Tiềm ẩn nhiều nguy cơ
Dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là xu hướng tuyển sinh của hầu hết các trường đại học trong những năm gần đây.
Qua thống kê đến năm 2021, cả nước đã có khoảng hơn 60 cơ sở đào tạo sử dụng các chứng chỉ quốc tế như IELTS, TOEFL, SAT,… là tiêu chí để ưu tiên xét tuyển, xét tuyển thẳng. Do đó, nhiều thí sinh chạy đua học và thi nhằm có trong tay chứng chỉ ngoại ngữ này.
Thí sinh làm thủ tục nhập học tại trường đại học.
Từ thực tế trên, ở Việt Nam thời gian qua, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ nói chung, chứng chỉ năng lực ngoại ngữ nói riêng của nước ngoài có xu hướng phát triển nóng cả về quy mô, hình thức, ngôn ngữ, thế nên cũng đã xuất hiện nhiều bất cập.
Ông Nguyễn Hữu Độ, Thứ trưởng Bộ GDĐT nhìn nhận, hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam thời gian qua được triển khai tràn lan với rất nhiều loại chứng chỉ, nhiều ngôn ngữ khác nhau mà không được kiểm soát về chất lượng.
Theo ông Độ, việc liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ ngoại ngữ ở Việt Nam chủ yếu tuân thủ theo quy định của đối tác nước ngoài, chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về điều kiện, tiêu chí liên kết tổ chức thi của Việt Nam dẫn đến một số tiêu cực mà báo chí trong và ngoài nước đã phản ánh như: thi hộ, gian lận trong hồ sơ, giả mạo giấy tờ....
Những tiêu cực này gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến quyền lợi của người được cấp chứng chỉ, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các tổ chức triển khai thi, cấp chứng chỉ nghiêm túc; người dân lúng túng trong việc lựa chọn chứng chỉ, đơn vị tổ chức thi để được cấp chứng chỉ; gây thất thu thuế nhà nước và giảm sức hút, sự minh bạch của môi trường đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục tại Việt Nam.
Đồng tình với việc Bộ GDĐT cho tạm dừng tổ chức thi và cấp chỉ ngoại ngữ nước ngoài vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ IVES cũng chỉ ra thực tế, ở một số đơn vị có tình trạng gian lận, lộ đề, thi hộ… Việc chưa được quản lý chặt chẽ hoạt động này khiến tiểm ẩn nhiều nguy cơ.
Giám sát chất lượng thế nào?
Tới thời điểm này, Hội đồng Anh, IDP đã được Bộ GDĐT cấp phép tổ chức thi và cấp chứng chỉ IELTS trở lại. Tuy nhiên việc quản lý chất lượng các kỳ thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ quốc tế vẫn đang nhận sự quan tâm của dư luận.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc Bộ GDĐT chấn chỉnh, thanh kiểm tra các kỳ thi ngoại ngữ nhằm đem lại công bằng, minh bạch cho người học nhưng việc làm này liệu có giám sát được chất lượng?
Trao đổi với phóng viên, TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GDĐT), Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho hay, với các tổ chức quốc tế có uy tín được tổ chức kỳ thi IELTS tại Việt Nam thì có thể khẳn định độ tin cậy. Tuy nhiên, với một số tổ chức, đơn vị liên kết với các cơ sở giáo dục trong nước thì độ tin cậy có khả năng không cao.
Ủng hộ động thái của Bộ GDĐT, TS Lê Viết Khuyến cho rằng, cơ quan quản lý cần có những biện pháp kiểm tra, giám sát để đảm bảo hoạt động này diễn ra an toàn, lành mạnh, đảm bảo sự công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mọi thí sinh, đặc biệt là siết chặt với các đơn vị liên kết tổ chức.
Về việc các trường đại học hiện nay dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển bằng chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế, TS Lê Viết Khuyến nêu quan điểm, xu hướng này sẽ dần tới tình trạng tiêu cực, thí sinh học lệch.
Ngoài ra, phương thức tuyển sinh này không tạo ra sự công bằng giữa các thí sinh thành phố có điều kiện với các thí sinh vùng miền khác.
'Các trường nên lấy kết quả thi IELTS là một tiêu chí để xét tuyển đại học chứ không phải là kết quả đại diện cho một phương thức tuyển sinh. Về lâu dài như cách làm hiện nay sẽ không ổn, dù kết quả chứng chỉ ngoại ngữ này là chính xác', TS Lê Viết Khuyến nhấn mạnh.
Về vấn đề này, Bộ GDĐT đã có công văn đề nghị các sở GDĐT tham mưu với UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan liên quan của địa phương tăng cường công tác quản lý các tổ chức, cá nhân đang thực hiện hoạt động liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài trên địa bàn theo quy định.
Bộ GDĐT lưu ý chỉ cho phép các tổ chức, cá nhân thực hiện việc tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn khi có quyết định phê duyệt, quyết định gia hạn liên kết tổ chức thi của Bộ GDĐT.
Đặc biệt, thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhân liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ của nước ngoài tại địa bàn theo đúng các quy định hiện hành.
Để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh, Bộ GDĐT yêu cầu xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong thực hiện liên kết tổ chức thi cấp chứng chỉ năng lực ngoại ngữ tại địa bàn.