Thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa Gen Z và cha mẹ
Là đề tài duy nhất về lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi trong số 4 đề tài được lựa chọn tham dự cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia, đề tài 'Giải mã Gen Z: Thu hẹp khoảng cách thế hệ giữa Gen Z và cha mẹ trong thời đại số tại TP HCM' của học sinh Trường THPT Trưng Vương khiến nhiều người bất ngờ ngay từ vòng dự thi.
Theo nhóm nghiên cứu, Gen Z được tính là những người trẻ sinh từ năm 1997 đến 2012. Nhóm nghiên cứu gồm 2 học sinh lớp 11A13 Trường THPT Trưng Vương là Lê Mỹ Trân và Nguyễn Dương Hải Triều, đã làm một khảo sát trên 250 học sinh THCS, THPT, sinh viên ĐH và người đi làm về tính cách, sở thích và ước mơ, thời trang, công nghệ cũng như giao tiếp ứng xử. Đồng thời, nhóm cũng khảo sát thêm 250 phụ huynh của Gen Z.
Kết quả cho thấy: Về tính cách: 58% Gen Z dễ giao tiếp; 37% có cá tính mạnh mẽ; 43,2% cảm thấy cha mẹ không hiểu mình; 22,8% xảy ra tranh cãi với ba mẹ. Về sở thích: 86% Gen Z thích nghe nhạc; 74,4% sử dụng mạng xã hội; 49,2% cha mẹ góp ý khuyên con sửa đổi sở thích; 10,8% cha mẹ hoàn toàn không ủng hộ sở thích của con. Về sử dụng công nghệ: 38% Gen Z dành hơn 4 giờ/ngày cho mạng xã hội, xem công nghệ là nguồn sống; 44% cha mẹ thấy con sử dụng thiết bị điện tử nhiều; 12% cảm thấy con đang 'nghiện' công nghệ; 50% cha mẹ cằn nhằn khi con sử dụng và 25,2% phạt tịch thu điện thoại của con.
Nhóm nghiên cứu đề tài giải mã Gen Z
Đặc biệt, 32% Gen Z xảy ra tranh cãi với cha mẹ về phong cách thời trang, trong đó 18,4% lựa chọn không thay đổi; 41,6% Gen Z luôn gặp vấn đề với cha mẹ trong giao tiếp, ứng xử, 70% luôn cảm thấy áp lực; 27,6% Gen Z hiếm khi chia sẻ với cha mẹ, 10% chưa bao giờ chia sẻ.
Bản thân là Gen Z, Lê Mỹ Trân cho biết em luôn gặp áp lực do cha mẹ đặt quá nhiều kỳ vọng, có kỳ vọng vượt quá khả năng. Cha mẹ muốn em biết chơi thể thao, đi bơi nhưng em lại thích đọc sách, tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội. Môn toán không phải thế mạnh nhưng cha mẹ lại mong muốn lúc nào em cũng đạt điểm 9, 10. Cha mẹ thường đo năng lực của mình bằng điểm số. Có khi điểm cả quá trình đạt tốt nhưng cha mẹ chỉ nhìn vào một con điểm chưa đạt để phàn nàn, đánh giá. Điều này khiến em cảm thấy những nỗ lực không được ghi nhận. Có những ngày đi học không có niềm vui, nhất là gần đến kỳ thi vì sợ kết quả đạt được không như kỳ vọng sẽ khiến cha mẹ buồn…
Trong đề tài, nhóm nhiên cứu đã xây dựng 2 nhóm giải pháp chính để thu hẹp khoảng cách giữa Gen Z và cha mẹ, gồm: Cẩm nang về những tình huống mà bản thân Gen Z thường xuyên gặp phải với cha mẹ. Đây được xem là lời tự sự của Gen Z giúp cha mẹ hiểu thêm về mình; Mô hình kênh kết nối giữa các thành viên trong gia đình tận dụng từ các nền tảng số như Zalo, Messenger... Từ đó nhìn nhận, không chỉ có đòi hỏi cha mẹ phải thấu hiểu mình mà Gen Z cũng cần chủ động để tìm tiếng nói chung với cha mẹ.
Cô Nguyễn Thị Mai Liên (giáo viên chủ nhiệm lớp 11A13), đồng hành cùng nhóm nghiên cứu, đánh giá khoảng cách giữa cha mẹ và con cái đang ngày càng lớn. Cha mẹ dành tình yêu thương quá nhiều nhưng lại chưa hiểu con, dẫn đến kỳ vọng và áp đặt. Những bất đồng trong suy nghĩ, việc cha mẹ không có nhiều thời gian lắng nghe con, khiến các em khó chia sẻ với cha mẹ. Thay vào đó, các em sẽ tìm đến bạn bè, thầy cô, thậm chí là bạn bè 'ảo' trên mạng xã hội thông qua các hội, nhóm dù không hề quen biết. Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Giáo viên này lấy ví dụ, nhiều học sinh có sở thích mặc trang phục phi giới tính song cha mẹ lại cấm cản. Có trường hợp học sinh rất thích tham gia các hoạt động phong trào, là lớp phó học tập nhưng ba lại liên hệ với giáo viên yêu cầu không cho con tham gia. Có em do không tìm được tiếng nói chung với cha mẹ đã rơi vào trầm cảm, stress kéo dài, học hành sa sút…. 'Đề tài là cơ hội để mỗi học sinh nhận diện, hiểu thêm về bản thân, từ đó có cái nhìn thấu hiểu hơn với ba mẹ, để các em cũng chủ động hơn tâm sự, thổ lộ với ba mẹ của mình. Từ đó sẽ làm cho ba mẹ và con hiểu nhau hơn…' - cô Mai Liên nhận định.
Cha mẹ nên cẩn trọng trong quyết định
Từ thực tế bản thân, Võ Ngọc Băng Châu, học sinh Trường THPT Lê Thánh Tôn (quận 7, TP HCM), đã thực hiện đề tài: “Thực trạng tâm lý và tác động đến học sinh ở gia đình ly hôn tại quận 7 - TP HCM”. Nói về lý do thực hiện đề tài, em chia sẻ: Cha mẹ ly hôn và điều này đã ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý của em. Băng Châu cho biết bản thân chứng kiến cha mẹ ly hôn cùng nhiều trường hợp khác, cũng như nắm bắt thông tin về tình trạng ly hôn hiện nay ở mức cao.
Nhóm nghiên cứu đề tài 'Thực trạng tâm lý và tác động đến học sinh ở gia đình ly hôn tại quận 7 - TP HCM'
Để thực hiện đề tài, nhóm nghiên cứu đã thực hiện khảo sát, trong tổng số 501 kết quả khảo sát từ học sinh thuộc các trường THPT ở quận 7, có 139 câu trả lời xác nhận đang sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn. Trong đó, hơn 53% học sinh được khảo sát đã trải qua việc chứng kiến cha mẹ ly hôn khi đang trong độ tuổi đến trường. Gần 42% gia đình tan vỡ khi các bạn còn quá nhỏ nhưng nó cũng để lại vết thương trong lòng. Khảo sát cũng cho thấy việc ly hôn của cha mẹ khiến các em trở nên tự ti, mặc cảm về bản thân. Và phần lớn các em cảm thấy ghen tị về hạnh phúc của người khác, từ đó thu mình lại, ngại chia sẻ và dần hình thành những vấn đề về tâm lý dẫn đến trầm cảm.
Giải pháp cho tình trạng trên, theo Băng Châu, các bậc cha mẹ cần suy nghĩ cẩn trọng hơn về quyết định của mình để tránh ảnh hưởng đến con cái. Phụ huynh cũng hạn chế xung đột trước mặt trẻ. Bên cạnh đó, cần tăng cường các buổi tư vấn tâm lý học đường.
Đặc biệt, Băng Châu còn viết hai cuốn sách để giúp các bạn trong hoàn cảnh tương tự có thể vượt qua. Cuốn 'Những đứa trẻ với vết xước trong tim' kể lại bốn câu chuyện có thật, trong đó đã phơi bày vấn đề nan giải hiện nay là “khi phải sống trong gia đình có cha mẹ ly hôn, các bạn đã bị ảnh hưởng về mặt tâm lý và thể chất như thế nào?”. Cuốn 'Chân trời hạnh phúc' thì đề cập đến khía cạnh tích cực hơn. Theo đó, khi lớn lên, suy nghĩ chững chạc hơn, bản thân sẽ biết đặt vị trí của mình vào người khác để thấu hiểu vì sao cha mẹ lại phải như vậy, từ đó tìm cách đối mặt và đón nhận sự việc một cách nhẹ nhàng...