19 tuổi, một triệu đồng cùng vốn kiến thức có được của một chàng sinh viên năm 2 ngành Khoa học máy tính - đây là tất cả 'vốn liếng' của Nguyễn Việt Hùng, Founder kiêm CEO ColorMe khi bắt tay vào khởi nghiệp 5 năm trước. Không hào nhoáng như những hình ảnh người ta vẫn thấy trên mạng về một doanh nhân, Hùng bắt đầu sự nghiệp của mình bằng việc chạy quanh các trường đại học, dán poster tuyển học viên. Thiếu vốn, Hùng làm CEO nhưng cũng đồng thời là thư ký, kế toán, nhân viên Marketing cho chính 'đứa con' của mình.
Bận rộn cho dự án riêng nên việc học ở trường của Hùng cũng phần nào bị ảnh hưởng. Nhưng chính lúc đó, chàng trai trẻ lại nhận được những nguồn động viên vô cùng lớn từ bạn bè và thầy cô. Giảng viên của Hùng đã từng dành nguyên 1 tiết học để nói chuyện với cả lớp về vấn đề khởi nghiệp để các bạn cùng hỗ trợ giải quyết vấn đề Hùng gặp phải. 'Mình không nghĩ là điều này có thể xảy ra ở những ngôi trường đại học khác' - Hùng chia sẻ.
Giờ đây, ColorMe đã trở thành một địa chỉ quen thuộc đến mức không ai không biết khi bắt đầu tìm kiếm những trung tâm dạy thiết kế. Hùng các cộng sự cũng mạnh dạn mở rộng thị trường, đưa sản phẩm của mình vào tới TP. Hồ Chí Minh, đồng thời tăng cường các sản phẩm dịch vụ mới như dạy thiết kế UI/UX, tổ chức các lớp học cho doanh nghiệp… Trên sân khấu của buổi Lễ tốt nghiệp, chàng CEO 9X chân thành bày tỏ: 'Đến tận giây phút này, mình chỉ dám khẳng định một điều thôi: mình chưa bao giờ hối hận khi chọn ĐH FPT và nếu cho chọn lại một lần nữa, mình vẫn chọn trường F'.
Chân dung CEO 9X Nguyễn Việt Hùng
Và không chỉ có ColorMe, Trường ĐH FPT còn là nơi 'ươm mầm' của rất nhiều start-up đình đám như TopCV - website tìm kiếm việc làm có hơn 2 triệu người sử dụng (sáng lập bởi Trần Trung Hiếu), KidiCode - trường dạy lập trình cho trẻ em (sáng lập bởi Hoàng Phương Nga), APPA - N1 - Hệ thống nông nghiệp thông minh lọt top 10 cuộc thi Khởi nghiệp Sáng tạo Quốc gia (sáng lập bởi Phạm Hữu Việt), ThinkLabs - doanh nghiệp đạt giải Quán quân cuộc thi IBM Watson Build 2018 (sáng lập bởi Vũ Hải Nam)…
Để có một 'vườn ươm' với phong phú các ý tưởng khởi nghiệp như vậy, trước hết phải khẳng định Trường ĐH FPT là một trong số ít các ngôi trường rất chú trọng phát triển năng lực cá nhân cho sinh viên. Tiêu biểu phải kể đến chương trình Phát triển cá nhân với mục tiêu giúp sinh viên phát triển toàn diện về cả 5 yếu tố: trí tuệ xúc cảm, văn hóa, thể chất, trách nhiệm xã hội và kỹ năng mềm. Đây cũng là ngôi trường hiếm hoi trên cả nước có riêng một phòng Phát triển cá nhân cho sinh viên, có nhiệm vụ tổ chức các khóa học kỹ năng, các hoạt động trải nghiệm, sự kiện… diễn ra quanh năm.
Bên cạnh đó, với hơn 40 CLB trải rộng ở nhiều lĩnh vực (nghiệp vụ, ngôn ngữ, nghệ thuật…), sinh viên FPT có một môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng quản trị và làm việc nhóm, giúp các em chủ động và tự tin hơn khi hiện thực hóa những ý tưởng của mình.
Và không chỉ dừng lại ở việc cung cấp kỹ năng, Trường ĐH FPT thúc đẩy ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên qua các sân chơi như FPT Edu Biz Talent, Start-up Uni, Impact Startup Challenge… Tham gia các cuộc thi này, các sinh viên sẽ phải trải qua những buổi thuyết minh, phản biện nhằm bảo vệ ý tưởng của mình như quy trình gọi vốn đầu tư ngoài thực tế. Thông qua đó, mỗi thí sinh có thể tích lũy và rèn luyện những kỹ năng cơ bản nhất cho quá trình xây dựng và điều hành doanh nghiệp của riêng mình.
Sinh viên Trường ĐH FPT tại cuộc thi Impact Startup Challenge hợp tác với ĐH Khoa học Xã hội Singapore.
Chia sẻ về xu hướng khởi nghiệp của sinh viên, thầy Trần Ngọc Tuấn - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học FPT cho biết: 'Trong cương lĩnh của trường Đại học FPT năm 2006 đã định hướng khởi nghiệp. Mục đích của khởi nghiệp không chỉ tạo ra doanh nghiệp mà còn tạo ra giá trị cho xã hội'.