Bất kỳ cha mẹ nào đều mong con mình lớn lên tài giỏi, có địa vị cao trong xã hội. Chính vì vậy, nhiều người tạo áp lực cho con quá mực. Khi sự mệt mỏi được đẩy lên đỉnh điểm, bi kịch cũng từ đó mà ra. Câu chuyện của nữ sinh Jennifer Pan, nữ sinh từng gây rúng động dư luận thế giới vào năm 2016 là một trường hợp điển hình.
Thành tích học tập xuất sắc - là niềm tự hào của cha mẹ
Jennifer Pan, sinh năm 1986, là một cô gái người Việt gốc Hoa. Bố mẹ của Jennifer là ông Huei Hann Pan và bà Bich Ha. Được biết, đôi vợ chồng này là người nhập cư và làm công nhân trong 1 nhà máy sản xuất phụ tùng ô tô. Gia đình họ Pan từng sống tại thành phố Markham, phía bắc Toronto, Canada.
Giống như nhiều bậc phụ huynh khác, ông bà Pan cũng muốn cô con gái độc nhất học thật giỏi, có công ăn việc làm ổn định. Chính vì vậy họ dạy dỗ con rất nghiêm khắc và cũng tạo nhiều áp lực. Jennifer sau đó không phụ lòng kỳ vọng của bố mẹ.
Jennifer Pan từng là niềm tự hào của gia đình.
Cô gái trẻ từng là sinh viên hạng A tại một trường Công giáo. Sau đó cô giành học bổng và được nhận vào ngành Dược của Đại học Toronto. Đây là ngôi trường danh giá hàng đầu của Canada, được ví như Đại học Havard của quốc gia này.
Năm 2015, Đại học Toronto xếp hạng 14 thế giới theo đánh giá của U.S News & World Report, hạng 29 theo bảng xếp hạng của Academic Ranking of World Universities. Năm 2020, trường xếp hạng 1 Canada và hạng 20 thế giới theo bảng xếp hạng Q.S World University Rankings.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Toronto, Jennifer Pan tìm được việc làm tại phòng kiểm nghiệm máu của bệnh viện SickKids - một bệnh viện Nhi lớn ở Toronto.
Chi tiết bất thường phanh phui thành tích ảo
Học giỏi, có công ăn việc làm ổn định nên Jennifer Pan trở thành 'con gái vàng' trong mắt bố mẹ và người thân. Tuy nhiên, giấy không gói được lửa. Toàn bộ sự thật về thành tích của cô gái trẻ sớm bị phanh phui nhờ 1 chi tiết bất thường.
Thông thường, các bậc cha mẹ sẽ được mời đến tham dự lễ tốt nghiệp đại học của con cái nhưng riêng ông bà Pan lại không. Lý do được Jennifer đưa ra là do nhà trường không đủ vé nên bố mẹ cô không thể tham dự.
Bố mẹ của Jennifer đã rất tức giận khi biết sự dối trá của con gái.
Nghi ngờ điều này nên ông bà Pan đã lén theo dõi và tra hỏi con gái. Hóa ra Jennifer chẳng hề giỏi giang, tất cả chỉ là một màn kịch được cô gái này dựng lên hòng lừa dối bố mẹ. Một phóng viên Karen Ko cho biết những năm đầu học cấp 2, Jennifer là học sinh xuất sắc nhưng từ năm lớp 8, cô bắt đầu xao nhãng học hành, liên tục bị điểm thấp.
Jennifer Pan không hề hoàn thành chương trình trung học hay theo học Đại học Toronto. Cô đã làm giả mọi giấy tờ từ báo cáo, thư từ, học bổng, bảng điểm đại học để đánh lừa bố mẹ.
Và bi kịch xảy đến...
Sau khi sự thật bị phanh phui, gia đình nhà họ Pan rơi vào không khí căng thẳng. Ông Hann muốn phát điên, đòi đuổi cổ con gái ra khỏi nhà. Vợ chồng ông Pan đưa ra một loạt cấm đoán nghiêm khắc như: Không được sử dụng điện thoại, không máy tính, không được gặp gỡ bạn trai,... Những điều này khiến Jennifer Pan bị ức chế và nảy ra mưu đồ mất nhân tính.
Cô và bạn trai Daniel lập mưu giết ông bà Pan để được thừa kế 500.000 USD (khoảng hơn 11 tỷ đồng). Cặp đôi Daniel chính là người giới thiệu Jennifer với một trong các sát thủ là Lenford Crawford. Tên này chấp nhận sẽ hành động với giá 10.000 USD (khoảng 230 triệu đồng).
Ngày 8/11/2010, Jennifer nhắn tin cho các hung thủ chỉ cách để họ vào nhà. Chúng trói tay Jennifer vào cầu thang tạo hiện trường giả rồi bắn bố mẹ Jennifer nhiều phát. Sau khi các hung thủ bỏ đi, Jennifer Pan rút điện thoại gọi 911. Tuy nhiên Jennifer không thể ngờ là ông Hann đã may mắn sống sót sau những phát súng và quan sát được một số hành tung của cô con gái mất nhân tính.
Di ảnh của bà Bich Ha.
Sau 3 ngày hôn mê, ông Hann tỉnh lại và kể lại cho nhà điều tra những chi tiết của vụ đột nhập, kể cả những tình tiết cho thấy sự nghi vấn với Jennifer. Jennifer buộc phải thừa nhận mình chính là người thuê hung thủ sát hại bố mẹ.
Jennifer Pan bị bắt cùng với bạn trai cũ Daniel và 3 nghi phạm liên quan là Mylvaganam, Carty và Crawford. Sau đó, tất cả những người này bị kết án giết người cấp độ 3. Tháng 12, Jennifer bị kết án tù chung thân và không có cơ hội được ân xá. Cô chỉ đủ điều kiện xét ân xá khi 49 tuổi. Các đồng phạm cũng nhận mức án tương tự.
Xuất hiện trong phiên tòa xét xử tội danh của con gái, ông Pan gục ngã, hoàn toàn suy sụp trước bi kịch của gia đình. Ngồi trong tù, Pan không phản đối quyền được liên lạc, nói chuyện với cha, thế nhưng cha của Pan quả quyết không muốn có thêm bất cứ sợi dây liên hệ nào với con gái.
Đừng tạo áp lực nặng nề lên con cái
Tội ác của Jennifer Pan là điều không phải bàn cãi nhưng cũng không thể bỏ qua trách nhiệm của cha mẹ. Nhiều bạn bè của Jennifer chia sẻ, cô này đã phải trải qua sự giáo dục rất khắc nghiệt của gia đình. Không ít ý kiến cho rằng bố mẹ của Jennifer đã không hiểu thấu đáo con gái. Họ đã đặt lên vai Jennifer một gánh nặng mà con gái họ không gánh vác nổi, gián tiếp đẩy cô vào hoàn cảnh phải nói dối nếu muốn tồn tại.
Thực tế nhiều bậc cha mẹ ngày nay thường tạo áp lực học tập cho con. Xét về mặt tích cực, áp lực học tập lành mạnh rất cần thiết để con trẻ yêu thích việc học, dành mọi sự tập trung cho việc học. Cha mẹ đặt áp lực vừa phải sẽ giúp con đạt được mục tiêu, hỗ trợ và động viên con rất nhiều. Theo đó áp lực lành mạnh là khi trẻ được làm công việc, được học môn mình yêu thích, hứng thú và có thêm động lực để học tập và làm việc.
Ngược lại, áp lực không lành mạnh bắt nguồn từ nhu cầu của cha mẹ, buộc con làm những gì mình kỳ vọng. Những điều cha mẹ muốn vốn không phải nhu cầu, ước mong của con. Từ đó cha mẹ khiến con bị căng thẳng tinh thần, dẫn đến những vấn đề sức khỏe tinh thần.
Cha mẹ tốt hãy biết lắng nghe và chia sẻ cùng con cái. Mỗi đứa trẻ có mặt mạnh, điểm hạn chế nhất định. Hãy để con học được vui, được hạnh phúc. Đừng tạo cho con có khoảng cách với cha mẹ. Đừng đánh mất những điều giản dị trong đời sống gia đình.
Hãy dành thời gian quan tâm, chia sẻ và yêu thương để trẻ cảm nhận được sự ấm áp, niềm tin cuộc sống. Nếu cha mẹ không thức tỉnh thì một ngày nào đó sẽ hối hận khi bi kịch xảy ra.