Học sinh lớp 12 tại Hà Nội ôn thi trực tuyến tại nhà. Ảnh: NGUYỄN TÀI
Theo Cục Quản lý chất lượng Bộ Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT), kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 diễn ra từ ngày 7 đến 9-7. Trong đó, thí sinh đăng ký dự thi từ ngày 27-4 đến ngày 11-5. Ðến 17 giờ ngày 11-5, cả nước có hơn một triệu thí sinh đăng ký dự thi. Trước tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, Bộ GD và ÐT đã chủ động các phương án khác nhau để phù hợp nhất với tình hình thực tế thời điểm diễn ra kỳ thi. Về đề thi, chủ động các phương án, có sự tính toán, tất cả nội dung thuộc phần giảm tải sẽ không được đưa vào đề thi nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh dự thi nghiêm túc, đạt kết quả tốt.
Ðể học sinh lớp 12 dự thi đạt kết quả tốt, các trường trung học đang tích cực tổ chức ôn tập cho các em. Theo Bộ GD và ÐT, căn cứ vào đề thi tham khảo, các trường xây dựng kế hoạch tổ chức dạy học, ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp điều kiện thực tế địa phương. Trong quá trình ôn tập, chú trọng trang bị, củng cố cho học sinh nắm vững những kiến thức, kỹ năng cơ bản của chương trình THPT, trong đó tập trung vào chương trình lớp 12. Chú ý phân loại nhóm đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập cho phù hợp, không gây quá tải, bảo đảm sức khỏe cho học sinh. Tổ chức ôn tập cho những học sinh đã hoàn thành chương trình giáo dục THPT nhưng chưa tốt nghiệp có nguyện vọng ôn tập phù hợp thực tế. Các địa phương, cơ sở giáo dục rà soát học sinh gặp khó khăn trong học tập, từ đó vận động mỗi giáo viên hỗ trợ ít nhất một học sinh nhằm tạo điều kiện giúp đỡ các em hoàn thành kỳ thi. Chủ động sẵn sàng phương án chuyển sang dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình, qua in-tơ-nét khi dịch Covid-19 bùng phát.
Quá trình triển khai, các địa phương, trường học đã chủ động với các phương án khác nhau để thích ứng với các tình huống dịch Covid-19. Tại Trường THPT Nguyễn Văn Cừ (Gia Lâm, Hà Nội), theo Hiệu trưởng Nguyễn Minh Phi, năm học 2020 - 2021, toàn trường có 556 học sinh lớp 12. Mặc dù ôn tập trực tuyến không thể tương tác hiệu quả bằng trực tiếp nhưng nhà trường đã cố gắng khắc phục một cách tối đa. Ngay khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và có yêu cầu tạm dừng cho học sinh đến trường, tổ chức dạy học trực tuyến, nhà trường đã chỉ đạo các thầy giáo, cô giáo xây dựng đề cương dạy ôn thi trực tuyến cho học sinh lớp 12 theo quy định.
Trong đó, các tổ nhóm chuyên môn xây dựng chương trình thống nhất chung; sau mỗi tiết giảng, giáo viên sẽ gửi lại bài giảng, câu hỏi bài tập cho học sinh. Giáo viên chủ nhiệm và giáo viên bộ môn phối hợp yêu cầu mỗi học sinh một tuần phải làm một đề môn thi tốt nghiệp THPT trên hệ thống học tập trực tuyến Hanoi Study của trường và Sở GD và ÐT Hà Nội. Riêng môn Văn học, mỗi tuần, giáo viên sẽ giao một bài tập về nhà để đến khi trở lại trường, thầy giáo, cô giáo sẽ chữa bài cho các em. Dự kiến, đến giữa tháng 6, nếu tình hình dịch Covid-19 vẫn phức tạp, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh thi thử trực tuyến một lần.
Hiệu trưởng Trường THPT Phúc Lợi (Long Biên, Hà Nội) Nguyễn Quý Xuân cho biết: Năm nay nhà trường có 584 học sinh lớp 12 sẽ dự thi tốt nghiệp THPT. Do dịch Covid-19 cho nên nhà trường đã chủ động lên phương án ôn tập cho học sinh lớp 12 phù hợp thực tiễn. Trong đó, giáo viên tập trung ôn luyện theo cấu trúc đề thi tham khảo; nội dung ôn luyện bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT hiện hành. Ðồng thời, các thầy giáo, cô giáo cũng theo dõi từng học sinh, có hình thức hướng dẫn
ôn tập phù hợp để các em có thể nắm vững các kiến thức, bảo đảm đủ năng lực đáp ứng kỳ thi.
Ðại diện Sở GD và ÐT Vĩnh Long cho biết, đã chỉ đạo các trường căn cứ kế hoạch dạy học chủ động xây dựng kế hoạch, huy động toàn lực cho công tác ôn tập thi tốt nghiệp THPT cho học sinh lớp 12. Trong đó, các trường phân công lãnh đạo phụ trách theo môn hoặc theo lớp; động viên, khen thưởng kịp thời đối với các cá nhân, tổ chức làm tốt; nhắc nhở, phê bình các cá nhân, tập thể lơ là, thiếu trách nhiệm trong việc thực hiện kế hoạch ôn tập.
Ðáng chú ý, trong ôn tập, các nhà trường được khuyến khích vận động học sinh khá, giỏi giúp đỡ học sinh có học lực yếu. Mặc dù chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh vẫn đi học bình thường nhưng ngành giáo dục Vĩnh Long đã chuẩn bị các phương án, kịch bản dạy học, ôn tập trong điều kiện dịch Covid-19, khi cần thiết là kích hoạt ngay.
Theo PGS, TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục trung học (Bộ GD và ÐT), đến nay các trường đã cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 và bắt đầu tổ chức ôn tập cho học sinh. Ðiều quan trọng trong ôn tập cho học sinh là không dạy lại mà cần hệ thống hóa kiến thức và giúp học sinh tự biết cách hệ thống hóa kiến thức đã học. Việc hệ thống hóa kiến thức theo từng chương, từng phần rồi đến hệ thống kiến thức môn học, luyện tập các kỹ năng. Giáo viên cần xây dựng hệ thống câu hỏi bài tập ôn thi để giao cho học sinh làm, sau đó hướng dẫn và chữa bài tập cho các em hoàn thiện các kiến thức, kỹ năng đã học. Xây dựng hệ thống bài tập sao cho bảo đảm phủ kín các dạng bài và các kỹ năng làm bài đầy đủ. Ðối với những địa phương, những trường chưa bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 mà học sinh vẫn đến trường ôn thi thì cần chia thành các lớp học theo các đối tượng học sinh để tổ chức ôn tập hiệu quả.
Ðối với địa phương, trường học bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 bùng phát thì tổ chức ôn tập, làm bài trực tuyến cho học sinh. Việc ôn tập trực tuyến có nhiều hình thức, nếu bảo đảm các yêu cầu bài bản theo Thông tư 09/2021/TT-BGDÐT về tổ chức quản lý dạy học trực tuyến để thầy giáo, cô giáo tương tác với học trò thì sẽ hiệu quả. Nếu không giáo viên có thể giao bài trước, sau đó sử dụng một số phần mềm khác để hỗ trợ cho học sinh. Ðiều quan trọng nhất trong ôn tập cho học sinh lớp 12 hiện nay dù đến trường hay trực tuyến là giúp các em tự học dưới sự hỗ trợ, hướng dẫn, giải đáp thắc mắc của thầy giáo, cô giáo thì mới hiệu quả.