Năm nay, Trường Tiểu học - THCS Xanh Tuệ Đức (Hà Nội) dành chuỗi 2 ngày 4-5/9 dịp khai giảng năm học mới, để học sinh và phụ huynh trải nghiệm 'Chuyến tàu hạnh phúc'. ‘Chuyến tàu’ là hành trình đưa phụ huynh và học sinh đi qua 6 ‘nhà ga’ như: Nhà ga chờ - Ga Hiểu biết - Ga Tử tế - Ga Biết ơn - Ga Trưởng thành - Ga Hạnh phúc.
Phụ huynh và học sinh trải nghiệm bước qua 'chông gai' trên con đường đến với 'ga Hạnh phúc'.
Mỗi ca của chuyến tàu thu hút hàng trăm phụ huynh tham gia.
'Đoàn tàu' lần lượt đi qua các 'ga'.
Mỗi ga dừng chân mang đến cho phụ huynh những cảm xúc khác nhau.
Học sinh viết nên nhật ký để mong các phụ huynh thấu hiểu hơn.
Tại chặng cuối cùng, các phụ huynh cùng lắng nghe những chia sẻ về hạnh phúc.
Qua đó, ‘chuyến tàu’ giúp các em học sinh, phụ huynh suy ngẫm, thấu hiểu để biết rằng bản thân đang hạnh phúc và cần lan toả, hành động vì những điều tốt đẹp, yêu thương đến cuộc sống. Đây là cơ hội để phụ huynh trở thành những hành khách trên ‘chuyến tàu’ đặc biệt này và những trạm dừng chân đầy ý nghĩa. Đồng thời đó là những hoạt động, món quà bất ngờ và trân quý do chính thầy và trò nhà trường tự tay chế tác trước khi đến được ga cuối cùng mang tên Hạnh phúc.
Thầy Phạm Tuấn Đạt chia sẻ về chuyến tàu đặc biệt trong dịp khai giảng năm học mới tại trường.
'Hạnh phúc là trở về với những gì thuộc bên trong của mình, trân trọng những gì chúng ta đang có. Mỗi ngày thực hành thật nhiều việc tốt và tư duy tích cực để cuộc sống thêm tươi đẹp. Để kiến tạo được hạnh phúc thì rất cần có các chất liệu khác nhau như: Sự hiểu biết, sự tử tế, sự biết ơn, sự trưởng thành. Đó cũng chính là các ‘ga’ của chuyến tàu hạnh phúc mà phụ huynh được trải nghiệm. Một lễ khai giảng như thường thấy với 2.000 học sinh (nếu tính cả bố mẹ đi cùng sẽ là 4.000 người) với rất nhiều lễ nghi khó có thể truyền tải hết thông điệp nên chúng tôi muốn dành 2 ngày để các phụ huynh đều có có cơ hội và thời gian trải nghiệm, đồng hành', thầy Phạm Tuấn Đạt - Giám đốc điều hành của Hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức cho hay.
Trong khi đó, tại Trường Tiểu học Chu Văn An (Hà Đông, Hà Nội), các em học sinh đã nhận ra thay đổi nhỏ trong lớp học. Đó là ngay bên ngoài lớp học có các hộp thư riêng để các em có thể gửi lời nhắn nhủ, động viên, góp ý thậm chí là phê bình dành cho các bạn mình. Và chính cô giáo chủ nhiệm của lớp có hòm thư để đón nhận ý kiến từ các em học sinh. Điều này góp phần để học sinh cảm thấy mình thực sự được quan tâm, được tôn trọng và yêu thương khi ở trường.
Hộp thư của các em học sinh gửi gắm lời nhắn nhủ, động viên, góp ý thậm chí là phê bình dành cho các bạn mình.
Trong lớp học còn một góc đáng chú ý. Cô giáo nhờ bố mẹ in ra những bức ảnh mà con thích rồi dán ở lớp. Khi nào các học sinh cảm thấy trong lòng không thoải mái có thể ngắm ảnh để cảm nhận sự được động viên, khích lệ.
Ở nhà trường, học sinh được khuyến khích tham gia hoạt động thực chất hơn như việc làm những bông hoa trang trí. Các bạn nam và nữ cùng làm để thấy sự bình đẳng trong mọi công việc.
Còn tại Trường Mầm non Lý Thái Tổ 2 (Hà Nội), các em bé được học gym - một chương trình mới đòi hỏi quyết tâm của các thầy cô. Bởi thầy cô phải có đủ trách nhiệm và kỹ năng để giám sát chặt chẽ hoạt động của trẻ để đạt hiệu quả phát triển thể chất. Thầy cô còn sử dụng tiếng Anh để các em rèn ngoại ngữ.
Còn trong tiết học STEAM. Các em bé đang thực hiện nhiệm vụ làm nhà bằng bìa carton. Các cô giáo yêu cầu phải vẽ bản thiết kế trước, có các hộp hình vuông, hình chữ nhật, hình tam giác, làm sao để khi dựng nhà không bị đổ.
Học tập qua dự án, dạy học tích hợp giữa khoa học, công nghệ, ngoại ngữ, nghệ thuật, toán học giờ đây không phải chờ tới bậc phổ thông mà đã được các trường mầm non chú trọng.
Chuyển trọng tâm việc dạy học từ truyền thụ một chiều sang thực hành, thực làm, tạo môi trường để các em học sâu, học có chủ đích mà vẫn vui vẻ. Đây là một nhiệm vụ khó nhưng mang lại niềm vui khi các em khám phá ra cuộc sống và năng lực của mình mỗi ngày đến trường.