Liên tiếp xảy ra bạo lực học đường
Vừa qua, trên mạng xã hội lan truyền clip quay cảnh một nữ sinh bị nhóm 5 học sinh gồm 4 nữ, 1 nam đánh hội đồng trong một căn nhà. Thông tin ban đầu phản ánh các học sinh liên quan đang học tại Trường THCS Lương Sơn, huyện Bắc Bình, tỉnh Bình Thuận.
Sau đó Ban Giám hiệu Trường THCS Lương Sơn đã kiểm tra, xác minh và xác định đây đúng là những học sinh của trường.
Nữ sinh T. (áo trắng) bị nhiều học sinh cùng trường đánh hội đồng. (Ảnh cắt từ clip)
Theo báo cáo của Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bắc Bình thì nhóm 5 học sinh đánh bạn gồm: P.H.NT, nữ sinh lớp 9; V.T.K.N, nữ sinh lớp 7; T.T.V, nam sinh lớp 7; L.H.G.H, nữ sinh lớp 7 và N.T.T.Q, nữ sinh lớp 7. Em nữ sinh bị đánh là T.T.Q.T, học sinh lớp 7.
Nhà trường đã yêu cầu 5 học sinh đánh bạn làm bản tường trình, kiểm điểm và lập biên bản xử lý vi phạm. Qua đó xác định vụ việc xảy ra như sau: Sáng 26/9, nhóm học sinh này “lập kèo” đánh bạn T.T.Q.T. Đến chiều, cả nhóm chờ T.T.Q.T về nhà T.T.V ở thị trấn Lương Sơn. Tại đây cả nhóm dùng tay chân để đấm, đá, tát vào mặt, lưng em T.T.Q.T, rồi còn dùng các vật dụng cứng như mũ bảo hiểm đánh vào người và dùng điện thoại của T.T.V để quay clip. Sau đó nhóm này chia sẻ clip cho nhau và phát tán trên mạng xã hội Facebook.
Ngày 28/9, Hội đồng kỷ luật của trường họp và thống nhất hình thức xử lý kỷ luật là tạm dừng học có thời hạn một năm đối 5 học sinh đánh bạn.
Trong khi đó tại địa phương khác, chiều 27/9, vì mâu thuẫn, nữ sinh Trường THPT Long Trường (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã gọi người ngoài vào tận lớp đánh bạn học. Theo clip được chia sẻ trên mạng xã hội, một nhóm người cùng vây vào đánh đập một nữ sinh ngay trong không gian lớp học.
Một nữ sinh ở TP.HCM dẫn người lạ vào hành hung bạn giữa lớp học. (Ảnh cắt từ clip)
Theo thông tin từ Trường THPT Long Trường, sự việc xảy ra sau giờ học chiều 27/9 xuất phát từ mâu thuẫn giữa hai nữ sinh T. và L. là bạn học cùng lớp 12.
Cuối giờ học ngày hôm đó, trời mưa lớn nên bảo vệ mở cổng để phụ huynh vào trường đón con. Nhân đó, em L. gọi một nhóm người lạ vào lớp học. Nhóm này đã gọi em T. ra nói chuyện rồi lao vào đánh nữ sinh này. Một nữ sinh khác vào can ngăn cũng bị nhóm này đánh. Nhóm này còn chặn cửa ra vào không cho các học sinh khác đi gọi thầy cô.
Sáng 28/9, phụ huynh hai em L. và T. đã đến trường để làm việc, hòa giải. Hiện tại, Trường THPT Long Trường đang phối hợp với công an địa phương để làm rõ về nhóm người được em T. gọi đến đánh bạn học.
Trường THPT Long Trường
Làm sao giải quyết vấn nạn bạo lực học đường?
Để hạn chế tối đa và giải quyết vấn nạn bạo lực học đường, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý Giáo dục Việt Nam cho rằng cần có những giải pháp mang tính tổng thể. Gia đình, nhà trường, xã hội cần nâng cao nhận thức, ý thức cho học sinh và con em mình về những hành động bạo lực và hậu quả của những hành động bạo lực này.
Trong đó, gia đình cần chú trọng giáo dục con cái như phê phán những hành vi thô bạo, xử lý nghiêm khắc những hành vi thô bạo, bạo lực từ con trẻ cũng như hình thành cho trẻ về tính quan tâm, giúp đỡ người khác.
Nhà trường cần chú trọng tới việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh theo tinh thần bộ quy tắc ứng xử văn hóa học đường; quan tâm tới từng học sinh và chủ động trao đổi thông tin với gia đình học sinh; tăng cường hoạt động ngoại khóa, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích.
Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình… Chỉ khi thực hiện các giải pháp đồng bộ như vậy thì tình trạng bạo lực trong học đường mới được đẩy lùi, từ đó góp phần xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh.
Thời gian qua, TP.HCM xác định xây dựng văn hóa học đường là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, TP.HCM chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, phụ trách; phối hợp tốt giữa các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Theo đó, các sở ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, triển khai đồng bộ theo ngành, lĩnh vực được phân công quản lý, chỉ đạo các xã, phường, thị trấn, các phòng ban chuyên môn phối hợp chặt chẽ trong công tác xây dựng văn hóa học đường thuộc phạm vi quản lý; bảo đảm xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường trên địa bàn; đưa công tác xây dựng văn hóa học đường vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đảm bảo công tác xây dựng văn hóa học đường là hoạt động thường xuyên, liên tục.
Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì, theo dõi, đánh giá thực hiện văn hóa học đường; quán triệt, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, thực hiện chấp hành kỷ luật, quy tắc ứng xử, đạo đức nhà giáo, năng lực ứng xử sư phạm.
Mục tiêu của TP.HCM là giáo dục phát triển toàn diện cho học sinh, sinh viên thành phố cả về phẩm chất và năng lực, hài hòa đức, trí, thể, mỹ, yêu con người, chăm học, chăm làm, trung thực, trách nhiệm.
|