Học cùng chiến binh nhí là dự án hỗ trợ học tập cho con em y bác sĩ, nhân viên y tế ở Hà Nội đang ở tuyến đầu chống dịch, xa nhà hỗ trợ chống dịch dài ngày. Dự án được khởi xướng bởi Công ty Truyền thông Viettel cùng sự đồng hành thực hiện của Thành đoàn Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội và Tổ chức Giáo dục Blacasa Việt Nam.
Giai đoạn 1 (đăng ký và kết nối) diễn ra từ 5/9-20/9, dự án đã nhận được số lượng các y bác sĩ đăng ký hỗ trợ học tập cho con em lên tới 1300 nhu cầu, cùng với đó là 2000 sinh viên đăng ký tham gia trở thành Gia sư của dự án. Vừa tiếp nhận đăng ký, dự án cũng tiến hành song song việc kết nối lớp học và thực hiện khóa học ngay khi đã kết nối thành công giữa 'gia sư' và 'chiến binh nhí'.
Dự án đã bắt đầu thực hiện Giai đoạn 2 từ 1/10 - 30/11. Đây là giai đoạn các lớp học tiến hành khóa học 1-1 trong vòng 16 buổi (2 buổi/tuần). Mỗi bạn nhỏ được gia sư của dự án hỗ trợ 1 môn học cần thiết nhất.
Hiện giai đoạn 2 bắt đầu với 1150 lớp học các môn văn hóa đã được mở, đồng nghĩa với việc có 1150 con em y bác sĩ và nhân viên y tế được hỗ trợ học tập và gần 1150 gia sư tình nguyện hỗ trợ dạy các em.
Trong hồ sơ đăng ký gia sư, dự án đã nhận được gần 3000 sinh viên đến từ 35 trường ĐH trên địa bàn Hà Nội. Điều này đã chứng minh tinh thần vì cộng đồng của các bạn sinh viên là vô cùng lớn. Ai cũng mong có thể chia sẻ bớt gánh nặng với lực lượng tuyến đầu cùng với đó đóng góp cho công cuộc chống dịch của đất nước.
Những thành quả ấn tượng khi bắt đầu Giai đoạn 2 của Học cùng chiến binh nhí.
'Chiến binh nhí' bật khóc khi nhắc về mẹ
Với chị Phạm Thị Bích Thuận (Điều dưỡng Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương), từ những ngày dịch bệnh bùng phát, chị đã thường xuyên phải xa nhà dài ngày để tham gia chống dịch.
Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 là tuyến cuối trong điều trị Covid-19 ở Hà Nội nói riêng và miền Bắc nói chung, tiếp nhận và điều trị hàng nghìn bệnh nhân nhiễm Covid-19, đặc biệt là những trường hợp nặng.
Điều dưỡng Phạm Thị Bích Thuận trong bộ đồ bảo hộ quen thuộc
Đợt bùng dịch thứ 4 này, chị Thuận có thời gian phải xa nhà tới hơn 2 tháng. Ba con nhỏ, bé lớn là Hương Giang (lớp 6), bé gái thứ 2 tên Minh Thư (lớp 3) và Bảo Nam (lớp 1) chị phải gửi nhờ người thân chăm sóc.
'Chồng mình cũng làm xa nhà, thỉnh thoảng mới được về. Mình thì công tác dài ngày ở viện, 2 tháng được về 1 tuần rồi lại tiếp tục quay lại chiến đấu. Các con mình phải gửi mỗi nơi một lúc: khi thì gửi nhà cô em chồng, lúc thì mang gửi ông bà nội, rồi thì nhà bà dì họ hàng. Đợt này vào năm học mới, tôi đón con lên gửi ông bà ngoại và cậu mợ trông nom giúp.' - chị Thuận tâm sự.
Ba chị em bé Hương Giang tự lập, bảo ban nhau khi bố mẹ vắng nhà
Biết đến dự án Học cùng chiến binh nhí - chương trình Hỗ trợ học tập cho con em y bác sĩ ở Hà Nội đang trên tuyến đầu chống dịch, chị đã nhanh chóng đăng ký cho cả 3 con. Hương Giang và Minh Thư đang được hỗ trợ môn Tiếng Anh, còn Bảo Nam thì được gia sư kèm học chung các môn học của Lớp 1.
'Chương trình đúng là cứu cánh của mình luôn. Các bạn gia sư đều nhiệt tình, chỉ bảo tận tình cho các con. Nói chung là mình thấy hài lòng. Duy chỉ có bạn bé là mình rất ngại với cô giáo gia sư vì con còn mải chơi, không tập trung, nên thấy bà ngoại kể lại là cô vất vả lắm mới chỉ bảo được bé. Mình cảm ơn các bạn và chương trình nhiều lắm.' - chị Thuận bày tỏ.
Hương Giang kèm em Minh Thư trong giờ học online với cô giáo gia sư
Nguyễn Ngọc Vân Anh (SV ĐH Hà Nội đang hỗ trợ bé Minh Thư môn Tiếng Anh)
Bố mẹ thường xuyên vắng nhà, cô bé Hương Giang - chị cả trong nhà thay mẹ chăm sóc và bảo ban em học tập. Cô bé tỏ ra mạnh mẽ và nghiêm khắc, luôn nhắc nhở các em.
Khi được hỏi về mẹ, Hương Giang tâm sự: 'Có những lần mẹ đi mãi mới về, mẹ gửi 3 chị em con sang nhà cô. Con nhớ mẹ lắm. Con sẽ cố gắng học tốt và chăm em. Con chỉ mong mẹ ở nhà nhiều hơn với chị em con.' - Nói rồi bé khóc òa và chạy vào phòng.
Những cứng cỏi, tự lập thường ngày của 'chiến binh nhí' Hương Giang hôm nay như vỡ òa khi nhắc đến mẹ. Với những đứa trẻ, việc bố mẹ luôn bên cạnh có lẽ còn quan trọng hơn tất thảy mọi điều.
Hương Giang bật khóc khi nhắc đến mẹ
'Xa con nhớ và thương lắm, nhưng phải chấp nhận thôi'
Xa nhà đã hơn 1 tháng, điều dưỡng Phạm Thị Vân (BV Mắt Trung ương) vẫn tranh thủ những giờ nghỉ hiếm hoi gọi điện về hỏi thăm tình hình của các con và gia đình ở nhà. Chị cùng đoàn y bác sĩ BV Mắt Trung ương đang hỗ trợ chống dịch ở TP. Hồ Chí Minh. Chị Vân được phân công trực tiếp chăm sóc bệnh nhân F0 từ bệnh nhân tự thở nếu nhẹ đến bệnh nhân thở máy dòng cao tại Bệnh viện Dã chiến số 16, Q.7, TP. Hồ Chí Minh.
'Ban đầu khi vào đây, mình cũng phải mất vài ngày mới quen được với cường độ công việc cao, cộng thêm cái nóng của Sài Gòn khiến việc mặc đồ bảo hộ liên tục trong 8, 9 tiếng thực sự là nỗi ám ảnh. Nhưng giờ thì mình cũng quen với guồng quay rồi. Duy chỉ có nỗi nhớ con là lúc nào cũng vậy...' - Chị Vân tâm sự.
Điều dưỡng Nguyễn Thị Vân
Để hai con ở nhà chị nhờ cả vào chồng và ông bà nội ngoại. Nhận được hỗ trợ học tập của dự án Học cùng chiến binh nhí cho bé lớn đang học lớp 2 chị Vân thấy yên tâm hơn phần nào. Cô bé Hà Phương đang tiếp cận với chương trình sách giáo khoa mới nên còn nhiều bỡ ngỡ.
Nhờ gia sư Nguyễn Thị Hồng (SV ĐH Thủ Đô) cô bé mới ngày nào còn nhút nhát đã nhanh chóng bắt nhịp với lớp học online. Hồng chia sẻ: 'Trở thành gia sư của dự án và hỗ trợ được các y bác sĩ em rất vui. Khi dạy cho bé Hà Phương, bé ban đầu còn nhút nhát lắm, nhưng em đã dành thời gian trò chuyện với con, xen kẽ các trò chơi trong giờ học, nên con dần quen và bắt nhịp nhanh hơn.'
Bạn Nguyễn Thị Hồng (SV ĐH Thủ Đô) đang hỗ trợ học tập cho bé Hà Phương
'Con mong Việt Nam hết dịch để mẹ về với con'
Nguyễn Chí Nguyên (sinh viên Sư phạm Toán trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) vẫn nhớ như in ngày đầu tiên nhận lớp hỗ trợ học tập cho bé Nguyễn Đăng Khoa (lớp 6) - con của bác sĩ Đỗ Thị Hồng An (đang hỗ trợ chống dịch ở BV 30/4 TP. Hồ Chí Minh).
"Buổi học đầu tiên, cả hai thầy - trò đều hồi hộp, sau màn giới thiệu bản thân và ít phút tâm sự thì hai thầy trò trở nên thân thiết và thoải mái hơn. Trước khi dạy bé, mình đã trao đổi trước với bố của em để nắm bắt về học lực và tính cách của em. Môn Toán của Khoa còn hổng kiến thức nền nhiều, nên mình đã phải thiết kế và hệ thống lại tất các các kiến thức cần thiết giúp em nhớ lại các kiến thức cũ và hình thành cách học làm sao trong quá trình học tập dễ nhớ các công thức, kiến thức quan trọng." - Chí Nguyên chia sẻ.
Nguyễn Chí Nguyên trong một buổi dạy cho bé Đăng Khoa
Để được giao lớp, Nguyên cũng như hơn 1000 gia sư tình nguyện khác phải vượt qua nhiều vòng phỏng vấn, xem xét kinh nghiệm và khả năng chuyên môn cũng như thời gian phù hợp mới chính thức được nhận dạy. Chàng sinh viên sư phạm vô cùng hào hứng vì đây không chỉ là hoạt động ý nghĩa mà còn là cơ hội để Nguyên được trải nghiệm thực tế quá trình dạy và học, rất hữu ích cho công việc đứng lớp của cậu sau này.
Trong những buổi học, Nguyên luôn cố gắng tạo sự mới mẻ trong cách dạy, tổ chức thêm các trò chơi đố vui vừa giúp giảm căng thẳng trong giờ học, vừa gắn kết hai thầy trò hơn. Nguyên kể: 'Có 1 lần mình hỏi Khoa: "Khoa ơi! Con có nhớ mẹ không? Và nếu bây giờ con có 1 điều ước thì con sẽ ước gì?. Khoa bảo: "Con rất nhớ mẹ thầy ạ. Rất lâu rồi con không được gặp mẹ, con nhớ nụ cười của mẹ, nhớ tất cả mọi thứ về mẹ. Con nhớ những lần mẹ thúc giục con học bài, hướng dẫn con làm Toán y như thầy dạy con luôn. Con cũng rất quý thầy.
Nếu có 1 điều ước, con sẽ ước đất nước Việt Nam sẽ hết dịch để con được gặp mẹ và không phải xa mẹ bất cứ lần nào nữa."
Điều ước của Đăng Khoa có lẽ cũng là điều ước của hàng nghìn bạn nhỏ đang phải xa bố mẹ những ngày tháng dịch bệnh căng thẳng. Đó cũng là điều mà hàng triệu người dân cả nước đều mong mỏi.
Dự án Học cùng chiến binh nhí chúc cho tất cả các bạn nhỏ và gia đình sức khỏe và sớm thôi, Việt Nam sẽ chiến thắng đại dịch để tất cả chúng ta được đoàn tụ bên gia đình và cuộc sống lại trở về như vốn có.
HỌC CÙNG CHIẾN BINH NHÍ là dự án cộng đồng được thực hiện bởi Thành đoàn - Hội Sinh viên VN Thành phố Hà Nội, Công đoàn ngành Y tế Hà Nội, Công ty Truyền thông Viettel (Viettel Media) và Tổ chức giáo dục Blacasa Việt Nam nhằm tiếp sức cho đội ngũ y bác sĩ, lực lượng tuyến đầu chống dịch. Dự án được bảo trợ truyền thông bởi Trang tin giới trẻ Tiin.vn.
Khi các y bác sĩ xông pha nơi 'tiền phương' - tuyến đầu chống dịch, lo cho an toàn của nhân dân, thì ở 'hậu phương', HỌC CÙNG CHIẾN BINH NHÍ sẽ giúp họ trong việc hỗ trợ các con học tập khi một năm học mới bắt đầu.
Ngoài gia sư 1:1 các môn Văn hóa cho các con, HỌC CÙNG CHIẾN BINH NHÍ còn có những lớp ngoại khóa, năng khiếu: Tự tin giao tiếp, thuyết trình; Nhảy, khiêu vũ; Âm nhạc; Ảo thuật... với "thầy cô giáo" đặc biệt là những nhân vật nổi tiếng như: Kiện tướng Dancesport Khánh Thi - Phan Hiển, MC Nguyên Khang, MC Công Tố, Quán quân The Voice Vũ Thảo My, ca sĩ Anh Tú, hot girl 7 thứ tiếng Khánh Vy, Ảo thuật gia J.
>> XEM TẤT CẢ THÔNG TIN VỀ DỰ ÁN TẠI ĐÂY