Ảnh minh họa: TTXVN
Đây là nội dung trao đổi tại buổi làm việc sáng 19/11 giữa lãnh đạo thành phố với Sở GD-ĐT về kế hoạch đi học trở lại.
Để có thể thí điểm dạy học trực tiếp, nhà trường cần chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện an toàn, đảm bảo tiêm đủ 2 mũi vaccine phòng COVID-19 cho học sinh và giáo viên cùng các phương án, quy trình xử lý khi có tình huống nghi nhiễm.
TP Hồ Chí Minh cũng sẽ nghiên cứu thí điểm mở cửa trường học đối với bậc mầm non khi có sự đồng thuận của phụ huynh.
Chuẩn bị thật kỹ để việc mở lại trường học phải thật sự an toàn
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, nếu giữa tháng 12, các điều kiện về cơ sở vật chất, vaccine, kế hoạch an toàn và các điều kiện đảm bảo, TP có thể mở thí điểm dạy học trực tiếp cho khối lớp 9 và 12 ở những vùng tình hình dịch cho phép.
Để chuẩn bị lộ trình mở cửa trường học, lãnh đạo TP đề nghị ngành giáo dục phải chuẩn bị đầy đủ các yếu tố: sẵn sàng điều kiện về cơ sở vật chất, các trường học phải được hoàn trả, sửa sang; phủ đầy đủ vaccine cho giáo viên và học sinh từ 12-18 tuổi; có quy trình xử lý các tình huống xảy ra theo các kịch bản; từng trường, từng địa phương phải nắm rất chắc, phối hợp thật đồng bộ để xử lý hiệu quả.
Ông Phan Văn Mãi cũng yêu cầu ngành giáo dục nghiên cứu mở cửa trường học với bậc mầm non. Trong đó, ngành cần chuẩn bị thật kỹ về cơ sở vật chất, các điều kiện đảm bảo an toàn, đặc biệt phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh.
Chủ tịch UBND TP đề nghị, trên cơ sở đánh giá lại kinh nghiệm thí điểm mở cửa trường học tại xã Thạnh An (huyện Cần Giờ), Sở GD-ĐT khẩn trương hoàn thiện kế hoạch tổ chức dạy và học trực tiếp trong tuần sau. Trong đó, bổ sung những hướng dẫn cần thiết, yêu cầu từng trường học từ mầm non đến các cấp học khác đều có kế hoạch tổ chức dạy và học an toàn tại đơn vị mình.
Ngành giáo dục phải phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các quận huyện; hoàn thiện kế hoạch hướng dẫn, tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương và thống nhất ý kiến. Ngành giáo dục có thể duyệt mẫu kế hoạch của một trường nào đó để các quận huyện cùng tham khảo. Trong lộ trình mở cửa trường học, sau thời gian thí điểm từ 2 tuần đến 1 tháng, ngành giáo dục cần có sơ kết, đánh giá kết quả, đề xuất, nếu làm tốt thì trong học kỳ II sẽ trở lại học trực tiếp.
Ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh, việc mở cửa trường học trở lại là việc lớn và rất khó, được sự quan tâm của phụ huynh, học sinh và toàn xã hội. Do vậy, quyết định đưa ra phải chịu trách nhiệm cao trước nhân dân TP, trước cử tri và phụ huynh, học sinh. TP phải bàn bạc, chuẩn bị thật sự kỹ lưỡng để làm sao việc mở lại trường học trở lại phải thật sự an toàn.
Học sinh TP Hồ Chí Minh được tiêm vaccine COVID-19 để đảm bảo an toàn khi quay trở lại trường. Ảnh: Thu Hương - TTXVN
Mở cửa theo cấp độ dịch
Theo báo Lao động Online, tại buổi làm việc, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã báo cáo UBND TP về các phương án sẵn sàng để học sinh đi học trở lại từ ngày 10/12.
Nguyên tắc xây dựng kế hoạch đi học lại là UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện xây dựng kế hoạch và quyết định việc tổ chức dạy học trực tiếp trên địa bàn theo hướng dẫn của Sở GD-ĐT.
Cơ sở giáo dục hoạt động theo cấp độ dịch của phường, xã, thị trấn nơi trường trú đóng; chủ động chuyển trạng thái tổ chức dạy học theo cấp độ dịch được công bố vào sáng thứ 2 hàng tuần.
Các trường đánh giá an toàn trường học theo Bộ tiêu chí đánh giá an toàn trong phòng, chống dịch COVID-19 đối với cơ sở giáo dục. Cá nhân đang sinh sống trong khu dân cư hoặc hộ gia đình là ổ dịch cộng đồng hoặc ổ dịch gia đình không tham gia làm việc, dạy và học trực tiếp.
Dự kiến, đầu tháng 12, các trường sẽ tập huấn cán bộ, giáo viên, nhân viên công tác phòng chống dịch trong tình hình mới; ngày 5/12, tổ chức họp phụ huynh học sinh. Ngày 10/12, học sinh trở lại trường học trực tiếp theo phương án khối 9 và khối 12 đi học trước, mở dần các lớp khác.
Hình thức tổ chức đi học trở lại sẽ phụ thuộc vào cấp độ dịch trên địa bàn.
Ở địa bàn được xác định dịch ở cấp độ 1, 2, các trường được tổ chức dạy học trực tiếp nhưng phải đảm bảo hoạt động phòng chống dịch theo quy định của Bộ Y tế và Bộ GD-ĐT.
Địa bàn dịch cấp độ 2 phải có điều kiện thời gian, số lượng học sinh, ngừng một số hoạt động theo hướng dẫn của Bộ GDĐT, kết hợp dạy học trực tiếp và cả trực tuyến.
Địa bàn cấp độ 3 được phép dạy học trực tiếp nhưng hạn chế một số hoạt động.
Địa bàn cấp độ 4 không được cho học sinh đến trường.
Trước đó, trong cuộc tiếp xúc cử tri trực tuyến ngày 16/11, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết Sở GDĐT và các ngành liên quan sẽ hoàn thiện kế hoạch dạy học trực tiếp và gợi ý vùng xanh ở huyện Hóc Môn, Củ Chi có thể cho học sinh tới trường sớm hơn những địa phương khác.