Trường ĐH Hải Phòng, nơi giảng viên bị tố 'gạ tình' nữ sinh.
Ngày 27/6, đại diện lãnh đạo UBND TP Hải Phòng cho biết, thành phố đã chỉ đạo trường Đại học (ĐH) Hải Phòng xác minh, làm rõ vụ việc một nữ sinh tố bị giảng viên Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh của trường này có những lời lẽ thiếu chuẩn mực, 'gạ tình' sinh viên.
Theo báo cáo ban đầu của trường ĐH Hải Phòng, nhà trường đã tạm đình chỉ công tác đối với giảng viên P.T.D., công tác tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh để xác minh, làm rõ.
Đồng thời, giao Ủy ban Kiểm tra nhà trường ban hành quyết định về việc kiểm tra dấu hiệu vi phạm, xác minh 7 clip ghi lại cuộc nói chuyện được cho là giữa giảng viên P.T.D. với nữ sinh T.C..
Theo lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, vụ việc vẫn đang được các phòng ban nhà trường làm rõ và chưa có kết luận cuối cùng. TP Hải Phòng yêu cầu xử lý nghiêm giảng viên nếu tố giác của nữ sinh là sự thật.
Trước đó, tối 22/6, trên nhóm mạng xã hội của sinh viên trường ĐH Hải Phòng, tài khoản T.C. đăng tải bài viết về việc một giảng viên quân sự của Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh nhiều lần gọi điện “gạ tình”, có những lời lẽ thiếu chuẩn mực.
Theo nội dung chia sẻ trên mạng xã hội, vào thời điểm tháng 6, nhà trường có tổ chức cho sinh viên kỳ học quân sự tập trung tại Trung tâm Giáo dục quốc phòng - an ninh.
Trong quá trình học, một thầy giáo đã nhiều lần gọi điện cho nữ sinh viên với những lời lẽ không chuẩn mực, gạ gẫm, quấy rối tình dục… Không chỉ qua điện thoại, giảng viên này còn gọi bạn nữ sinh lên phòng riêng để tiếp tục “gạ tình”…
“Đối với tất cả mọi người kỳ quân sự là kỷ niệm vui nhất thời sinh viên nhưng với mình thì không. 3 tuần đi không khác gì chơi trò trốn thoát và đếm từng ngày để mong được kết thúc khóa học...”, nội dung bài viết của nữ sinh.
Ngay sau khi bài viết đăng tải lên group facebook của sinh viên ĐH Hải Phòng đã thu hút hàng nghìn lượt tương tác, bình luận. Ngay sau đó, trường ĐH Hải Phòng đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn vào cuộc xác minh, làm rõ.
Bức xúc về sự việc này, nhiều độc giả bày tỏ, trong xã hội có nhiều nghề nghiệp, mỗi nghề lại có những đặc thù khác nhau. Trong đó, nghề sư phạm đòi hỏi người thầy phải có chuẩn mực đạo đức, phải có lối sống trong sạch lành mạnh. Có như vậy công tác giáo dục mới đạt hiệu quả, đạo đức xã hội mới không bị suy thoái, mới có được sự tôn kính của cả xã hội. Trong trường hợp người thầy bị tố 'gạ tình' nữ sinh là đúng thì cần có mức xử lý kỷ luật nghiêm khắc.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Đinh Thị Nguyên - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng sẽ vào cuộc xác minh những thông tin này để làm rõ sự việc. Trong trường hợp có căn cứ cho thấy những nội dung thông tin giữa hai người là có thật, không cắt ghép giả mạo thì sẽ đánh giá xem nội dung như vậy đã đi quá giới hạn hay chưa?
Trường hợp có căn cứ cho thấy giảng viên này đã có hành vi quấy rối tình dục, có lời nói hành động ứng xử thiếu chuẩn mực đạo đức thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi quấy rối tình dục theo quy định của pháp luật.
Luật sư Nguyên cũng cho biết, cần làm rõ độ tuổi, hoàn cảnh cá nhân của người giảng viên này như thế nào, là thanh niên hay đã có gia đình để xem xét tính chất của sự việc, đồng thời đánh giá tư cách đạo đức của giảng viên này. Nếu là thanh niên, chưa có gia đình riêng và lời lẽ chỉ là trêu đùa tán tỉnh, chưa đến mức đi quá giới hạn thì chỉ xem xét rút kinh nghiệm, còn trường hợp đã có gia đình, hoặc những lời lẽ khiếm nhã, có tính chất quấy rối tình dục thì sẽ bị xem xét xử lý kỷ luật và có thể còn bị xử phạt vi phạm hành chính.
Hành vi quấy rối tình dục có thể sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính từ 2.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng tùy mức độ hành vi và buộc phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Để khắc phục hiện tượng giáo viên lệch lạc trong mối quan hệ với học sinh, sinh viên, theo các chuyên gia giáo dục, chúng ta đã có các quy định, Luật Giáo dục, Bộ GD&DT cũng có một số các quy định khác như: Điều lệ nhà trường, quy định nhà giáo… Quyết định số 16/2008/QĐ-BGDĐT quy định về đạo đức nhà giáo là cơ sở để các nhà giáo nỗ lực tự rèn luyện phù hợp với nghề dạy học được xã hội tôn vinh, đồng thời là một trong những cơ sở để đánh giá, xếp loại và giám sát nhà giáo...
Song cũng cần có những quy định cụ thể hơn về vấn đề này, để tránh tình trạng giáo viên vi phạm. Các văn bản luật cũng cần được hướng dẫn cụ thể, triển khai theo các cấp, quán triệt tới từng cán bộ, giáo viên về những hành vi giáo viên không được làm. Ngành giáo dục cũng phải có sàng lọc, nếu những giáo viên không xứng đáng là thầy cô giáo thì nên sa thải.