Là câu hỏi liên quan về kiến thức tiếng Việt, văn bản trong chương trình Ngữ văn, ngữ liệu văn bản đọc hiểu nằm ngoài sách giáo khoa Ngữ văn 9 (đoạn thơ trong bài 'Trở về với mẹ ta thôi' của Đồng Đức Bốn).
Đề thi vào lớp 10 trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên (ĐH Quốc gia HN).
Câu đọc hiểu kiểm tra kiến thức về thể thơ và phân tích tác dụng của biện pháp tu từ trong đoạn thơ. Ngữ liệu hay, ngắn gọn nhưng giàu cảm xúc về đề tài tình mẫu tử và biện pháp tu từ dễ xác định đối với học sinh.
Câu 2. Là câu hỏi yêu cầu viết đoạn văn nghị luận xã hội, chủ đề liên quan mục đích chân chính của việc học, ngữ liệu dẫn dắt từ văn bản 'Bàn luận về phép học' của La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp. Đây là kiểu đề bài nghị luận tư tưởng đạo lí, học sinh phải thể hiện kĩ năng nghị luận kết hợp với hiểu biết xã hội, đưa dẫn chứng thuyết phục.
Câu 3. Là câu hỏi nghị luận văn học tự chọn 1 trong 2 đề: yêu cầu phân tích bài thơ 'Viếng lăng Bác' hoặc phân tích nhân vật ông Sáu trong 'Chiếc lược ngà' . Yêu cầu đề bài không lạ, không khó nhưng yêu cầu học sinh nắm vững kiến thức và có năng lực cảm thụ tốt, chọn lọc phân tích các hình ảnh thơ/biện pháp tu từ hoặc phân tích nhân vật đi theo tình huống truyện.