Ảnh minh họa.
Hoang mang vì điểm số
Chị Trần Mai Anh, phụ huynh có con đang học lớp 6 tại một trường THCS của quận Hà Đông lo lắng cho biết, sau 1 tuần nhận được kết quả kiểm tra thường xuyên một số môn học ở trường, con gái chị vẫn chưa hết sốc. Trong đó, 2 môn Toán và Ngữ văn con đều đạt điểm dưới trung bình, có môn Tiếng Anh là con được 8 điểm.
'Hôm đầu đi học về, thấy mắt con đỏ hoe tôi hỏi chuyện nhưng con không nói gì. Đến buổi tối cô giáo nhắn tin trên nhóm lớp nội dung là cô đã trả bài kiểm tra, điểm số cả lớp rất thấp, khoảng 60-65% dưới 5 điểm cả 3 môn nên mong muốn gia đình cùng quan tâm, sát sao động viên các con hơn. Ban đầu tôi khá sốc vì con luôn là học sinh giỏi hồi tiểu học, luôn tự giác học tập không cần bố mẹ nhắc nhở. Sau đó, tôi có nói chuyện với các phụ huynh khác đã quen thân từ hồi ở cấp 1 thì biết rằng không phải chỉ mình con tôi như vậy. Chúng tôi có nhờ trưởng ban phụ huynh hỏi cô giáo về việc đề thi có quá khó, quá mới lạ nên các con không hiểu chăng nhưng cô giáo khẳng định chủ yếu các con bị điểm thấp là do chưa bắt nhịp với cách học mới, môi trường mới, nhất là các con học chương trình hiện hành ở cấp 1 và chuyển tiếp luôn lên chương trình mới nên khó chồng khó, phụ huynh cần bình tĩnh' – chị Anh nói và cho biết những ngày này, cả gia đình đều cố gắng động viên con vì hiểu các con cũng đang rất bối rối do 'lần đầu đối diện với điểm thấp đến thế'.
Cũng trong tâm trạng lo lắng về việc học của con, chị Lý Thị Bích Lan, phụ huynh học sinh Trường THCS Đống Đa (Hà Nội) cho hay, con chị đã rất vui khi khoe được 6 điểm bài kiểm tra Toán vì mấy bạn ngồi xung quanh đều điểm dưới trung bình. Vốn là người cẩn thận nên ngay hôm sau, chị Lan đã gặp giáo viên chủ nhiệm đồng thời dạy môn Toán để trao đổi về tình hình học tập của con và hiểu rằng có nhiều nguyên nhân dẫn đến điểm số thấp của không chỉ riêng con chị mà nhiều bạn khác trong lớp.
Trên thực tế, tình trạng học sinh lớp 6 nói riêng và học sinh đầu cấp nói chung có kết quả thi, đánh giá chưa cao, chưa đạt kỳ vọng của học sinh và gia đình, thậm chí chưa phản ánh đúng thực lực của học sinh cũng là điều đã được nhiều chuyên gia giáo dục chỉ ra. Trong đó, khác biệt lớn giữa các cấp học là nguyên nhân đầu tiên. Ông Nguyễn Cao Cường - Hiệu trưởng Trường THCS Thái Thịnh (Đống Đa, Hà Nội) chỉ ra ở cấp tiểu học, các em học ít môn học hơn, lớp 6 có nhiều môn mới, phương pháp học tập khác và bài tập về nhà nhiều, đòi hỏi khả năng tự học, chuẩn bị trước bài ở nhà của học sinh nên nhiều em chưa quen sẽ bị ngợp. 'Học sinh lớp 5 phải học trực tuyến kéo dài, sau đó lại chuyển lên cấp THCS theo chương trình mới trong khi trước đó học chương trình 2006 nên nhiều em chưa thể thích ứng ngay, dẫn tới bài kiểm tra chưa thể hiện hết năng lực' - ông Cường nói.
Nhà trường sát sao, phụ huynh đồng hành
Bà Vũ Hải Yến - Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Gia Tự (quận Long Biên, Hà Nội) cho biết, khi triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 6, 7, cả thầy và trò đều gặp những khó khăn nhất định. Với sự đồng hành của phụ huynh trong năm học trước và ở năm học này, thầy trò đã và đang nỗ lực để triển khai tốt nhất chương trình mới, vì học sinh. Kết quả đánh giá thường xuyên hồi đầu năm của một số học sinh chưa tốt cũng là một kênh tham khảo để thầy, trò và phụ huynh cùng nhìn lại để có biện pháp thay đổi phù hợp với cấp học mới. Không nên coi đó là kênh duy nhất để đánh giá năng lực của học sinh vì năm học mới vừa bắt đầu được 2 tháng.
Bà Nguyễn Thị Vân Hồng - Hiệu trưởng Trường THCS Chương Dương (Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhấn mạnh, để đạt được chất lượng giáo dục cho học sinh trong mỗi nhà trường thì sự phối hợp giữa giáo viên, phụ huynh là vô cùng quan trọng. Trong đó, cha mẹ cần đồng hành, hỗ trợ con vì năm nay là năm thứ 2 thực hiện Chương trình GDPT mới đối với lớp 6, trong đó có 8 môn chấm điểm, 4 môn và hoạt động giáo dục đánh giá bằng nhận xét với nhiều điểm mới, như có thêm môn tích hợp. Từ thực tế trên, giáo viên các bộ môn sẽ vất vả hơn trong việc dạy kiến thức mới song song với ôn tập, củng cố kiến thức cũ cho học trò.
Thêm nữa, với nhiều học sinh do kiến thức thực tế bị rơi rụng nhiều do 2 năm liền học trực tuyến nên nếu thiếu sự sát sao của phụ huynh sẽ khó đạt được kết quả học tập như mong muốn.