PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT trao đổi liên quan kế hoạch điều chỉnh một số nội dung môn Lịch sử dạy ở bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Điều chỉnh một số nội dung môn Lịch sử bậc THPT theo chương trình giáo dục phổ thông mới từ tự chọn thành bắt buộc.
- Bộ GD&ĐT vừa ban hành kế hoạch điều chỉnh một số nội dung môn Lịch sử bắt buộc dạy ở bậc THPT. Có phải toàn bộ môn này sẽ dạy bắt buộc?
Nghị quyết số 63 của Quốc hội ngày 16/6/2022 yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu ý kiến cử tri, nhân dân và đại biểu Quốc hội, thiết kế môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới bao gồm cả phần bắt buộc và tự chọn một cách hợp lý. Các nội dung đảm bảo khoa học, đạt hiệu quả cao nhất trong việc giáo dục truyền thống và phát triển nhân cách cho học sinh.
Bộ GD&ĐT đang điều chỉnh môn Lịch sử theo đúng yêu cầu nói trên của Nghị quyết 63, đảm bảo môn học này có phần bắt buộc với tất cả học sinh THPT và có phần lựa chọn cho học sinh có định hướng chuyên sâu về Lịch sử.
Kế hoạch của Bộ GD&ĐT chỉ đề cập tới việc điều chỉnh phần bắt buộc. Còn lại phần kiến thức tự chọn. vẫn thực hiện theo đúng chương trình giáo dục phổ thông mới đã ban hành năm 2018.
- Môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc một phần sẽ ảnh hưởng tới tổ hợp các môn lựa chọn. Vậy, tổ hợp các môn sau khi điều chỉnh được bố trí thế nào và các cơ sở đào tạo nên triển khai ra sao cho thuận tiện?
Bộ GD&ĐT và Ban biên soạn dự kiến giữ nguyên phần chuyên đề học tập tự chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp; chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết/năm học thành phần bắt buộc và điều chỉnh chương trình còn 52 tiết/năm học để bảo đảm sự phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.
Từ những điều chỉnh trên, các trường sẽ xây dựng tổ hợp 4 môn học tự chọn (thay vì 5 môn theo thiết kế ban đầu) để vừa đáp ứng nhu cầu của người học vừa bảo đảm phù hợp với điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Với phương án điều chỉnh đang dự thảo như trên, chương trình bậc THPT với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử).
Các trường cần căn cứ vào đội ngũ giáo viên của trường mình để điều chỉnh giảm 1 môn học trong các tổ hợp 5 môn học lựa chọn đã chuẩn bị, xây dựng trong thời gian qua (thực tế chỉ cần điều chỉnh giảm 1 môn đối với tổ hợp không có môn Lịch sử).
Để kịp thời triển khai năm học 2022 - 2023, Bộ GD&ĐT khẩn trương thực hiện điều chỉnh các nội dung môn Lịch sử. Sau đó, sẽ báo cáo Thủ tướng cho phép thực hiện quy trình rút gọn trong việc xây dựng Thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 32.
Với phương án điều chỉnh mới, chương trình bậc THPT với mỗi học sinh được giảm 18 tiết/năm học so với thiết kế ban đầu (tương ứng với số tiết giảm của chương trình môn Lịch sử) - Ông Nguyễn Xuân,
- Từ nay đến khi bắt đầu năm học mới chỉ còn chưa đầy 2 tháng, liệu Bộ GD&ĐT và Ban biên soạn có kịp điều chỉnh?
Ngay khi Quốc hội ban hành nghị quyết yêu cầu thiết kế lại môn Lịch sử gồm hai phần tự chọn và bắt buộc, Bộ GD&ĐT đã đề nghị Ban phát triển chương trình môn Lịch sử nghiên cứu, thực hiện.
Chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc (52 tiết/năm học) không phải là chương trình được xây dựng mới từ đầu, mà được điều chỉnh tinh giảm từ chương trình môn Lịch sử 70 tiết/năm học đã được xây dựng trong chương trình giáo dục phổ thông mới nên việc thực hiện sẽ bảo đảm về tiến độ và chất lượng như kế hoạch đã ban hành.
- Theo kế hoạch, trước ngày 20/9, Bộ GD&ĐT mới hoàn thành việc tập huấn và hướng dẫn thực hiện. Lúc đó, năm học mới đã bắt đầu được một thời gian. Liệu kế hoạch này có phù hợp?
Việc bồi dưỡng giáo viên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, trong đó có môn Lịch sử (70 tiết/năm học) đã được tổ chức thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai năm học 2022-2023.
Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên vẫn bảo đảm năng lực để thực hiện.
Đồng thời, để nhà trường, giáo viên nắm chắc hơn về chương trình được điều chỉnh môn Lịch sử, Bộ GD&ĐT tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lí, giáo viên cốt cán của các địa phương, cơ sở giáo dục trong quá trình tổ chức thực hiện để nắm chắc hơn và kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới.
- Xin cảm ơn ông!
Chương trình giáo dục phổ thông mới được chia làm hai giai đoạn gồm giáo dục cơ bản (lớp 1 đến 9) và giáo dục định hướng nghề nghiệp (lớp 10 đến 12). Lịch sử là môn bắt buộc trong giai đoạn cơ bản, cung cấp kiến thức phổ thông, cốt lõi về toàn bộ lịch sử thế giới và Việt Nam.
Đến giai đoạn định hướng nghề nghiệp (cấp THPT), chương trình chỉ yêu cầu học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Lịch sử là môn lựa chọn, học sinh được tuỳ chọn học hay không theo sở thích và định hướng nghề nghiệp.
Được thông qua từ năm 2018 nhưng khi đưa vào triển khai, bắt đầu với lớp 10 từ năm học 2022-2023, chương trình vấp phải nhiều tranh cãi liên quan đến môn Sử. Các ý kiến phản đối xuất phát từ lo ngại rằng, đưa Lịch sử thành môn tự chọn ở cấpTHPT sẽ khiến học sinh quên kiến thức lịch sử, ảnh hưởng đến nhận thức và lòng yêu nước của các thế hệ tiếp theo.
Ngày 16/6, Quốc hội ban hành Nghị quyết 63 yêu cầu Bộ GD&ĐT nghiên cứu thiết kế lại môn Lịch sử bậc THPT trong chương trình giáo dục phổ thông mới áp dụng từ năm học 2022 - 2023 gồm cả hai phần tự chọn và bắt buộc.