Đối với sinh viên các ngành mỹ thuật ứng dụng thì cảm hứng sáng tạo là vô cùng quan trọng. Không chỉ tìm kiếm cảm hứng thì đời sống hiện đại hay những công trình kinh điển, sinh viên Thiết kế đồ họa tại Trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH) còn được trang bị kỹ năng nghiên cứu tư liệu, tìm kiếm cảm hứng từ các giá trị văn hóa truyền thống.
Đây cũng là chủ đề của buổi triển lãm đồ án đồ họa truyền thống Việt Nam của các bạn với nhiều thiết kế ấn tượng vào ngày 25/7 vừa qua.
Sinh viên Thiết kế đồ họa HUTECH tìm cảm hứng sáng tạo văn hóa truyền thống
Cảm hứng truyền thống với tư duy xử lý hiện đại
Được biết, đây là bài thi kết thúc học phần Nghiên cứu đồ họa truyền thống Việt Nam của sinh viên năm 2 ngành Thiết kế đồ họa HUTECH.
'Khoanh vùng' vào các công trình kiến trúc, tôn giáo hơn 100 tuổi của cộng đồng người Hoa ở khu vực Chợ Lớn (TP.HCM) và Đồng Nai, sinh viên HUTECH đã tham quan tìm hiểu Hội quán Nghĩa An, Hội quán Tuệ Thành, Hội quán Hà Chương, Nhị Phủ Miếu, Thất Phủ Cổ Miếu... để nghiên cứu đặc điểm nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc của từng địa điểm cũng như họa tiết, hoa văn trang trí chi tiết ở các công trình. Từ đó, sinh viên lồng ghép các hoa văn vào từng thiết kế ứng dụng trong đời sống hàng ngày như áo dài, phong bao lì xì, áo pull, móc khóa, túi xách...
Học phần yêu cầu sinh viên nghiên cứu đặc trưng kiến trúc, điêu khắc cũng như các chi tiết, hoa văn của công trình...
... Từ cơ sở đó, các bạn vận dụng hoa văn vào thiết kế ứng dụng trong đời sống
Đồng hành cùng các nhóm sinh viên trong quá trình nghiên cứu và thực hiện sản phẩm, ThS. Nguyễn Vũ Lâm - giảng viên phụ trách học phần cho biết: 'Với đồ án Nghiên cứu hoa văn truyền thống, sinh viên được khơi gợi để quan tâm tìm hiểu nhiều hơn đến vốn văn hoá cổ truyền vẫn đang hiện diện ngay trong cuộc sống hiện đại. Đây hoàn toàn có thể là chất liệu quý cho công việc sáng tạo của bạn sau này'.
ThS. Nguyễn Vũ Lâm (áo vàng) trong buổi triển lãm đồ án của sinh viên
Không chỉ có cảm hứng và chất liệu, đồ án cũng chú trọng đến kỹ năng chọn lọc, phân tích các nguồn tư liệu thô để ứng dụng hiệu quả. 'Sau khi có được chất liệu từ văn hóa truyền thống, sinh viên học cách xử lý chất liệu một cách khoa học, phù hợp hơn tùy theo từng mục đích sử dụng như thiết kế bao bì, ấn phẩm quảng cáo...', ThS. Nguyễn Vũ Lâm chia sẻ.
Đồ án chú trọng kỹ năng chọn lọc, phân tích các nguồn tư liệu thô để ứng dụng vào sản phẩm
Đa dạng hóa cảm hứng để sáng tạo tốt hơn
Tư duy sáng tạo luôn là yêu cầu quan trọng với sinh viên Thiết kế đồ họa, bởi ngành học này đòi hỏi mỗi cá nhân phải tạo nên sự khác biệt cho từng tác phẩm. Thường những người trẻ sẽ nhạy cảm hơn với cái mới và với những trào lưu đương đại... nhưng văn hóa truyền thống vẫn là một nguồn cảm hứng lớn cho người làm sáng tạo. Việc học cách nghiên cứu, tìm kiếm cảm hứng và xử lý chất liệu truyền thống giúp sinh viên có cái nhìn đa chiều hơn, đa dạng hóa cảm hứng để sáng tạo tốt hơn.
Văn hóa truyền thống vẫn khơi gợi nhiều cảm hứng cho người làm sáng tạo đương đại
Trang bị cho sinh viên tư duy sáng tạo và kỹ năng 'hiện thực hóa' cảm hứng vào sản phẩm thực tế cũng là điều mà ngành Thiết kế đồ họa tại HUTECH chú trọng. Trong một trường đại học theo mô hình đào tạo thực tiễn, sinh viên Thiết kế đồ họa HUTECH cách tìm kiếm và nuôi dưỡng cảm xúc, thử nghiệm các phương pháp sáng tạo để trở thành những nhà thiết kế thực thụ.
Hình thức tổ chức bài thi cuối kỳ thành những triển lãm cũng giúp sinh viên có thêm cơ hội 'giới thiệu sản phẩm', phát triển khả năng trình bày ý tưởng và tìm hiểu, nắm bắt thị hiếu của người xem. Đây đều là những nền tảng quan trọng để sinh viên có thể mạnh dạn thể hiện ý tưởng và bản lĩnh - điều đặc biệt cần thiết dù các bạn chọn lựa làm việc trong doanh nghiệp hay trở thành các nhà thiết kế tự do (freelance designer) sau này.
Hình thức tổ chức triển lãm giúp sinh viên nắm bắt thị hiếu của người xem
Mỗi gian triển lãm là một công trình tâm huyết của những nhà thiết kế còn trên giảng đường
Kỹ năng sáng tạo cần được trau dồi qua thời gian, nên khó có thể đòi hỏi mọi sinh viên phải 'bùng nổ' ngay từ những ngày đầu đặt chân vào giảng đường. Những đồ án chuyên ngành đầu tiên vẫn còn một số hạn chế, tuy nhiên 'trải qua quá trình tôi luyện, sinh viên sẽ dần nâng cao tay nghề, kỹ thuật. Đây là một tín hiệu khả quan về sự phát triển của các bạn sinh viên khi lên các năm học tiếp theo', ThS. Nguyễn Vũ Lâm cho biết.