Vui mừng vì chọn được môn học thế mạnh
Năm 2025 là năm lứa học sinh đầu tiên học chương trình giáo dục phổ thông 2018 hoàn thành. Do vậy, phương án 2+2 sẽ giúp học sinh giảm áp lực thi cử, đáp ứng đúng nhu cầu thực sự học sinh. Học sinh tập trung hơn cho các môn theo năng lực, sở trường, theo đúng tổ hợp môn học đã chọn ở THPT và đúng mục tiêu định hướng nghề nghiệp của mình. Ngoài ra, phương án 2+2 sẽ đảm bảo công bằng giữa hai hình thức học phổ thông và giáo dục thường xuyên.
Học sinh lớp 11 vui mừng khi nhận thông tin thi 4 môn từ năm 2025.
Nhiều học sinh đã hình thành tổ hợp môn học lựa chọn để chuẩn bị cho phương án thi mới sắp tới.
Không khí lớp học trở nê sôi động hơn ở trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội khi thầy giáo phổ biến phương án thi 4 môn. Nhiều học sinh đã lựa chọn ngay những môn học mình sẽ thi vào năm 2025 và cố gắng học tập thật tốt. 'Hai môn sau lựa chọn thì em sẽ chọn môn Tiếng Anh và Vật lý'. Học sinh Đặng Gia Mạnh, học sinh lớp 11 chia sẻ.
Còn học sinh Nguyễn Trần Hạnh Nguyên thì đưa ra mục tiêu khác nhau để ôn thi và xét tuyển đại học. 'Ba môn là Toán, Văn, Anh, và thêm 1 môn em sẽ chọn môn xã hội nữa. Ngoài ra, có những chứng chỉ khác để có thể xét tuyển bằng hình thức học bạ'. Hạnh Nguyên chia sẻ.
Nhiều giáo viên cũng sẽ điều chỉnh dạy học để phù hợp với nhu cầu của từng em. Thầy giáo Đỗ Quang Ngọc, dạy bộ môn Vật lý, Trường THPT Lương Thế Vinh, Tân Triều, Hà Nội cho biết, khoảng thời gian sắp xếp học các kiến thức mới của lớp 11, lớp 12. Sau đó thì khoảng thời gian phía sau các em ôn tập, làm sao kiến thức phù hợp với thi mới của Bộ giáo dục và Đào tạo.
Thầy giáo đang trao đổi với học sinh về phương án thi mới từ năm 2025, với 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán) và hai môn lựa chọn.
Riêng môn Tiếng Anh, cần kiểm tra năng lực có thể bằng các công cụ khác nhau thay vì bài thi tốt nghiệp THPT. Thầy giáo Nguyễn Hải Anh, Bộ môn Tiếng Anh, Trường THPT Lương Thế Vinh khẳng định, 'Môn tiếng Anh là để hội nhập, học sinh bắt buộc phải học không sớm thì muộn. Do đó, có một kỳ thi riêng của các trường, hoặc các trường sẽ có bài thi chung như chứng chỉ ielts, Vstep để xét chung sau đó chọn vào các trường, thay vì phải thi tiếng Anh'.
Một giáo viên dạy Ngữ văn ở Hà Nội chia sẻ thêm, nhiều năm qua dường như có một nghịch lý trong giáo dục là giai đoạn phổ thông, các em học tập và thi cử rất nặng nề, chủ yếu nhằm để vào các trường đại học. Vào được các trường đại học rồi thì nhiều em có vẻ lại học nhẹ nhàng hơn. Xu hướng này nên ngược lại, nghĩa là các bạn có thể vào đại học nhẹ nhàng nhưng đầu ra đại học nên được siết lại thật chặt. Nếu đi theo hướng này sẽ thấy kỳ thi tốt nghiệp THPT dần trở nên nhẹ nhàng là một điều tất yếu.
Thông tin trong cuộc họp báo công bố phương án thi chiều 29/11/2023, ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, 'chúng tôi đang tích cực nghiên cứu, áp dụng phương pháp khảo thí hiện đại để tránh độ lệch điểm quá lớn giữa một số môn, chẳng hạn một số môn trong nhóm khoa học tự nhiên hoặc khoa học xã hội'.
Ông Nguyễn Ngọc Hà, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT
Như vậy, định dạng đề thi mới sẽ khắc phục được một số vấn đề, trong đó cần cân đối độ tin cậy, thậm chí giữa các môn học khác nhau. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT chỉ đạo một trong những mô hình xây dựng ngân hàng là phát triển đi từ cơ sở.
Ngay trong tháng 11/2023, Bộ có cuộc tập huấn đầu tiên cho khoảng hơn 3.000 giáo viên của tất cả các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cho 63 sở GD - ĐT trên cả nước và một số cơ sở giáo dục đại học có tham gia nhiều trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đợt tập huấn này được thực hiện bởi Viện Khảo thí giáo dục của Mỹ (ETS). Hơn 3.000 giáo viên sẽ là lực lượng nòng cốt giúp thay đổi xây dựng ngân hàng câu hỏi thi sắp tới.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ GD-ĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu theo lộ trình để tiến tới giao kỳ thi về cho các địa phương. Ông Chương cho biết, khi đủ điều kiện để thực hiện phân cấp cho các địa phương, các cơ sở giáo dục tổ chức kỳ thi đánh giá chất lượng đầu ra ở cấp THPT thay cho phương thức một kỳ thi quốc gia, trong cùng một thời điểm như hiện nay.
Đây là lần đầu tiên, Bộ GD-ĐT khẳng định sẽ thực hiện lộ trình phân cấp mạnh mẽ này. Trước mắt, việc tổ chức kỳ thi vẫn được phân cấp như hiện nay.
Ông Huỳnh Văn Chương, Cục Quản lý chất lượng, Bộ GD&ĐT.
Sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển Đại học
Đối với các trường đại học, thông tin này về cơ bản không gây xáo trộn nhiều đến kế hoạch tuyển sinh bởi nhìn chung, hầu hết các trường có nhiều nhiều phương án xét tuyển chứ không chỉ riêng lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp.
Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) Nguyễn Quốc Bình nhận định, trong bối cảnh đẩy mạnh tự chủ đại học, việc các trường đưa ra nhiều hình thức để xét tuyển là phù hợp. Bên cạnh kỳ thi tốt nghiệp THPT, hiện nhiều trường tổ chức các kỳ thi riêng, kết hợp với các tiêu chí khác như học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, phỏng vấn… để tuyển sinh phù hợp với định hướng đào tạo.
Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đang dành khoảng 40 - 50% chỉ tiêu mỗi trường thành viên cho phương thức xét điểm thi đánh giá năng lực. Tỷ trọng này tăng dần qua từng năm trong khi sự phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT trong tuyển sinh có xu hướng giảm.
Trường Đại học Kinh tế quốc dân cũng đang đề xuất phương án từ năm 2025 giảm chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp, tăng chỉ tiêu xét tuyển kết hợp, tuyển thẳng… PGS. TS. Bùi Đức Triệu, Trưởng phòng Đào tạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân thông tin, dự kiến từ năm 2025, trường sẽ điều chỉnh tổ hợp xét tuyển phù hợp với cách thức và nội dung thi tốt nghiệp THPT, đồng thời nghiên cứu mã xét tuyển theo ngành/nhóm ngành/trường.
Đại học Bách Khoa Hà Nội cũng sử dụng kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy để xét đầu vào Đại học đối với thí sinh. Qua một số năm qua, tỷ lệ sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng giảm dần.
PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, 'Tỷ lệ xét tuyển bằng phương thức lấy kết quả tốt nghiệp THPT của trường sẽ giảm đi, tăng các phương thức khác lên. Có một vấn đề khó là việc tự chọn của các em đi từ dưới do vậy các tổ hợp cũng phải xem xét cho phù hợp với ngành nghề đào tạo. Chính vì thế, tôi nghĩ rằng trường đại học nói chung, và Đại học GTVT nói riêng phải xây dựng đề án tuyển sinh cho phù hợp với điều kiện đó'.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo thông tin trong cuộc họp báo công bố phương án thi từ năm 2025. 'Hầu như 100% các trường Đại học vẫn dành chỉ tiêu để xét tuyển sử dụng điểm thi kết quả THPT và xét tuyển kết hợp, chứ không phải là cách thức duy nhất để các em nhập học các trường Đại học, kể cả đại học tốp đầu. Nguyên tắc yêu cầu chung mà đã được quy định quy chế hiện hành vẫn được áp dụng trong những năm tới'. Bà Thủy chia sẻ.
Bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GD&ĐT
Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết Bộ đang xây dựng cấu trúc định dạng đề thi của năm 2025.
Thông tin thêm về thời gian công bố định dạng và cấu trúc đề thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 dự kiến sẽ công bố trong quý IV năm 2023. Ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, 'Bộ đang làm là xây dựng cấu trúc, định dạng đề thi sớm công bố cho giáo viên học sinh, hướng tới tổ chức thi đảm bảo chất lượng. Theo kế hoạch tháng 12/2023 sẽ lấy kiến diện rộng, sau đó tổng hợp công bố theo thời gian thích hợp.'