Nhiều phụ huynh vô tình gây áp lực cho con khi khoe thành tích học tập lên mạng xã hội. Ảnh minh họa: Q.A
Có nên khoe con bằng cách 'sống ảo'
Thời điểm này, khi học kỳ I năm học 2020 – 2021 vừa kết thúc, nhiều trường đã tổ chức họp phụ huynh, công bố tình hình học tập, rèn luyện cũng như thông báo điểm tổng kết của học kỳ I. Nhiều phụ huynh đã 'khoe' bảng điểm khủng của con lên mạng xã hội, trong đó nhận được nhiều lời tán dương của người thân, song cũng không ít người tỏ ra ngán ngẩm trước thực trạng khoe bảng điểm của con. Câu chuyện này gây tranh cãi từ lâu, bởi vô tình cha mẹ đã tạo áp lực cho những phụ huynh, học sinh khác cũng như bản thân con cái mình nếu không may học hành sa sút.
Chia sẻ về chuyện những phụ huynh khoe điểm con cốt để 'sống ảo', anh Nguyễn Đức Tiến (Khu tập thể Thanh Xuân Bắc, Hà Nội) có con học THCS và Tiểu học cho biết: 'Cứ đến thời điểm kết thúc học kỳ I, hay năm học là trên mạng xã hội bao gồm bạn bè, đồng nghiệp, người thân của tôi rộ lên trào lưu khoe giấy khen, bảng điểm của con với những lời lẽ đầy tự hào. Không ít phụ huynh cũng tích cực khoe kết quả của con dù ở cuộc thi, giao lưu phong trào. Bên cạnh đó, không ít phụ huynh khác vào bình luận, so sánh, buồn bã khi con mình không được kết quả học tập tốt. Tôi nghĩ, việc con điểm cao cũng đáng mừng, nhưng nên tôn trọng kết quả học tập của con dù cao hay thấp'.
Mới đây, cộng đồng mạng xã hội cũng tỏ ra thích thú với tờ giấy mời họp phụ huynh đã được một thầy giáo chủ nhiệm tại Trường THCS Hoàng Đồng (Lạng Sơn) ghi thêm dòng chữ 'Con cái là tài sản lớn nhất của cha mẹ'. Chỉ với dòng chữ ngắn gọn, súc tích này, giáo viên muốn nhắc phụ huynh coi trọng việc học tập của con cái. Phụ huynh nên đến tham dự đầy đủ để thể hiện sự quan tâm tới con. Cũng theo ý hiểu khác của nhiều người, dòng chữ đó cũng có hàm ý cha mẹ cần tôn trọng con, tạo điều kiện cho con được học tập, cũng như động viên, khích lệ con cố gắng, không nên gây áp lực cũng như chỉ trích con nếu kết quả học tập chưa được tốt.
Trên thực tế, tại các cuộc họp phụ huynh gần đây, chuyện kết quả học tập của từng học sinh đã trở thành vấn đề tế nhị, giáo viên đã không còn công khai kết quả học tập, nhận xét từng học sinh như trước đây. Thay vào đó, kết quả học tập, nhận xét học sinh đã được giáo viên in và phát tới riêng phụ huynh để tránh sự so sánh, tâm lý tới phụ huynh nếu học sinh kết quả không tốt. Song, chuyện khoe thành tích học tập, hay la mắng con khi đi họp về lại nằm ở chính các bậc phụ huynh và dường như câu chuyện vẫn còn chưa có hồi kết.
Kỳ vọng, khen ngợi cũng là áp lực
Theo các chuyên gia tâm lý, giáo dục, nhiều phụ huynh đang khoe thành tích, điểm số hay 'bêu' kết quả điểm học tập không tốt của con cái cũng đang vô tình vi phạm mà không biết. Bởi theo Luật Trẻ em năm 2016 có quy định nghiêm cấm công bố, tiết lộ thông tin đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em (trong đó có kết quả học tập). Bên cạnh đó, không ít phụ huynh chỉ nghĩ học sinh yếu mới bị áp lực học tập, điểm số thế nhưng các em học giỏi, đạt thành tích tốt mới là những người gánh những áp lực khủng khiếp.
Trong đó, những lời ngợi ca của bố mẹ, của mọi người xung quanh dần dần hình thành sự căng thẳng vô tình lên tinh thần con trẻ. Các em không dám dừng lại, luôn gồng mình chí ít phải giữ được thành tích cũ, rồi phải đạt kết quả tốt hơn. Các em dễ rơi vào trạng thái, nếu mình không đạt kết quả cao hơn thì mình sẽ không được chấp nhận, mình sẽ gây thất vọng. Một số em vì quá áp lực mà tự hủy hoại bản thân, thậm chí chọn cái chết. Do đó, thay vì khoe hay thất vọng về kết quả học tập của con, phụ huynh hãy luôn lắng nghe, chia sẻ và tạo điều kiện để con phát triển theo năng lực, sở trường và đam mê của mình.
Chỉ ra áp lực đè nặng lên học sinh từ điểm số học tập, kết quả thi cử, PGS.TS Trần Thành Nam - Chủ nhiệm Khoa các Khoa học Giáo Dục (ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, chúng ta sẽ cảm thấy các kỳ thi áp lực hơn vì có những niềm tin sai lầm rằng 'Vào đại học là con đường duy nhất để thành công'; 'Con không tốt nghiệp được THPT thì xấu hổ cả dòng họ'... Phụ huynh và học sinh sẽ áp lực hơn nếu hoang mang trước rất nhiều thông tin trái chiều về nội dung, tính chất cuộc thi, chọn trường, cách thức ôn tập, giáo viên hướng dẫn.
'Sau những kỳ thi lớn, năm nào chúng ta cũng thấy có những học sinh mất hết ý chí, hành động dại dột như gây hại cho bản thân hoặc tự tử. Ở những học sinh này, kết quả thi tồi chỉ là phần gây áp lực nhỏ. Phần gây sang chấn tâm lý nhiều hơn, dẫn đến hành vi tự tử là những quy gán tự thân 'Kết quả thi tồi chứng tỏ tôi là một kẻ thất bại'; 'Tôi luôn là đứa không có năng lực', 'Tôi sẽ không thể làm nên việc gì nếu chỉ đợt thi này cũng không qua'... Nhiều học sinh thi trượt không phải không có năng lực mà vì áp lực căng thẳng trong thời gian dài', PGS.TS Trần Thành Nam chia sẻ.
Theo điểm 11, Điều 6 Luật Trẻ em năm 2016 quy định các hành vi bị nghiêm cấm bao gồm: Công bố, tiết lộ thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em mà không được sự đồng ý của trẻ em từ đủ 07 tuổi trở lên và của cha, mẹ, người giám hộ của trẻ em. Theo quy định, thông tin bí mật đời sống riêng tư, bí mật cá nhân của trẻ em gồm: Các thông tin về tên, tuổi; hình ảnh cá nhân; tài sản cá nhân; địa chỉ, thông tin về nơi ở, quê quán; địa chỉ, thông tin về trường, lớp, kết quả học tập và các mối quan hệ bạn bè của trẻ em; thông tin về dịch vụ cung cấp cho cá nhân trẻ em…