Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đã thống kê danh sách đơn vị sử dụng lao động nợ tiền BHXH, BHYT, BHTN từ 1 tháng trên địa bàn thành phố Hà Nội. Số liệu tính đến hết 30/1/2023.
Bên cạnh nhiều đại gia bất động sản, xây dựng hàng đầu, nhiều cái tên nổi tiếng trong lĩnh vực giáo dục cũng bị điểm danh như ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH FPT,….
Cụ thể, Trường Đại học Kinh Tế Quốc Dân có tổng số lao động là 1.042 người. Trường nợ bảo hiểm trong 1 tháng với số tiền hơn 2,4 tỷ đồng.
ĐH Xây dựng Hà Nội, ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH FPT và loạt cơ sở giáo dục bị điểm danh trong danh sách nợ bảo hiểm trên địa bàn Hà Nội. Ảnh minh họa
ĐH Kinh Tế Quốc Dân là một trong những trường hàng đầu về đào tạo kinh tế tại Việt Nam. Hiệu trưởng trường là NGƯT.GS.TS Phạm Hồng Chương.
Học phí theo ngành học cho khóa 63 (tuyển sinh năm 2021) dao động trong khoảng từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng/năm học. Học phí các chương trình đặc thù từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng/năm học và lộ trình tăng học phí không quá 10% hàng năm.
Đại học Xây Dựng Hà Nội với 868 lao động cũng được xác định nợ 1 tháng bảo hiểm với số nợ gần 1,9 tỷ đồng. PGS.TS Phạm Duy Hòa là Hiệu trưởng của trường.
Theo Quy định tăng học phí hàng năm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, dự kiến vào năm 2023 – 2024 của trường Đại học Xây dựng sẽ áp dụng mức tăng học phí 10%. Mức học phí sau khi tăng tương đương từ 235.000 – 260.000 đồng cho 1 tín chỉ.
Trường Đại học Dược Hà Nội có 296 lao động và đã nợ bảo hiểm 1 tháng với số tiền hơn 606 triệu đồng. GS.TS. Nguyễn Hải Nam là Hiệu trưởng nhà trường.
Đến năm học 2022-2023, nhà trường đã thông báo mức thu thay đổi như sau: Đối với hệ đại trà, ngành Dược học áp dụng mức thu học phí 24,5 triệu đồng/năm. Ngành Hóa dược thu 18,5 triệu đồng/năm. Ngành Công nghệ sinh học và ngành Hóa học áp dụng mức thu 13,5 triệu đồng/năm.
Trường Đại học Tài Nguyên và Môi trường Hà Nội có 585 lao động. Trường nợ bảo hiểm 1 tháng với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng. PGS.TS Hoàng Anh Huy là Hiệu trưởng của trường. Học phí của trường từ 297.000 đồng/tín chỉ tới 354.500 đồng/tín chỉ.
Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Hà Nội có 176 lao động nhưng cũng đã nợ bảo hiểm 1 tháng với số tiền gần 335 triệu đồng. Hiệu trưởng nhà trường là bà Phạm Thị Hường. Hệ Trung cấp – Cao đẳng có học phí từ 690.000 đồng đến 940.000 đồng/tháng tùy theo ngành/nghề và hệ đào tạo.
Đáng chú ý, Viện Khoa học giáo dục Việt Nam cũng nằm trong danh sách các đơn vị nợ bảo hiểm 1 tháng với số tiền gần 434 triệu đồng. GS.TS. Lê Anh Vinh là Viện trưởng của Viện.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam là tổ chức khoa học và công nghệ công lập trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, hoạt động theo cơ chế tự chủ về nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, nhân sự và tài chính theo quy định của pháp luật, có tư cách pháp nhân, có con dấu, tài khoản riêng.
Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam có chức năng nghiên cứu khoa học về giáo dục và đào tạo; đào tạo tiến sĩ; tư vấn và chuyển giao công nghệ.
Học viện Phụ nữ Việt Nam, Trường Cao Đẳng Nghề Bách Khoa và Trường Cao Đẳng Nghệ Thuật Hà Nội nợ bảo hiểm lần lượt 284 triệu đồng, 256 triệu đồng và 237 triệu đồng.
Một cái tên đáng chú ý trong ngành giáo dục cũng bị “bêu tên” trong danh sách nợ bảo hiểm là Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam với hơn 334 triệu đồng.
Hiện mức học phí của trường dao động khoảng 500.000-600.000 đồng/tháng với hệ chuyên và 77,2 triệu đồng tới 7,8 triệu đồng/tháng với hệ hệ song bằng.
Ngoài chuyên Hà Nội - Amsterdam, nhiều trường khác cũng nợ bảo hiểm hàng trăm triệu đồng trong 1 tháng như Trường THCS Giảng Võ, Trường THCS Chu Văn An, Trường THPT Lê Quý Đôn, Trường THPT Quang Trung Đống Đa,...
Ngoài các trường công lập, nhiều trường tư nhân cũng nợ bảo hiểm với giá trị lớn như Trường Đại học FPT, Đại học Hòa Bình,...