Theo kế hoạch mới nhất của Bộ GDĐT, 14h ngày 22/8, Bộ sẽ trả kết quả xử lý nguyện vọng lần 10. Sau khi tải về, kiểm tra dữ liệu, các trường sẽ bắt đầu công bố điểm chuẩn.
Sau các lần lọc ảo, nhiều trường đại học dự kiến điểm chuẩn năm 2023 sẽ có nhiều biến động, tăng so với năm trước.
Năm nay, Trường Đại học Sư phạm TPHCM có 29.500 nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào trường, tăng gần 39% so với năm trước. Vì vậy, nhà trường đưa ra dự báo đoán điểm chuẩn các ngành của trường sẽ tăng so với năm 2022, ít nhất khoảng 0,25 điểm.
Năm 2022, điểm chuẩn theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường Đại học Sư phạm TPHCM dao động từ 20,03 đến 28,25. Trong đó, ngành Sư phạm ngữ văn lấy cao nhất với 28,25 điểm, kế đến Sư phạm toán học 27. Ngành lấy điểm thấp nhất là Giáo dục mầm non 20,03 điểm.
Thí sinh dự thi tốt nghiệp THPT năm 2023.
Theo TS Quách Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo - Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, điểm chuẩn xét tuyển bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT dự kiến tăng cao. Trong đó, trung bình tăng 1,5-2 điểm tùy vào từng ngành.
Sở dĩ có mức tăng này là do năm nay số lượng nguyện vọng nộp vào trường tăng gấp đôi năm ngoái. Số lượng nguyện vọng 1 là hơn 14.000 thí sinh, cao hơn hẳn năm 2022 với 7.000 thí sinh. Tổng số nguyện vọng vào trường là gần 40.000, cao hơn mức 20.000 của năm ngoái.
Sau các lần lọc ảo, Trường Đại học Công nghiệp TPHCM dự kiến điểm chuẩn cao nhất 26 điểm thuộc về ngành Kinh doanh quốc tế. Một số ngành có điểm chuẩn ở mức từ 23 đến 25 như Công nghệ thông tin, Tự động hoá, nhóm ngành Kinh doanh quản lý.
Tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM), những ngành có điểm chuẩn cao các năm trước như Báo chí, Tâm lý học, Ngôn ngữ Anh dự kiến điểm chuẩn ít thay đổi. Trong khi đó, các ngành nhóm dưới và nhóm giữa năm nay điểm chuẩn dự kiến tăng nhiều.
Ở các trường phía Bắc, Trường Đại học Thủ đô Hà Nội cũng dự kiến điểm chuẩn của các ngành Sư phạm năm 2023 tăng cao. Nhà trường dự kiến sau ngày 22/8 sẽ công bố điểm chuẩn.
PGS.TS Nguyễn Xuân Thạch, Trưởng ban Quản lý đào tạo của Học viện Tài chính dự đoán điểm chuẩn các ngành đào tạo của học viện năm 2023 sẽ ít biến động, biên độ tăng, giảm dao động trong khoảng 0,5 điểm.
Những ngành có lượng thí sinh đăng ký đông như Hải quan và Logistics, Quản trị kinh doanh thì điểm chuẩn khả năng có thể tăng một chút.
Theo PGS.TS Trần Trung Kiên, Trưởng phòng Tuyển sinh, Đại học Bách khoa Hà Nội, năm nay trường vẫn chủ trì, hỗ trợ lọc ảo cho các trường phía Bắc. Những ngày qua, do hệ thống hỗ trợ tuyển sinh cung cấp nhiều dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường trong nhiều phương thức xét tuyển, nên việc xác định điểm chuẩn, kết quả tuyển sinh chậm hơn so với dự kiến.
Ngoài ra, năm nay thí sinh chỉ đăng ký nguyện vọng theo ngành, không phải đăng ký theo tổ hợp và phương thức. Việc này thuận lợi cho thí sinh nhưng các trường cần nhiều thời gian hơn để hoàn thành việc xét tuyển.
Từ ngày 20/8, hệ thống lọc ảo chung của các trường phía Bắc đã chạy ổn định hơn. Đại học Bách khoa Hà Nội dự kiến sẽ công bố điểm chuẩn đến thí sinh vào chiều 22/8.
Trong khi đó, một số trường đưa ra dự báo điểm chuẩn năm nay giảm nhẹ. Trường Đại học Luật Hà Nội dự đoán điểm chuẩn xét tuyển vào trường bằng phương thức xét kết quả thi THPT năm 2023 sẽ giảm nhẹ so với năm 2022 ở một số ngành, tổ hợp.
Tương tự, Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), điểm chuẩn năm nay sẽ giảm một chút so với năm trước. Trường Đại học Thương Mại dự kiến điểm chuẩn có thể giảm từ 0,25 đến 0,5 điểm.
Trường Đại học Hà Nội dự kiến ngành hot tăng 0,5 đến 1 điểm, các ngành còn lại giữ ổn định hoặc giảm 0,5 điểm.
Trường Đại học Y Hà Nội, ngành Y khoa dự kiến khoảng 27,5 đến 28 điểm. Ngành Răng - Hàm - Mặt ở khoảng 27 đến 27,5 điểm. Những ngành còn lại dao động trong khoảng từ 19 đến 26 điểm.
Như vậy, so với năm 2022, mức điểm chuẩn năm nay của ngành Y khoa có thể giảm từ 0,15 đến 0,65 điểm, ngành Răng - Hàm - Mặt có điểm chuẩn giảm từ 0,2 đến 0,7 điểm.
Thí sinh lưu ý thời gian nhập học Theo Bộ GDĐT, năm 2023, Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung cung cấp nhiều nguồn dữ liệu hơn để hỗ trợ các trường sử dụng trong nhiều phương thức xét tuyển trong đợt 1, đồng thời thí sinh chỉ đăng ký xét tuyển theo ngành (không phải đăng ký xét tuyển theo tổ hợp và phương thức xét tuyển). Vì vậy, các trường cần nhiều thời gian hơn dự kiến để hoàn thành việc xét tuyển. Do đó, Bộ GDĐT điều chỉnh tăng 2 ngày và tăng thêm số lần lọc ảo. Việc lọc ảo kết thúc vào 17h ngày 22/8. Các trường đại học công bố điểm chuẩn trước 17h ngày 24/8. Việc công bố điểm chuẩn, kết quả trúng tuyển chính thức và xác nhận nhập học của thí sinh được điều chỉnh theo kế hoạch mới. Thay vì nhập học từ 22/8 đến trước 17h ngày 6/9 như dự kiến ban đầu, thí sinh sẽ nhập học từ 24/8 đến trước 17h ngày 8/9.