Ở thời điểm năm 2020, giáo viên và học sinh còn lúng túng khi buộc phải chuyển từ cách học truyền thống sang cách học trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhà trường và giáo viên lúc đó mới bắt đầu đi tìm các giải pháp công nghệ để phục vụ cho việc giảng dạy, sau đó phải hướng dẫn học sinh sử dụng các thiết bị dạy học trực tuyến. Hiện nay, việc giảng dạy và học trực tuyến đã có nhiều thay đổi, theo chiều hướng tích cực.
Đó là chia sẻ của ông Bùi Đắc Tú, chuyên viên phụ trách công nghệ thông tin (Sở GD&ĐT Hà Nội) tại hội thảo trực tuyến Dạy và học trực tuyến - Khó khăn thực tế và Giải pháp công nghệ do Sở GD&ĐT Hà Nội tổ chức mới đây.
'Qua theo dõi, tại Hà Nội, giáo viên và học sinh đã dần thích ứng với cách dạy và học trực tuyến. Đặc biệt, các nhà trường đã chủ động xây dựng được thời khóa biểu, kế hoạch dạy học trực tuyến theo phân phối chương trình tương đối ổn định.
Các thầy cô giáo cũng rất sáng tạo đi tìm hiểu các công nghệ, phần mềm hỗ trợ cho việc dạy học online', ông Tú nói.
Ảnh minh họa.
Dạy học trực tuyến thích ứng với tình hình dịch bệnh năm học 2021-2022, đại diện Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, do đã có kinh nghiệm từ các lần dịch trước nên việc dạy học không gặp nhiều khó khăn. Duy chỉ có khối 6, nhiều em học sinh gặp chút vướng mắc khi vừa phải tham gia chương trình lớp 6, vừa phải ôn thi theo lịch học của lớp 5 để hoàn thành bài kiểm tra học kỳ.
'Với các trường hợp này, nhà trường tạo điều kiện cho học sinh học theo lịch học của lớp 5 và bố trí học bù vào buổi chiều tối hoặc buổi tối để đảm bảo con theo kịp tiến độ trên lớp và hoàn thành bài kiểm tra học kỳ, kết thúc năm học ở khóa cũ.
Dịch bệnh đã làm các trường phổ thông phải chuyển đổi cách thức dạy học truyền thống sang hướng ứng dụng công nghệ nhiều hơn, qua đó các nhà trường nhận thấy những lợi ích của việc sử dụng công nghệ trong dạy học', bà Văn Liên Na - Phó Hiệu trưởng trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết.
Nói về khó khăn ban đầu khi dạy trực tuyến, lãnh đạo trường Alpha cũng thừa nhận, khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Alpha cũng gặp tình trạng lúng túng giống như nhiều trường học khác. Nhưng với quyết tâm duy trì việc học tập, rèn luyện cho học sinh, Alpha đã dành toàn bộ nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất, công nghệ, thậm chí có thời điểm, biến toàn bộ trường thành 1 'công xưởng' để tổ chức việc giảng dạy và 'sản xuất' các bài giảng để triển khai ngay vào năm học mới.
'Năm học 2021-2022, nhằm hoàn thiện mô hình trường học trực tuyến, Alpha School đã đầu tư vào các ứng dụng công nghệ mới trong dạy và học, trong đó Hệ thống quản lý học tập của giải pháp dạy và học trực tuyến toàn diện MegaSchool, nhằm giúp học sinh có thể tương tác bài giảng, kiểm tra việc tiếp thu kiến thức ngay trong quá trình học tập hoặc bằng các bài kiểm tra tổng hợp', ông Nguyễn Sĩ Thư - nhà sáng lập Alpha School cho hay.
Cùng nhìn nhận thấy sự thay đổi tích cực trong dạy học trực tuyến hiện nay, GS.TS Lê Anh Vinh, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho rằng: 'Nếu quan sát quá trình học online trong năm đầu tiên và đến năm nay, chúng ta thấy sự thay đổi theo chiều hướng từ sự chuẩn bị, thái độ học tập của học sinh và sự sẵn sàng của các thầy cô, đồng thời phải nhìn nhận là chúng ta đã nỗ lực khá tốt'.
Có thể nhận thấy, trong năm nay, các trường đã chủ động hơn trong việc xây dựng các kế hoạch bài giảng, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin của các thầy cô giáo tăng lên; việc cập nhật, sử dụng công nghệ nhanh, không gặp trở ngại… Do đó, việc dạy và học trực tuyến đến thời điểm này đã có những tín hiệu tích cực.