Ngày 7-3, nhiều cơ sở giáo dục tại TP HCM tiếp tục phát đi thông báo trên các kênh thông tin của nhà trường và từng lớp học về tình trạng xuất hiện đối tượng mạo danh nhà trường, bệnh viện để lừa đảo phụ huynh. Các trường cũng công khai đường dây nóng để phụ huynh liên lạc, xác minh thông tin khi cần.
Nhắm vào những phụ huynh có điều kiện
Những ngày qua, không ít phụ huynh ở TP HCM bất an trước thông tin nhiều người bị lừa chuyển tiền khi nhận cuộc gọi mạo danh Bệnh viện Chợ Rẫy thông báo "con đang cấp cứu, cần chuyển tiền gấp". Một số phụ huynh cả tin đã mất số tiền không hề nhỏ sau khi nhận cuộc gọi đó.
Theo hiệu trưởng một trường tiểu học tại quận 1, thủ đoạn của kẻ lừa đảo rất tinh vi. Nạn nhân trong những ngày qua là những phụ huynh có con học trường quốc tế. "Có nghĩa là kẻ lừa đảo đang nhắm đến những phụ huynh có điều kiện" - vị này nhận xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, một số phụ huynh khối lớp 6 Trường Tiểu học - THCS - THPT Nam Sài Gòn cho biết trong sáng 6-3, họ nhận được cuộc gọi từ số máy lạ, xưng là người của Bệnh viện Chợ Rẫy. Người này thông báo có học sinh đi học bị té dẫn đến chấn thương sọ não, đang lên bàn mổ, người nhà cần chuyển tiền gấp để đóng viện phí.
"Ngay lập tức, tôi gọi điện cho giáo viên chủ nhiệm để nắm tình hình thì được biết con tôi vẫn học tập bình thường và đó là cuộc gọi lừa đảo. May là tôi chưa chuyển tiền" - phụ huynh này thở phào.
Trước đó, Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã phát đi thông báo khẩn về trường hợp mạo danh bệnh viện gọi điện cho phụ huynh yêu cầu chuyển tiền. Bệnh viện Chợ Rẫy cho hay đã tiếp nhận các trường hợp phụ huynh đến tìm con do có người thông báo con họ nhập viện cấp cứu. Trong đó, nhiều phụ huynh đã chuyển số tiền lớn vào tài khoản do người lạ cung cấp.
Đây không phải lần đầu tiên các đối tượng lừa đảo nhắm vào trường học và phụ huynh. Trước đó, vào tháng 9-2022, Trường THCS Cách mạng Tháng Tám (quận 10) được phụ huynh phản ánh về việc nhận tin nhắn qua Zalo từ một tài khoản mang tên "Phòng Giáo vụ học vụ" về các khoản phí đầu năm.
Tài khoản này có logo của Trường THCS Cách mạng Tháng Tám, tự xưng là người của trường và thông báo nội dung: Kiểm tra sổ sách học sinh chưa đóng khoản phí đầu năm, đã đến hạn chót và yêu cầu phụ huynh đóng gấp qua tài khoản cá nhân. Thấy nghi ngờ, phụ huynh đã đề nghị vào trường đóng tiền trực tiếp, đồng thời liên hệ Phòng Giáo vụ học vụ để kiểm tra thì phát hiện tài khoản trên là giả mạo.
Cùng thời điểm trên, Trường ĐH Nguyễn Tất Thành và Trường ĐH Văn Lang cũng phát đi thông báo về tình trạng tương tự khi bị mạo danh, yêu cầu phụ huynh, sinh viên đóng học phí. Đáng nói, đã có phụ huynh, sinh viên bị lừa với số tiền lớn.
Nhiều trường học ở TP HCM ra thông báo khẩn sau các cuộc gọi lừa đảo nhắm vào phụ huynh
Tăng cường kết nối nhà trường - phụ huynh
Trước việc nhiều phụ huynh tại TP HCM nhận cuộc gọi lừa đảo, vấn đề đặt ra là mối liên kết giữa nhà trường với phụ huynh liệu có lỏng lẻo? Vì sao phụ huynh không có kênh xác minh với nhà trường về những thông tin liên quan học sinh?
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Hồ Tấn Minh, Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TP HCM, cho biết sở đã có văn bản về việc rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông liên lạc giữa cơ sở giáo dục và gia đình học sinh, sinh viên.
Ông Minh cho hay Sở GD-ĐT TP HCM đề nghị các đơn vị giáo dục thực hiện một số nội dung: Rà soát, kiểm tra các điều kiện để bảo đảm an toàn thông tin của học sinh, sinh viên, giáo viên được quản lý tại đơn vị. Các phòng GD-ĐT cần chỉ đạo những cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Sở GD-ĐT khẩn trương kiểm tra, rà soát các kênh thông tin liên lạc giữa nhà trường với gia đình; công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục, bảo đảm được sự kết nối, liên lạc thông tin. Các cơ sở giáo dục phải có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh, học sinh, sinh viên, giáo viên thận trọng trong việc tiếp nhận thông tin.
Theo lãnh đạo nhiều cơ sở giáo dục, hiện nay có nhiều thủ đoạn lừa đảo rất tinh vi nhắm vào trường học, phụ huynh cần hết sức cảnh giác. Ông Nguyễn Thành Phát, Hiệu trưởng Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), cho biết không những lừa đảo qua cuộc gọi, tin nhắn, có đối tượng còn tiếp cận trực tiếp trường học thông qua chiêu trò tiếp thị, tặng quà…
"Giáo viên chủ nhiệm là linh hồn của lớp học. Nhà trường luôn nhắc nhở ngay từ đầu năm học là phụ huynh chỉ liên lạc với giáo viên chủ nhiệm khi cần thiết. Trên hết, phụ huynh cần tỉnh táo" - ông Phát nhấn mạnh.
Bà Hoàng Thụy Bích Thủy, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Định (quận 7), cho hay trong trường, mỗi lớp đều có nhóm Zalo riêng do giáo viên chủ nhiệm quản lý. Bất kể thông tin gì liên quan trường lớp, nhà trường sẽ thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và giáo viên sẽ thông báo trong nhóm Zalo này. "Nhà trường rất cẩn thận nên chỉ giao nhóm Zalo cho giáo viên chủ nhiệm quản lý, truyền tải thông tin, thậm chí bảo mẫu của lớp cũng không được giao" - bà Thủy khẳng định.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động chiều 7-3, một đại diện Bộ GD-ĐT cho hay tình trạng lừa đảo phụ huynh, báo tin con em họ bị cấp cứu để yêu cầu chuyển số tiền lớn là vấn đề được xã hội quan tâm, cần được cảnh báo sớm. Chiều cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã dẫn lại văn bản của Sở GD-ĐT TP HCM trên fanpage của bộ về việc rà soát, chấn chỉnh công tác truyền thông, liên lạc giữa cơ sở giáo dục với gia đình học sinh, sinh viên.
Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP HCM) chiều 7-3 cho biết chỉ trong 1 giờ, từ 15-16 giờ ngày 6-3, Khoa Cấp cứu của bệnh viện nhận liên tiếp 2 cuộc gọi từ phụ huynh của 3 học sinh tại một trường học quốc tế trên địa bàn về việc chuyển tiền để con họ mổ cấp cứu. Những phụ huynh này đã cảnh giác và điện thoại đến bệnh viện xác minh nên không xảy ra mất tiền.
"Bệnh viện luôn đặt tính mạng người bệnh lên trên hết và trước hết. Vì vậy, người bệnh bao giờ cũng được điều trị cấp cứu trước, việc đóng viện phí tính sau. Đặc biệt, trong trường hợp bệnh nhân nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, bệnh viện sẽ xem xét miễn hoặc giảm viện phí từ nguồn trợ giúp xã hội hoặc các quỹ từ thiện" - Bệnh viện Nhi Đồng 1 khẳng định. Vì vậy, các phụ huynh cần lưu ý khi nhận được những cuộc gọi tương tự, nên liên lạc với nhà trường hoặc bệnh viện qua các đường dây nóng để xác minh thông tin.
Chiều cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Nam Sài Gòn (quận 7, TP HCM) cho hay từ 9 giờ đến 15 giờ 30 ngày 6-3, tại bệnh viện có 4 trường hợp đến tìm thân nhân vì nhận được thông tin con họ cấp cứu. Trong đó, 2 trường hợp đã chuyển 50 triệu đồng đến số tài khoản mạo danh. Sau khi tiếp nhận sự việc, bộ phận an ninh bệnh viện đã lập biên bản và hướng dẫn phụ huynh trình báo cơ quan chức năng địa phương.
TS NGUYỄN TÙNG LÂM, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội:
Kiểm tra lại kênh kết nối với phụ huynh
Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, các loại tội phạm lừa đảo ngày càng nhiều, chúng sẽ không từ thủ đoạn nào để lừa đảo. Vấn đề đặt ra ở đây là bằng cách nào đó chúng biết rõ tên tuổi, trường lớp và thông tin cá nhân của nạn nhân để lợi dụng tình cảm cha mẹ với con cái, đưa họ vào tình huống nguy cấp, hoảng loạn, vội vàng chuyển tiền. Việc này cần làm rõ để phụ huynh không phải trở thành nạn nhân.
Trường hợp nhận được điện thoại của người lạ đề nghị chuyển tiền, phụ huynh phải hết sức cảnh giác. Theo tôi, Sở GD-ĐT địa phương cần chỉ đạo cụ thể đến các phòng giáo dục cũng như các trường để kiểm tra lại kênh kết nối với phụ huynh, bảo đảm thông suốt. Bên cạnh đó, công khai đường dây nóng trên cổng thông tin điện tử của cơ sở giáo dục để hỗ trợ phụ huynh học sinh, tuyên truyền rộng rãi để các bậc cha mẹ tránh bị lừa tương tự. Với trường hợp phụ huynh đã chuyển khoản mất tiền thì cần trình báo với cơ quan công an để được hỗ trợ.
Ông NGUYỄN THÁI VĨNH NGUYÊN - Trưởng Phòng GD-ĐT TP Thủ Đức, TP HCM:
Phụ huynh cần cẩn thận, bình tĩnh
Những thông tin liên quan học sinh, phụ huynh chỉ nên tiếp nhận từ phía nhà trường. Ngược lại, phụ huynh cũng phải thường xuyên tương tác với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường qua các nhóm, website, fanpage và am hiểu hoạt động của con ở trường.
Như bao trường hợp khác, phụ huynh phải cẩn thận, bình tĩnh khi tiếp nhận và xử lý thông tin. Bởi lẽ, đâu phải chỉ phụ huynh, bao nhiêu người khác cũng đã bị lừa chuyển tiền vào tài khoản, lừa đảo trúng thưởng...