Sau khi các cơ sở giáo dục và giáo viên thông báo dừng dạy thêm theo quy định của Thông tư 29 của Bộ Giáo dục, nhiều phụ huynh cảm thấy nhẹ nhõm khi con em mình không còn phải trải qua những ngày tháng học thêm kéo dài từ ngày này qua ngày khác. Tuy nhiên, bên cạnh đó, không ít học sinh có nhu cầu bổ sung, nâng cao kiến thức lại băn khoăn không biết nên học ở đâu và theo hình thức nào. Câu hỏi quan trọng hơn cả là: Liệu học sinh có thể thi đỗ vào các trường mong muốn bằng nỗ lực tự học hay không? Phải chăng Bộ Giáo dục và Đào tạo đang đối mặt với sức ép quá lớn từ dư luận về tình trạng học thêm, nên không quản lý được thì cấm hay không?
![]()
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định dạy thêm, học thêm chính thức có hiệu lực từ ngày 14/2/2025.
Theo Thông tư 29, sẽ không tổ chức dạy thêm đối với học sinh tiểu học, ngoại trừ các lớp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kỹ năng sống. Giáo viên công lập không được dạy thêm ngoài trường có thu phí đối với học sinh mình đang giảng dạy, đồng thời không được tham gia quản lý hay điều hành hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Việc dạy thêm trong trường chỉ áp dụng cho học sinh có kết quả học tập chưa đạt ở học kỳ liền kề. Ngoài ra, học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi hoặc học sinh cuối cấp có nhu cầu ôn thi tuyển sinh, ôn thi tốt nghiệp có thể tham gia học thêm miễn phí, với thời lượng tối đa hai tiết mỗi tuần cho một môn học. Giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường bắt buộc phải báo cáo với hiệu trưởng.
'Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về quản lý dạy thêm, học thêm. Trước đó, từ năm 2012, Bộ đã ban hành Thông tư 17 và sau 12 năm, việc rà soát, điều chỉnh là cần thiết. Thông tư 29 được ban hành nhằm đảm bảo phù hợp với Luật Giáo dục 2019 và các quy định pháp luật liên quan, phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông 2018 và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản ngày 10/1/2024', ông Phạm Ngọc Thưởng, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết.
![]()
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Ngọc Thưởng cho biết những quy định mới trongThông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy thêm, học thêm
'Nhiều phụ huynh chia sẻ rằng, họ muốn con không phải học thêm, nhưng lý trí lại cho rằng con cần học để không thua kém bạn bè. Tâm lý lo lắng rằng nếu con không học thêm sẽ thua kém bạn bè là có thật và không hề hiếm gặp. Tuy nhiên, theo tôi, phần lớn phụ huynh mong muốn cho con học thêm không chỉ vì áp lực so sánh, mà chủ yếu với mục đích chính đáng, giúp con mở rộng kiến thức, rèn luyện kỹ năng', bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) chia sẻ.
![]()
Bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình, thành phố Hà Nội) chia sẻ những băn khoăn về việc dạy thêm, học thêm theo quy định mới của Thông tư 29.
Theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, nhu cầu dạy thêm, học thêm là chính đáng nếu được thực hiện đúng quy định và phát huy những mặt tích cực. Tuy nhiên, thời gian qua, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, quá tải đã gây ra nhiều hệ lụy, không chỉ ảnh hưởng đến hình ảnh của giáo viên mà còn tác động tiêu cực đến thể chất, tinh thần của học sinh.
'Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư 29 với quy định cụ thể, rõ ràng hơn, nhằm đảm bảo tính công khai, minh bạch, hướng đến một nền giáo dục lành mạnh, chất lượng. Thông tư này không cản trở nhu cầu học thêm của học sinh hay dạy thêm của giáo viên, miễn là tuân thủ đúng quy định', Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho biết thêm.
Cũng theo Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, việc dạy tăng thời lượng để nâng cao chất lượng giáo dục là trách nhiệm của giáo viên bộ môn, nhà trường và địa phương. Nếu cần tổ chức thêm, ngân sách nhà trường hoặc Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có thể bố trí kinh phí thay vì thu tiền từ phụ huynh. Đây là trách nhiệm của Nhà nước, nhà trường và giáo viên trong việc đảm bảo thời lượng dạy chính khóa đủ để học sinh thi đạt yêu cầu.
'Trong 45 phút mỗi tiết học, giáo viên có trách nhiệm truyền đạt đầy đủ kiến thức giúp học sinh đạt chuẩn. Tuy nhiên, nhu cầu học thêm không chỉ để theo kịp chương trình mà còn nhằm đào sâu, nâng cao kiến thức, ôn thi vào trường chuyên, lớp chọn, hay thi học sinh giỏi. Giáo dục không chỉ cung cấp kiến thức mà còn rèn luyện kỹ năng, định hướng phẩm chất, góp phần nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài. Vì vậy, học thêm nếu đúng quy định và chính đáng vẫn có giá trị bổ sung, nhưng không có nghĩa là nếu không học thêm, việc học chính khóa sẽ trở nên quá tải', bà Yến chia sẻ thêm.
Theo bà Tô Thị Hải Yến, Hiệu trưởng nhà trường có trách nhiệm chỉ đạo và định hướng để giáo viên, phụ huynh thực hiện đúng quy định về dạy thêm, học thêm theo Thông tư 29. Đồng thời, nhà trường cần đồng hành, lắng nghe ý kiến, kể cả những phản biện, nhằm triển khai hiệu quả, tránh áp dụng máy móc, đảm bảo sự ổn định trong dạy và học.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng khẳng định, Thông tư 29 không cấm dạy thêm, học thêm, cũng không phải vì không quản được mà cấm. Việc ban hành thông tư là để quy định rõ ràng về đối tượng, nội dung và phạm vi của hoạt động này. Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn toàn nhận thức được những mặt tích cực của việc dạy thêm, học thêm đúng quy định, nhưng cũng thấu hiểu những hệ lụy nghiêm trọng khi nó diễn ra tràn lan, gây áp lực cho học sinh, ảnh hưởng đến hình ảnh giáo viên và làm suy giảm chất lượng giáo dục.
'Quy định này không chỉ giúp bảo vệ học sinh mà còn bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành giáo dục, cũng như những giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết, dạy thêm một cách chính đáng. Họ xứng đáng được tôn vinh, không bị mang tiếng ép buộc hay ra đề khó để thu hút học sinh học thêm', Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng nhấn mạnh.
![]()
Theo Thứ Trưởng Phạm Ngọc Thưởng, Thông tư 29 không chỉ giúp bảo vệ học sinh mà còn bảo vệ sự tôn nghiêm của ngành giáo dục, cũng như những giáo viên thực sự có năng lực, tâm huyết, dạy thêm một cách chính đáng.
Quản lý dạy thêm, học thêm không chỉ là vấn đề được dư luận quan tâm ở riêng Việt Nam mà còn là vấn đề chung tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở một số nước phát triển, mỗi quốc gia đều áp dụng các biện pháp quản lý nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh và cải thiện chất lượng giáo dục.
Ở Nhật Bản, việc dạy thêm ngoài giờ được phép nhưng được quản lý chặt chẽ. Học sinh tiểu học, trung học và cấp ba đến ôn tập, nâng cao kiến thức hoặc chuẩn bị cho kỳ thi tại các trung tâm học thêm (Juku). Các trung tâm này phải đăng ký, chịu sự giám sát của chính quyền địa phương và có thời gian hoạt động giới hạn, thường đóng cửa trước 9 – 10 giờ tối. Nội dung giảng dạy chỉ mang tính bổ trợ, không thay thế chương trình chính khóa của Bộ Giáo dục, Văn Hóa, Thể Thao Khoa học và Công nghệ Nhật Bản. Giáo viên trường công bị hạn chế dạy thêm tại các trung tâm này, nếu muốn tham gia phải có sự phê duyệt từ nhà trường và chính quyền địa phương.
Từ năm 2021, Trung Quốc triển khai chính sách '2 giảm' nhằm giảm gánh nặng bài tập và học thêm cho học sinh tiểu học, trung học cơ sở. Các quy định nghiêm ngặt được ban hành, trong đó đáng chú ý là cấm dạy thêm các môn chính khóa như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và các môn khoa học khác. Các trung tâm dạy thêm phải được cấp phép, tuân thủ quy định về học phí, điều kiện giảng dạy, thời gian hoạt động và không được mở lớp vào cuối tuần, ngày lễ. Một số trường có thể tổ chức lớp bồi dưỡng sau giờ học, nhưng chỉ với mục đích bổ sung kiến thức, không được dạy kiến thức vượt quá chương trình chính khóa.
'Nhiều phụ huynh mong muốn con được học với giáo viên quen thuộc, có chuyên môn tốt và hiểu rõ học sinh. Tôi hy vọng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét điều này. Thứ hai, về dạy thêm trong nhà trường. Nhiều trường học tổ chức dạy miễn phí cho học sinh chưa đạt yêu cầu, điều này hợp lý và cần duy trì. Tuy nhiên, việc bồi dưỡng học sinh giỏi, đặc biệt là thi quốc gia, quốc tế, đòi hỏi thời gian, công sức và chất xám của giáo viên. Nếu không thu phí, nguồn kinh phí chi thường xuyên có thể không đủ và không bền vững, trong khi việc đưa học sinh giỏi ra trung tâm lại không đảm bảo chất lượng. Mong Bộ có giải pháp phù hợp hơn cho vấn đề này', bà Tô Thị Hải Yến bày tỏ.
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng Thông tư 29 hướng đến đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018. Chương trình này đặt học sinh làm trung tâm, giúp các em hình thành phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động giáo dục, không chỉ giới hạn ở kiến thức văn hóa hay khoa học cơ bản. Điều quan trọng là không nên quá áp lực với giáo dục phổ thông, vì đây chỉ là nền tảng cho hành trình dài phía trước. Ngành giáo dục, giáo viên cần điều chỉnh quan niệm về học sinh giỏi, thành tích, thi cử, kiểm tra, đánh giá để dần cân bằng và thực hiện theo đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước và nguyên lý giáo dục.
![]()
Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng cho rằng Thông tư 29 hướng đến đúng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông 2018, đặt học sinh làm trung tâm, giúp các em hình thành phẩm chất, năng lực thông qua các hoạt động giáo dục, không chỉ giới hạn ở kiến thức văn hóa hay khoa học cơ bản.
Nhiều phụ huynh đồng tình với việc quản lý dạy thêm, học thêm để học sinh có thời gian vui chơi, giải trí. Nhiều giáo viên cũng đồng tình với Thông tư 29 để không phải chịu tổn thương tiêu cực từ dạy thêm, học thêm. Tuy nhiên, thông tư cũng đặt ra thách thức khi nhu cầu học thêm chính đáng của nhiều phụ huynh, học sinh chưa được đảm bảo, thậm chí có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực. Đây là một vấn đề lớn, khó có thể dung hòa hoàn toàn lợi ích của tất cả các bên. Nhưng một chính sách chỉ thực sự đạt được sự đồng thuận khi đặt học sinh làm trung tâm và vì lợi ích của các em.