Bộ GD&ĐT dự kiến, nếu học sinh trở lại trường trước 15/6 thì vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 vào tháng 8. (Ảnh chụp trước thời gian học sinh được nghỉ học do dịch) Ảnh minh họa: Q.Anh
Thí sinh có tối thiểu 3 tuần vừa học, vừa ôn thi
Bộ GD&ĐT cho biết, để đảm bảo chất lượng dạy học và kiểm tra, đánh giá kết quả học tập qua Internet, trên truyền hình trong thời gian học sinh nghỉ học ở trường vì Covid-19, Bộ đã ban hành Hướng dẫn dạy học qua hai hình thức trực tuyến và trên truyền hình.
Hướng dẫn của Bộ GD&ĐT hướng tới các mục tiêu là: giúp học sinh được học theo chương trình giáo dục phổ thông trong thời gian nghỉ học ở trường để phòng chống COVID-19; phát triển năng lực tự học của học sinh và nâng cao kỹ năng tổ chức dạy học qua internet, trên truyền hình của giáo viên; tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường và gia đình trong việc tổ chức, hỗ trợ học sinh trong học tập...
Cũng theo Bộ GD&ĐT, các doanh nghiệp và đơn vị trong ngành Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ phát sóng miễn phí các bài giảng đã được Bộ GD&ĐT thẩm định lên truyền hình; miễn phí toàn bộ cước phí truy cập dữ liệu cho học sinh, sinh viên và giáo viên liên quan đến các chương trình học từ xa của ngành GD&ĐT; hỗ trợ miễn phí sử dụng giải pháp phục vụ đào tạo và quản lý giáo dục cho tất cả 43.000 trường học, miễn phí dịch vụ thuê máy chủ, băng thông phục vụ đào tạo từ xa cho các trường đại học… Gói hỗ trợ này giúp ngành giáo dục triển khai tốt việc dạy học từ xa, qua Internet, trên truyền hình trong thời gian chống dịch COVID-19, thực hiện phương châm 'tạm dừng đến trường, không dừng việc học'.
Nhằm giúp học sinh ổn định nề nếp học tập, Bộ GD&ĐT cũng đã hướng dẫn thực hiện điều chỉnh nội dung dạy học học kỳ II năm học 2019 - 2020 đối với cấp Tiểu học, THCS và THPT. Theo đó, trong học kỳ II, chương trình học của học sinh các cấp, đặc biệt là thí sinh lớp 12 của kỳ thi THPT Quốc gia 2020 sẽ có nhiều nội dung học được tinh giản, nhiều bài học được yêu cầu không dạy học sinh, hoặc hướng dẫn để học sinh tự học. Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đã công bố bộ đề thi tham khảo Kỳ thi THPT Quốc gia, đề thi được đánh giá là bám sát theo tinh thần của chương trình học đã giảm tải. Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 được dự kiến tổ chức từ ngày 8 - 11/8, chậm một tháng rưỡi so với mọi năm.
Vừa qua, tại cuộc họp với Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, lãnh đạo Bộ GD&ĐT thông tin, trong 4 tuần (từ 15/6 đến 15/7), học sinh sẽ được giáo viên ôn tập lại sau thời gian học trực tuyến tại nhà; kiểm tra định kỳ và kiểm tra cuối năm. Như vậy, học sinh vẫn hoàn thành chương trình năm học 2019 - 2020. Học sinh lớp 12 sẽ có ba tuần để ôn tập trước kỳ thi THPT Quốc gia, diễn ra vào ngày 8 - 11/8. Nếu sau ngày 15/6, học sinh chưa thể đến trường thì Bộ sẽ báo cáo Quốc hội về phương án thi THPT Quốc gia. Bởi theo Luật Giáo dục, học sinh lớp 12 phải thi THPT Quốc gia để được xét công nhận tốt nghiệp.
Đi học càng muộn, thời gian ôn tập càng ít đi
Thông tin nếu học sinh khối 12 đi học trở lại trước ngày 15/6 sẽ vẫn tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020 của Bộ GD&ĐT được dư luận quan tâm, bởi cột mốc này diễn ra ở thời điểm tháng 6 và sẽ cách ngày thi khoảng 3 tuần, một khoảng thời gian khá ngắn để thí sinh vừa hoàn thành chương trình, vừa tham gia các tiết kiểm tra, thi học kỳ để lấy điểm tổng kết theo quy định của Bộ GD&ĐT. 'Em thấy, học kỳ II của năm học được rút gọn rất nhiều, hàng ngày em và các bạn đều nghiêm túc học tập trực tuyến, trên truyền hình. Tuy nhiên, khoảng thời gian giả sử là kéo dài 3 tuần hay 1 tháng để ôn thi cũng khá gấp gáp và em chưa biết phải sắp xếp ra sao trong thời gian ngắn ngủi ấy để có thể thi tốt' - Thí sinh Nguyễn Văn Hiếu (đang học lớp 12 tại Hà Nội) chia sẻ.
Đối với các nhà trường, thời gian qua các trường đã bắt tay ngay vào ổn định nề nếp học tập, sử dụng phương thức dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, dù cố gắng để 'chạy' chương trình đã giảm tải, song chất lượng của các giờ học và sự tiếp thu của học sinh được đánh giá là còn nhiều khó khăn, bất cập. Theo thầy Nguyễn Quốc Bình - Hiệu trưởng trường THCS – THPT Lê Quý Đôn (Hà Nội), quá trình học trực tuyến cũng mang tính tình thế, bởi không phải trường nào cũng làm tốt và có cơ sở vật chất tốt để làm. Bên cạnh đó, học sinh cũng có nhiều em gia đình khó khăn nên khả năng tiếp cận bài học chắc chắn không phải em nào cũng như nhau.
Về phương án tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia 2020, theo thầy Nguyễn Quốc Bình: 'Nếu tổ chức phương án thi khi học sinh trở lại trường học muộn nhất 15/6, các nhà trường chỉ còn đúng 1 tháng để dạy học, sẽ có nhiều việc thực hiện cùng lúc nên từ bây giờ các trường phải lên kế hoạch chi tiết mới đảm bảo. Bộ giữ định dạng đề thi, các câu hỏi cơ bản ra vào học kỳ II, câu hỏi khó tập trung học kỳ I. Tuy nhiên, nếu học sinh quay trở lại trường học không kịp thời gian này, cũng cần sớm có phương án để nhà trường ổn định kế hoạch giảng dạy, đảm bảo chất lượng học tập và làm cơ sở để các trường đại học tuyển sinh'.
Lãnh đạo một số Sở GD&ĐT cho biết, nếu dự kiến học sinh THPT đi học trở lại vào giữa tháng 5, hoàn toàn có thể kết thúc chương trình học năm học 2019 - 2020 trước ngày 15/7 và học sinh lớp 12 có thêm thời gian ôn thi trong khoảng 3 tuần cũng là phù hợp. Tuy nhiên, nếu thời gian trở lại trường học càng muộn, đồng nghĩa thời gian học và ôn tập trên lớp càng ít đi, những học sinh ở vùng khó khăn sẽ tương đối thiệt thòi vì thiếu các thiết bị học như điện thoại thông minh, máy tính, ti vi.
Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, vừa qua Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung thời gian năm học 2019 - 2020 (lần 2), theo đó thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7/2020; thời gian tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia từ ngày 8 - 11/8/2020. Bộ GD&ĐT cũng đã ban hành Thông tư 08/2020/TT-BGDĐT, sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi THPT Quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT. Bộ GD&ĐT đã bổ sung công tác thanh tra kỳ thi, sẽ thanh tra trực tiếp tất cả các nhiệm vụ của Ban Chấm thi trắc nghiệm. Thực hiện chấm kiểm tra ít nhất 5% số lượng bài thi của mỗi môn thi tự luận đã được cán bộ chấm thi chấm xong lần chấm thứ nhất hoặc lần chấm thứ hai.