Giữ ổn định mức học phí đại học công lập
Theo quy định, năm học 2022 - 2023 các trường đại học thu học phí theo Nghị định 81/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Sinh viên thực hiện thủ tục nhập học.
Tuy nhiên, trước những khó khăn hiện nay, Bộ GDĐT cho biết, thời gian qua Bộ GDĐT luôn chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng trong việc rà soát, đánh giá tác động của việc tăng học phí tới học sinh, sinh viên, hộ gia đình thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, đề xuất chính sách học phí năm học 2022 - 2023 phù hợp, ưu tiên kiểm soát lạm phát.
Bộ đang hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trên để trình Chính phủ. Trước đó, Bộ đã xin ý kiến góp ý của các thành viên Chính phủ.
Với học phí các trường đại học công lập, Nghị quyết dự kiến giữ ổn định mức thu học phí năm học 2022 - 2023 bằng mức thu học phí của năm học 2021 - 2022.
Nhà nước sẽ cấp bù tiền miễn, giảm học phí theo mức trần học phí năm học 2021 - 2022 đã quy định tại Nghị định số 81/2021.
Bộ GDĐT khuyến khích các địa phương bố trí và huy động các nguồn lực hợp pháp để thực hiện việc hỗ trợ tiền đóng học phí năm học 2022 - 2023 đối với học sinh, sinh viên đang theo học các ngành, nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu nhân lực cho các ngành nghề bị tác động do dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội theo tinh thần Nghị quyết số 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.
Theo Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn, việc tạm dừng tăng học phí có thể khiến các cơ sở giáo dục đại học công lập, kể cả các trường tự chủ hay chưa tự chủ sẽ gặp khó khăn. Nhưng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Thể hiện trách nhiệm với xã hội
Trong khi thực tế theo tìm hiểu, đến nay nhiều trường đã công bố mức thu học phí năm học mới. Trong đó có nhiều trường tạm dừng tăng học phí, chờ đợi quyết định của Chính phủ và Bộ GDĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học 2022 - 2023.
Trao đổi với PV, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải cho biết, dựa vào mức tăng học phí của những năm trở lại đây. Dự kiến học phí năm 2023 của Đại học Giao thông Vận tải sẽ tăng 10% so với năm học trước. Tương đương đơn giá học phí sẽ tăng từ 1.000.000 đồng đến 1.500.000 đồng so với năm học trước.
Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, nhà trường chưa thực hiện mức thu học phí theo Nghị định 81/2021 và đang chờ quyết định của Chính phủ và Bộ GDĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học 2022 - 2023.
Một tiết học của sinh viên Trường Đại học Giao thông vận tải.
Tương tự, theo thông báo chung về học phí năm học 2022 - 2023 của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, hiện nhà trường chưa có quyết định chính thức về mức học phí của năm học 2022 - 2023 và sẽ được ấn định trong thời gian tới, căn cứ vào quyết định của Chính phủ và Bộ GDĐT về việc điều chỉnh học phí của năm học.
PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết, nhà trường chia nhiều đợt thu học phí trong năm. Mức học phí đợt 1 sẽ căn cứ vào mức học phí mà nhà trường đã thu của sinh viên năm học 2021 - 2022.
Học phí thu đợt 1 của học kỳ 1 năm học 2022 - 2023 là học phí tạm thu. Sau khi có quyết định mức học phí năm học 2022 - 2023, nhà trường sẽ tính toán đúng học phí phải nộp của từng sinh viên vào đợt 2.
Mức học phí năm học 2021 - 2022 đã được Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội giữ nguyên như mức của năm trước đó để thể hiện trách nhiệm với xã hội. Nhà trường cũng cam kết mức tăng học phí của từng chương trình đào tạo hàng năm không vượt quá 10% và mức tăng trung bình của tất cả các chương trình đào tạo không vượt quá 8%.
Trước đó, một số trường đại học cũng có quyết định không tăng học phí trong năm nay. Theo đề án tuyển sinh năm 2022, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến mức thu 16 - 22 triệu đồng học phí/năm/sinh viên chính quy. Với chương trình đặc thù, học phí từ 45 - 65 triệu đồng. Mức học phí này được nhà trường áp dụng từ năm 2019 và thấp hơn chi phí đào tạo thực tế.
Lý giải về việc không tăng học phí, GS.TS Phạm Hồng Chương, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, trường vẫn giữ ổn định mức học phí trong 4 năm liên tiếp với mong muốn chia sẻ với phụ huynh và sinh viên trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra. Năm học 2023 - 2024, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến tăng học phí nhưng không quá 10%.
Năm học 2022 - 2023, Trường Đại học Ngoại thương cũng không tăng học phí với các chương trình định hướng nghề nghiệp quốc tế: Quản trị khách sạn, Marketing số, Kinh doanh số dự kiến 60 triệu đồng, các chương trình khác thuộc nhóm này là 40 triệu đồng một năm. Với ba nhóm chương trình còn lại, học phí tăng nhẹ, chỉ 5 - 10%.
Ở phía Nam, một số trường đại học cũng có thông báo tạm ngừng kế hoạch tăng học phí năm 2022 - 2023 như: Trường Đại học Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Nha Trang, Trường Đại học Đà Lạt…