Nằm trong chuỗi chương trình 'Đưa trường học đến thí sinh' năm 2024, ngày 11-7, Báo Người Lao Động tổ chức chương trình Talkshow - trực tuyến với chủ đề: 'Nhiều cơ hội chọn các chương trình đào tạo đại học'. Ban tư vấn đến từ các trường ĐH đã giải đáp nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan chọn ngành, chọn chương trình đào tạo, cách đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo; học phí, học bổng...
Các chuyên gia tư vấn cho phụ huynh, thí sinh sáng 11-7 tại Tòa soạn Báo Người Lao Động
Phải tìm hiểu thật kỹ
Sự đa dạng các chương trình đào tạo đồng nghĩa với việc thí sinh có nhiều cơ hội lựa chọn. Tuy vậy, thí sinh cần tìm hiểu kỹ và cân nhắc khi quyết định chọn ngành, chọn chương trình để học.
Khi chọn ngành, thí sinh cần xác định rõ ngành/nghề muốn theo đuổi trong tương lai, đây phải là những ngành/nghề đam mê, yêu thích của bản thân. Theo ThS Bùi Quang Trung, Trưởng Phòng Truyền thông, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, bước đầu tiên cần xác định sở thích làm nghề gì, sau đó chọn ngành đào tạo ra làm nghề đó rồi chọn trường. Ngoài ra, cần theo dõi xu hướng chuyển đổi nghề nghiệp để thích ứng. 'Xu hướng nghề nghiệp thay đổi liên tục theo thời gian. Thời điểm này là ngành 'hot' nhưng vài năm sau lại không thể xin việc làm' - ThS Quang chia sẻ.
PGS-TS Vân Thị Hồng Loan, Trưởng Khoa Đào tạo đặc biệt Trường ĐH Mở TP HCM, cũng lưu ý việc chọn ngành học, chương trình đào tạo, chọn trường cần bám sát nhu cầu của bản thân cùng với điều kiện gia đình, tránh tình trạng học rồi cảm thấy không phù hợp, kinh tế gia đình không đáp ứng được... gây lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc.
ThS Trần Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG TP HCM), cho biết có rất nhiều chương trình để thí sinh lựa chọn. Tại trường, ngành chuẩn và chuẩn quốc tế có điểm chuẩn khác nhau. Thí sinh có thể đăng ký song song 2 hệ đào tạo hoặc các chương trình liên kết quốc tế. Vấn đề quan trọng là thí sinh nên chọn chương trình có chất lượng, được kiểm định chất lượng cụ thể.
Liên kết quốc tế được nhiều sự quan tâm
Ngoài các chương trình trong nước, các trường ĐH cũng có nhiều chương trình liên kết với nước ngoài. Theo đánh giá của các chuyên gia, học chương trình liên kết giúp sinh viên tiết kiệm được nhiều chi phí mà vẫn nhận bằng ĐH do trường nước ngoài cấp.
PGS-TS Vân Thị Hồng Loan phân tích thay vì đi du học ngay từ năm nhất, chi phí học tập và sinh sống theo mức giá của nước ngoài, thì chương trình liên kết thiết kế 2 giai đoạn giúp người học tiết kiệm chi phí học tập.
Với chương trình này, giai đoạn 1 sinh viên học tại Việt Nam, giai đoạn 2 học tập tại nước ngoài. Ưu điểm của chương trình này là tiết kiệm được chi phí khá nhiều so với việc đi du học.
Sau khi kết thúc chương trình đào tạo, sinh viên được trường ĐH liên kết ở nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp có giá trị quốc tế.
Với những sinh viên chưa tự tin vào khả năng tiếng Anh, chương trình liên kết sẽ tạo điều kiện để sinh viên có từ 1-2 năm trau dồi thêm ngôn ngữ khi học tập ở Việt Nam.
Một số tiêu chí mà phụ huynh và sinh viên cần lưu ý là bảng xếp hạng đại học trên thế giới, cân nhắc về điều kiện học phí của trường ĐH quốc tế, chính sách chăm sóc và hỗ trợ du học sinh. Nhiều trường đại học dù không nằm trong tốp đầu nhưng chính sách hỗ trợ du học sinh tốt cũng là một điểm cộng để lựa chọn.
ThS Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Tài chính - Marketing vẫn hỗ trợ xét học bổng cho sinh viên. Hầu hết trường ĐH liên kết đều là trường công lập, tùy theo mỗi quốc gia mà mức học phí dao động từ 60-100 triệu đồng/năm.
'Săn học bổng với chương trình liên kết quốc tế khá dễ. Trình độ tiếng Anh là điều kiện chủ chốt để săn học bổng bán phần/ toàn phần' - ThS Phụng cho biết.
Đại diện các trường trả lời câu hỏi của thí sinh gửi tới chương trình Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Tại Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ThS Trần Nam cho biết trường có đào tạo chương trình chuẩn quốc tế và chương trình liên kết quốc tế, mức học phí dao động khoảng 60 triệu/năm. Trong quá trình học tại cơ sở quận 1, sinh viên dễ dàng tiếp cận không gian kinh tế - xã hội ở khu vực trung tâm để dễ dàng tìm kiếm việc làm. Cơ hội nhận học bổng của trường khá nhiều.
'Trong chương trình chuẩn quốc tế, các ngành báo chí, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, quan hệ quốc tế có 30 % thời gian học bằng tiếng Anh; những ngành ngôn ngữ như: Anh, Đức, ngữ văn Trung Quốc sẽ học 100% bằng ngôn ngữ đó. Với chương trình liên kết quốc tế (2+2), sinh viên học bằng ngôn ngữ quốc gia của trường ĐH liên kết quốc tế đó. Trong đó, Úc và Trung Quốc là 2 quốc gia có mức học phí khá hấp dẫn, được nhiều sinh viên quan tâm lựa chọn' - ThS Trần Nam thông tin.
Việc đăng ký xét tuyển vào các chương trình đào tạo cũng khác nhau là điều thí sinh cần lưu ý. ThS Nguyễn Thị Kim Phụng, cho biết trường có nhiều chương trình đào tạo như chương trình chuẩn, tích hợp, tiếng Anh toàn phần, tài năng... Trong đó, chương trình tài năng không xuất hiện trên hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD-ĐT vì phải trúng tuyển vào chương trình khác sau đó trường chọn thí sinh để đào tạo hệ tài năng.
PGS-TS Vân Thị Hồng Loan cũng lưu ý thí sinh xét tuyển vào chương trình liên kết quốc tế của Trường ĐH Mở TP HCM không thực hiện đăng ký xét tuyển chung trên hệ thống của Bộ GD-ĐT mà đăng ký trên website của trường hoặc đăng ký trực tiếp tại trường.
- Công ty Cổ phần Phân bón Bình Điền;
- Ngân hàng TMCP Phát triển TP HCM (HD Bank);
- Tập đoàn Vingroup;
- Trường ĐH Văn Hiến;
- Trường CĐ Kỹ thuật - Du lịch Sài Gòn;
- Công ty CP Uniben;
- Trường ĐH Tài chính - Marketing;
- Trường ĐH Nguyễn Tất Thành;
- Trường ĐH Mở TP HCM.