Hình ảnh quen thuộc hiện nay tại các trường THPT đó là trang phục nam áo sơ mi quần âu, nữ mặc áo dài. Ảnh minh họa: Q.Anh
Nam sinh mặc áo dài để giữ trang phục truyền thống
Vừa qua, trong Chương trình 'Truyền cảm hứng về áo dài' tại Trường THPT Marie Curie (TPHCM), một nghệ sỹ đã phát biểu ý kiến xung quanh trang phục áo dài, đồng thời kiến nghị với Sở GD&ĐT TPHCM, các trường THPT trên địa bàn thành phố khuyến khích học sinh nam mặc áo dài chào cờ vào sáng thứ Hai hàng tuần và mong rằng sẽ được thực hiện vào năm học sau. Đề xuất của nghệ sĩ này đã khiến nhiều người chú ý, trong đó có các trường học, giáo viên, phụ huynh và học sinh.
Trên thực tế, hình ảnh nam sinh mặc trang phục áo dài truyền thống (cách tân) cũng khá phổ biến hiện nay. Ngay từ cấp mầm non, tiểu học nhiều bé nam đã được bố mẹ sắm cho bộ áo dài ngộ nghĩnh, đáng yêu. Đối với cấp trung học và đại học, nam sinh mặc áo dài nam để biểu diễn tiết mục ca nhạc, chụp ảnh kỷ yếu. Nhiều nam giới ở độ tuổi đi làm, thậm chí về hưu vẫn có những trang phục áo dài nam thể hiện sự chững chạc và mạnh mẽ. Vừa qua, tại Thừa Thiên - Huế, một đơn vị Nhà nước cũng đã áp dụng nam giới đi làm mặc áo dài truyền thống. Tuy nhiên, nam sinh mặc áo dài nam đi học dù là đề xuất cá nhân, song đã nhận được nhiều bàn luận từ xã hội.
Có con trai học THPT tại TPHCM, anh Phạm Văn Công cho biết: 'Hình ảnh nam giới mặc bộ trang phục áo dài truyền thống không phải quá hiếm bởi hiện nay nam giới ở mọi lứa tuổi đều có bộ trang phục này, chủ yếu để tham dự các sự kiện, lễ cưới, lễ hội và chụp ảnh. Bộ áo dài nam giới cũng rất đa dạng không kém so với áo dài của nữ… Tuy nhiên, nếu để học sinh mặc đi học thì cần phải xem xét thật kỹ, bởi học sinh như con trai tôi chẳng hạn, con có xu hướng thiên về vận động mạnh, đi học thích mặc bộ đồ thoáng, dễ vận động khi cần có thể chạy nhảy, chơi các trò thể thao ở trên trường hoặc sau khi tan học'.
Còn phụ huynh Thu Phương (quận 1, TPHCM) cũng cho rằng: 'Hiện nay, học sinh nam duy trì đồng phục áo sơ mi, quần âu khi đi học là khá phù hợp. Ngoài ra, con còn có thêm quần áo thể dục thể thao… Việc duy trì đồng phục nhiều năm mới có nề nếp và học sinh thực hiện nghiêm chỉnh như hiện nay. Nên việc áp dụng học sinh mặc áo dài nam cũng cần phải xem xét kỹ, vì độ tuổi này hiếu động, thậm chí khi mặc đến lớp dễ nảy sinh việc trêu chọc, đùa giỡn nhau làm hỏng ảo, hoặc gây tâm lý không muốn mặc nữa. Do đó, việc áp dụng đại trà hay khuyến khích cho học sinh nam mặc dù chỉ tiết chào cờ cũng cần phải cân nhắc, xem xét kỹ lưỡng'.
Chưa phù hợp với đối tượng là học sinh?
Là ngôi trường hiện đang áp dụng và mặc áo dài truyền thống, thầy Huỳnh Thanh Phú - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du (quận 10, TPHCM) cho biết, thầy giáo mặc áo dài ở các hoạt động, sự kiện phù hợp của nhà trường. Đối với nữ, giáo viên và nữ sinh cũng đã duy trì mặc áo dài truyền thống nhiều năm nay. Trước những du nhập văn hóa của thế giới, rất cần gìn giữ những trang phục truyền thống, trong đó có áo dài cả nam và nữ. Nhà trường và xã hội cần nêu cao nét đẹp truyền thống này, không chỉ nữ mà nam giới cũng cần gìn giữ nét đẹp truyền thống này. Tuy nhiên, áo dài nam chỉ phù hợp với người lớn, người làm công sở vì điều kiện và môi trường khác so với nam sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú phân tích, do đặc điểm khí hậu tại miền Nam chia thành hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa nắng, nên duy trì mặc áo dài với nam sinh là không phù hợp, trong khi đó với những người lớn là nam giới làm ở môi trường công sở lại khá phù hợp vì ngồi trong phòng máy lạnh. Khi mặc trang phục áo dài, nam sinh cũng sẽ bị hạn chế rất nhiều về vận động, ở độ tuổi này các em cần vận động và rất tinh nghịch, do đó khi mặc áo dài vào các em không thể đi lại nhẹ nhàng, từ tốn. Trong khi đó, với nữ sinh lại rất phù hợp bởi các em đã quen thuộc và tác phong nữ giới cũng nhẹ nhàng, ý nhị hơn so với nam.
'Nếu cần gìn giữ trang phục nét đẹp truyền thống áo dài, theo tôi nên duy trì ở nữ giới, còn nam giới mặc áo dài nên áp dụng ở người lớn, môi trường công sở. Nhà trường cũng cần tăng cường công tác giáo dục, gìn giữ những nét đẹp truyền thống, duy trì trang phục áo dài nam, nhưng có thể sử dụng ở các sự kiện, ngày lễ, hoặc chụp ảnh gia đình. Nam sinh mặc áo dài truyền thống nếu chỉ mặc vào thứ Hai trong giờ chào cờ sẽ mang tính hình thức, chưa phù hợp', thầy Huỳnh Thanh Phú chia sẻ.
Bắt đầu từ ngày 1/11/2020, Thông tư 32/TT-BGDĐT của Bộ GD&ĐT ban hành Điều lệ trường THCS, trường THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học chính thức có hiệu lực. Điều 36 của Thông tư quy định: Trang phục của học sinh phải chỉnh tề, sạch sẽ, gọn gàng, thích hợp với độ tuổi, thuận tiện cho việc học tập và sinh hoạt ở nhà trường. Tùy điều kiện của từng trường, Hiệu trưởng có thể quyết định để học sinh mặc đồng phục nếu được nhà trường và Ban Đại diện cha mẹ học sinh của nhà trường nhất trí.