Kỳ tuyển sinh đại học năm 2020 chứng kiến những kỷ lục về điểm chuẩn tại nhiều trường đại học. Ảnh minh họa: Q.Anh
9 điểm mỗi môn chưa chắc đã đỗ
Trong hai ngày 4 và 5/10, nhiều trường đại học sau khi 'lọc ảo' đã công bố điểm chuẩn trúng tuyển năm 2020 dựa trên xét tuyển điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Đúng như dự đoán, ở các trường 'tốp đầu' đều tăng điểm trúng tuyển so với năm 2019 với mức điểm từ 0,5 đến 3 điểm. Đáng chú ý, nhiều trường có mức điểm trên 28 - 30 điểm, đồng nghĩa sẽ có nhiều thí sinh được 9 điểm mỗi môn, thậm chí phải đạt cả 3 điểm 10 mới có cơ hội trúng tuyển.
Cụ thể, trong khối 18 trường quân đội tuyển sinh năm 2020, tại Trường Học Viện Quân sự, đối với tuyển sinh nữ miền Bắc (khối A00, A01) xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT là 28,15 điểm; Nữ miền Nam là 27,55. Học viện Hậu cần xét tuyển nữ miền Bắc từ điểm thi tốt nghiệp THPT là 28.15 điểm; nữ miền Nam là 27,10 điểm. Học viện Quân y, nữ miền Bắc là 28,65 điểm; nữ miền Nam là 28,30 điểm. Sĩ quan chính trị, đối với nam miền Bắc là 28.50 điểm; nam miền Nam 28,30.
Trường ĐH Bách khoa Hà Nội công bố điểm trúng tuyển vào trường năm 2020. PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho biết, điểm chuẩn trúng tuyển vào các ngành đều tăng như nhà trường đã dự đoán trước đó. So với năm ngoái, điểm trúng tuyển của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội năm nay cao hơn năm 2019 từ 1- 3 điểm, tùy theo từng ngành, chương trình đào tạo. Điểm chuẩn cao nhất thuộc về ngành Khoa học máy tính là 29,04 điểm; tiếp đến là Kỹ thuật máy tính 28,65 điểm, Global ICT 28,38 điểm, ngành Kỹ thuật Điều khiển - Tự động hóa 28,16 điểm. Điểm chuẩn thấp nhất là 19 điểm.
Tương tự, điểm chuẩn tăng ở hầu hết các ngành đào tạo so với năm 2019 cũng diễn ra tại Trường ĐH Ngoại thương. Cụ thể, theo mức điểm trúng tuyển các mã xét tuyển của trường cho phương thức xét tuyển dựa trên kết quả thi THPT năm 2020. Điểm chuẩn thấp nhất là 27 điểm (nhóm ngành Luật) và cao nhất là 28,15 điểm (nhóm ngành Kinh tế - Quản trị). Trường ĐH Y Hà Nội vừa công bố điểm chuẩn xét tuyển đại học năm 2020. Theo đó, ngành Y khoa có điểm chuẩn cao nhất là 28,9 điểm, tiếp đến là ngành Răng Hàm Mặt với 28,65 điểm.
Vì sao 30 điểm mới trúng tuyển?
Trong số các trường đã công bố điểm chuẩn dựa theo kết quả xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp THPT, đáng chú ý và gây bất ngờ nhất đó là Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) với điểm số trúng tuyển lên đến 30 điểm. Những ngành truyền thống của trường có độ hấp dẫn cao như: Hàn Quốc học: 30 điểm, Đông Phương học: 29,75 điểm, Quan hệ công chúng: 29 điểm, Báo chí: 28,5 điểm, Quản trị văn phòng: 28,5 điểm, Khoa học quản lý: 28,5 điểm… Đây đều là mức điểm kỷ lục của nhà trường những năm gần đây. Điểm chuẩn cao chủ yếu ở các ngành 'hot' của trường, tuy nhiên ở một số ngành khác cũng tăng mạnh so với năm ngoái.
GS.TS Hoàng Anh Tuấn - Phó Hiệu trưởng phụ trách trường lý giải: 'Năm nay, nhà trường nhận được số hồ sơ nguyện vọng xét tuyển vào trường về cơ bản không thay đổi nhiều so với năm ngoái, chỉ tiêu của trường cũng ổn định. Rất ngạc nhiên là nhà trường tuyển một số ngành cơ bản khối A01 có điểm trúng tuyển lên đến 24,75 điểm. Khối C dao động từ 21 - 30 điểm; khối D điểm rất cao và chủ yếu ở mức 24,25 điểm; khối D78 lai giữa Khoa học xã hội nhân văn với Ngoại ngữ có điểm chuẩn từ 18 - 26 điểm. Điểm chuẩn tăng cao do điểm thi tốt nghiệp THPT cao. Một số thí sinh được cộng điểm ưu tiên dẫn đến điểm chuẩn cao kỷ lục. Riêng ngành Hàn Quốc học tuyển có 50 chỉ tiêu, trong đó nhà trường đã tuyển thẳng 30 chỉ tiêu, còn lại 20 chỉ tiêu là những thí sinh cao điểm nhất'.
Liên quan tới công tác tuyển sinh đại học năm 2020, Bộ GD&ĐT cho biết, năm nay, cả nước có 648.481 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học bằng kết quả thi tốt nghiệp THPT. Sau khi công bố điểm chuẩn, các trường quy định thời gian thí sinh xác nhận nhập học. Thí sinh không xác nhận coi như không trúng tuyển. Từ ngày 15/10, các trường xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu. Đối với xét tuyển đợt 2 (xét tuyển bổ sung) dành cho các thí sinh chưa trúng tuyển đợt 1 hoặc không nhập học đợt 1. Các trường còn chỉ tiêu sẽ công bố điểm sàn xét tuyển, chỉ tiêu và các điều kiện trúng tuyển vào các ngành còn chỉ tiêu.
Để có thể đăng ký xét tuyển nguyện vọng bổ sung, thí sinh cần phải theo dõi thông tin của những trường còn thiếu chỉ tiêu, cách thức, thời hạn nộp hồ sơ… trên cổng thông tin tuyển sinh của trường hoặc có thể liên hệ trực tiếp tới Ban Tư vấn tuyển sinh của trường mà các bạn có ý định đăng ký xét tuyển. Theo quy định, điểm nhận hồ sơ xét tuyển sẽ không được phép thấp hơn điểm trúng tuyển đợt 1. Những thí sinh chưa trúng tuyển hoặc những thí sinh đã trúng tuyển mà chưa xác định nhập học vào bất cứ trường nào có thể tham gia đăng ký xét tuyển bổ sung.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, trong đợt điều chỉnh nguyện vọng đăng ký tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020, cả nước có 275.530 thí sinh thực hiện điều chỉnh nguyện vọng đăng ký xét tuyển. Tổng số thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay là 648.481. Từ ngày 15/10, các trường xét tuyển bổ sung nếu còn thiếu chỉ tiêu. Thí sinh có thể thực hiện theo các phương thức nộp hồ sơ xét tuyển nguyện vọng bổ sung gồm: Nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển trực tuyến; nộp hồ sơ trực tiếp tại văn phòng tuyển sinh; nộp hồ sơ về phòng tuyển sinh thông qua đường bưu điện.