(Ảnh minh họa: NVCC)
Học sinh thiếu thiết bị, hạ tầng Internet kém, khả năng công nghệ của giáo viên cũng nhiều hạn chế, nhưng trong bối cảnh buộc phải dạy trực tuyến vì ảnh hưởng của dịch bệnh, các thầy cô giáo vùng khó khăn đã rất nỗ lực để vượt lên mọi thách thức, sáng tạo nhiều giải pháp để hỗ trợ học sinh tạm dừng đến trường nhưng không dừng học.
Giải bài toán khó
Dịch COVID-19 bùng phát mạnh là thách thức lớn cho thầy và trò khi việc học trực tuyến kéo dài ở nhiều vùng miền trên cả nước, mọi hoạt động đều diễn ra trên không gian mạng.
Với bộ môn thể dục như của thầy Vũ Trường Hải (giáo viên Trường Trung học phổ thông Trần Hưng Đạo, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh), đây càng là thách thức lớn. Làm sao để có thể quan sát động tác của hàng chục học sinh cùng lúc qua màn hình máy tính? Làm thế nào để hệ thống hoá được hàng trăm video bài tập thực hành về nhà của các em khi một giáo viên thể dục luôn dạy nhiều lớp, mỗi lớp hàng chục học sinh, mỗi học sinh lại có nhiều video?
Tổ chuyên môn đã phải họp bàn xem học sinh nộp bài video như thế nào, qua Zalo thì tốn dung lượng, không thể kiểm soát, thống kê khi các em nộp khác khung thời gian, khác lớp, nộp qua email, Youtube… đều bất khả thi.
Để giải bài toán này, thầy Hải đã phải tìm tòi học hỏi rất nhiều kênh, từ Internet, các hội nhóm đến bạn bè đồng nghiệp và nhận thấy ứng dụng Padlet của Google mang nhiều hiệu quả, nhất là đối với môn thể dục. Trong ứng dụng này, học sinh có thể tương tác cùng giáo viên ngay lúc học, nộp bài, đặt câu hỏi sau giờ học. Giáo viên có thể tạo mỗi lớp một trang Padlet riêng, mỗi em có một khung riêng theo số thứ tự của mình và nộp clip bài tập rất đơn giản, giáo viên có thể dễ dàng kiểm tra lớp nào đã nộp đủ bài, em nào còn thiếu, em nào thực hành chưa đúng…
Học sinh có thể tương tác, bình luận, tự đánh giá cho nhau bằng cách tặng sao, chấm điểm, like…. Ứng dụng có các chế độ kiểm duyệt nên thầy cô hoàn toàn kiểm soát được các sự cố không mong muốn.
Thầy Hải đã cố gắng tìm tòi, học hỏi các phần mềm để quản lý bài tập của học sinh hiệu quả. (Ảnh: NVCC)
'Ứng dụng này có thể không mới với nhiều người nhưng với chúng tôi, từ khi phát hiện và sử dụng đã thực sự là một cúu cánh,' thầy Hải nói. Từ sáng kiến của thầy Hải, rất nhiều giáo viên dạy các môn học như thể dục, âm nhạc đã ứng dụng trong việc dạy trực tuyến của mình, giảm bớt công việc và áp lực cho giáo viên cũng như cho học sinh đồng thời nâng cao chất lượng giáo dục.
Thầy giáo Lê Châu Khoa (giáo viên Trường Trung học cơ sở Nguyễn Tri Phương, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang, Thành phố Đà Nẵng), lại mạnh dạn lập một kênh Youtube riêng để truyền tải tri thức đến học trò.
Theo thầy Khoa, đối với học sinh ở vùng cao, vùng sâu, có nhiều điều giáo viên không thể áp dụng theo kiểu khô cứng, cào bằng vì trình độ học sinh có sự khác biệt.
Vì thế, thay vì sử dụng bài giảng mẫu, các thầy cô giáo đã tự biên soạn giáo án trực tuyến trên các trang mạng xã hội với các phương pháp giảng dạy, nội dung, kiến thức tương ứng với học trò của mình. 'Những bài giảng chứa đựng nhiều tâm huyết của người thầy và phù hợp hơn với từng đối tượng học sinh khác nhau, mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn', thầy Khoa nói.
Đồng hành với học trò
Với học sinh vùng khó, kỹ năng sử dụng thiết bị máy tính, phần mềm học trực tuyến rất yếu, thiết bị học trực tuyến lại càng là bài toán vô cùng khó.
Thầy Trang Thành Giá (Trường Trung học phổ thông Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) cho biết học sinh của mình thiếu đủ thứ, từ smartphone, laptop… đến wifi, 3G… Tương tự, tại Trường Trung học phổ thông Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng), cô giáo dân tộc Tày Nguyễn Thị Thanh Xuân cũng chia sẻ phần lớn học sinh không có máy tính, đường truyền mạng không ổn định, quá trình học mạng thường xuyên bị lag nên việc tiếp nhận kiến thức của các em chưa thực sự đạt được hiệu quả như mong muốn.
Học sinh học trực tuyến phòng dịch COVID-19. (Ảnh: PM/Vietnam+)
Đây cũng là những thách thức ở Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở Rồng Giềng (tỉnh Kiên Giang), nơi phần lớn là học sinh dân tộc Khmer. Các em phải học trực tuyến khi chưa biết cài chương trình, không biết sử dụng các công cụ, biểu tượng đơn giản, cơ bản nhất như giơ tay phát biểu… 'Những giờ học đầu tiên, hầu như học sinh không thể tương tác với giáo viên,' thầy Huỳnh Bá Hiếu, giáo viên của trường chia sẻ.
Khó khăn nhưng không bỏ cuộc, các thầy cô giáo vùng khó đã sử dụng nhiều phương thức để có thể kết nối với học sinh, hướng dẫn các em để từ đó, học sinh quen dần với công nghệ hơn, dù chỉ qua chiếc màn hình điện thoại nhỏ xíu của cha mẹ.
Thầy Thành Giá vẫn nhớ những ngày thầy và trò dạy và học trực tuyến bất kể thời gian, bất cứ khi nào học sinh có mạng Internet và bất cứ khi nào các em có câu hỏi cần giải đáp. Căn phòng nhỏ của thầy biến thành 'trạm phát sóng' và các học sinh trở thành những ăng-ten vệ tinh. 'Có khi nửa đêm, học sinh vẫn nhắn tin hỏi bài nhưng tôi không thấy phiền, chỉ thấy vui,' thầy Giá chia sẻ.
Để các bài giảng thêm sinh động và có nhiều kênh kết nối với học sinh, thầy Huỳnh Bá Hiếu hướng dẫn các em cài đặt nhiều chương trình học tập như Google Meet, vnEdu LMS, Padlet, ClassDojo….'Vượt lên những khó khăn, thầy trò chúng tôi cũng bắt đầu những bài học đầu tiên của chương trình bằng hình thức học trực tuyến và ngày càng phối hợp nhịp nhàng hơn, hiệu quả hơn,' thầy Hiếu nói.
Không chỉ tìm tòi, sáng tạo các phương pháp dạy trực tuyến hiệu quả, các thầy cô giáo còn tìm nhiều cách để có thể mang sóng và thiết bị học tập đến với học trò, từ quyên góp đến vận động các nhà hảo tâm hỗ trợ học sinh. Hàng trăm nghìn thiết bị công nghệ đã được các mạnh thường quân trao tặng đến các em học sinh để cùng thầy và trò ngành giáo dục vượt qua những thách thức vì đại dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, toàn ngành giáo dục đang phải trải qua giai đoạn khó khăn chưa từng có trong lịch sử và mỗi thầy cô giáo trong khó khăn, thử thách vẫn nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình là điều đặc biệt xuất sắc và phải được ngợi ca.
'Sự thành công của nhà giáo đem lại giá trị đặc biệt tốt đẹp, vì nó tạo ra sự thành công cho tất cả mọi người, tạo ra sự thành công của quốc gia,' Bộ trưởng nói./.