Hội thảo khoa học cấp quốc gia SSH 2021 quy tụ nhiều nhà nghiên cứu tên tuổi trong lĩnh vực KHXH&NV
Do Viện Khoa học Xã hội & Nhân văn (KHXH&NV), Trường ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH) tổ chức, Hội thảo quy tụ nhiều chuyên gia tên tuổi trong lĩnh vực KHXH&NV như GS.TS. Hồ Sĩ Quý - nhà nghiên cứu triết học, Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; PGS.TS. Phan Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng; Ủy viên thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam; PGS.TS. Lê Hữu Ái - Trường ĐH Kinh tế, ĐH Đà Nẵng; GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - nhà nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa, nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam, Viện trưởng Viện KHXH&NV HUTECH,... cùng nhiều nhà nghiên cứu, giảng viên từ ĐH KHXH&NV - ĐHQG TP.HCM, ĐH Văn hóa TP.HCM, ĐH Đà Nẵng, ĐH An Giang - ĐHQG TP.HCM, ĐH Kinh tế Tài chính TP.HCM (UEF),...
GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm - nguyên Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương Việt Nam, Viện trưởng Viện KHXH&NV HUTECH
Cơ chế quản lý linh hoạt, khả năng thích ứng nhanh chóng - lợi thế của trường ngoài công lập
Đại diện HUTECH, GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm cho rằng những các đặc điểm như tự chủ, cơ chế quản lý linh hoạt, môi trường học tập hiện đại, thích ứng nhanh chóng với các chuẩn mực quốc tế là những thế mạnh mà các trường đại học ngoài công lập cần khai thác triệt hơn để có thể đào tạo công dân toàn cầu một cách hiệu quả, tạo nên đội ngũ nhân lực chất lượng, sẵn sàng phát triển ở cả thị trường khu vực lẫn quốc tế. Đây là một trong những nội dung cơ bản trong báo cáo Giáo dục công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV tại các trường đại học ngoài công lập ở Việt Nam được GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm trình bày ở phiên khai mạc của Hội thảo.
Báo cáo của GS.TSKH. Trần Ngọc Thêm tại Hội thảo SSH 2021
Phiên khai mạc còn thông qua 3 báo cáo đáng lưu ý khác, bao gồm Đào tạo công dân toàn cầu trong lĩnh vực KHXH&NV: Tiềm năng, thế mạnh và những rào cản (GS.TS. Hồ Sĩ Quý), Đào tạo công dân toàn cầu từ góc nhìn thực tiễn của giáo dục đại học Việt Nam (PGS.TS. Phan Văn Hòa), Những rào cản trong đào tạo các ngành KHXH&NV của các trường Đại học ngoài công lập ở Việt Nam của (PGS.TS. Lê Hữu Ái).
Báo cáo của GS.TS. Hồ Sĩ Quý - Ủy viên Hội đồng Khoa học Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam
Cần phát huy bản sắc Việt Nam trong đào tạo công dân toàn cầu
Nói về mục tiêu đào tạo công dân toàn cầu, PGS.TS. Phan Văn Hòa khẳng định: 'Chúng ta vẫn có nhiều thuận lợi, mà thuận lợi lớn nhất là ở con người. Những yếu tố chắc chắn nhất của công dân toàn cầu là tính cộng đồng, tình yêu thương và sự chia sẻ - chính là những điều mà ta giữ gìn trong bản sắc người Việt Nam. Chỉ nhìn trong cuộc chiến chống Covid-19, ta thấy nhiều tấm lòng nhân ái giúp đỡ nhau trong nước lẫn kiều bào quốc tế, với những món quà thiết thực mà chứa đựng tình cảm to lớn. Với một dân tộc như vậy, hoàn toàn có thể tin tưởng vào việc giáo dục công dân toàn cầu'.
PGS.TS. Phan Văn Hòa - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ, ĐH Đà Nẵng, Ủy viên thường vụ Hội Ngôn ngữ học Việt Nam
Để phát huy được bản sắc, chiến lược giáo dục tất yếu cần có nhiều thay đổi. Theo PGS.TS. Lê Hữu Ái, những thay đổi quan trọng nhất cần bao gồm kiến thức chọn lọc tiêu biểu và phù hợp cho toàn cầu hóa, kỹ năng mang tính toàn cầu để tham gia giải quyết những vấn đề toàn cầu, và thái độ đúng đắn trong việc xử lý và thực hiện vấn đề mang tính toàn cầu, bao gồm cả tôn trọng pháp luật, bảo vệ lợi ích quốc gia và bảo vệ tiếng mẹ đẻ trong quá trình toàn cầu hóa.
Đa dạng định hướng đào tạo công dân toàn cầu trong ngành văn hóa, du lịch, ngoại ngữ,...
Cùng với 4 tham luận ở phiên khai mạc, Hội thảo còn có sự chia sẻ của các nhà nghiên cứu, giảng viên các trường đại học tại 4 tiểu ban gồm KHXH&NV trong đào tạo công dân toàn cầu, Những vấn đề giáo dục công dân toàn cầu, Những vấn đề văn hóa - du lịch trong đào tạo công dân toàn cầu và Phương pháp giảng dạy và ngoại ngữ trong đào tạo công dân toàn cầu, với tổng cộng 16 tham luận.
Báo cáo của nhóm giảng viên từ ĐH Sư phạm TP.HCM và ĐH Công nghệ TP.HCM (HUTECH)
Nhiều vấn đề đáng quan tâm đã được đưa ra thảo luận, như Xây dựng ý thức công dân tích cực trong đào tạo định hướng công dân toàn cầu tại trường đại học ngoài công lập (TS. Vũ Quốc Anh - HUTECH), Hội nhập cộng đồng kinh tế ASEAN - cơ hội và thách thức đào tạo nhân lực du lịch Việt Nam (TS. La Nữ Ánh Vân - ĐH Phan Thiết), Ứng dụng sơ đồ tư duy trong dạy học môn nghe tiếng Trung cho sinh viên (TS. Huỳnh Bích Ngọc - HUTECH), Đào tạo công dân toàn cầu: tiếp cận từ giáo dục nhân văn hay giáo dục đa văn hóa? (ThS. Dương Trường Phúc - ĐH KHXH&NV),... Những đề xuất, gợi mở cho nhiệm vụ đào tạo công dân tòan cầu ở nhóm ngành KHXH&NV cũng có thể là điểm tựa đáng quan tâm để mở rộng đào tạo công dân toàn cầu trong các lĩnh vực khác.