Các vụ tai nạn đuối nước ở trẻ em liên tiếp xảy ra thời gian qua như tiếng chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi toàn xã hội phải nhận thức đầy đủ, kịp thời và có các biện pháp phòng, chống tai nạn thương tích ở trẻ, đặc biệt là việc dạy bơi, phổ cập bơi cho trẻ em, học sinh . Tuy nhiên, việc dạy bơi an toàn trong trường học, phòng, chống đuối nước cho học sinh hiện đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Ông Nguyễn Nho Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2015-2020, trung bình mỗi năm ở Việt Nam có khoảng 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Mặc dù số trẻ em đuối nước giảm dần trong những năm gần đây song đây vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh, ngoài nguyên nhân khách quan do địa hình, lũ lụt, thiên tai, có thể nhận thấy một số nguyên nhân chủ quan như trẻ em, học sinh chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng nhận biết sự nguy hiểm, kỹ năng an toàn trong môi trường nước, kỹ năng bơi lội.
Theo số liệu thống kê của 59/63 Sở GD&ĐT, đến hết năm 2022, tổng số bể bơi trong trường học là: 2.184 bể/25.307 trường, chiếm tỷ lệ 8,63% trường học có bể bơi.
Giáo viên hướng dẫn các kỹ năng bơi an toàn cho học sinh. Ảnh minh họa
Như vậy tỷ lệ bể bơi trong trường học trên phạm vi toàn quốc còn quá thấp. Đó là chưa kể, nhiều bể bơi sau một thời gian đưa vào vận hành đã xuống cấp, chất lượng nguồn nước chưa đảm bảo, không có kinh phí, không có nhân viên đủ năng lực vận hành bể bơi. Ngay tại Thủ đô Hà Nội, tỷ lệ số trường học có bể bơi dường như cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Để giáo viên không phải dạy bơi, học sinh không phải học bơi… trên giấy, một số trường dân lập tại Hà Nội đã phải bỏ kinh phí thuê dài hạn bể bơi gần trường để lấy chỗ dạy học sinh; các trường công lập thì liên kết với các đơn vị bên ngoài để đưa bể bơi thông minh vào trường học, liên kết tổ chức dạy bơi, cấp chứng chỉ bơi cho học sinh trong nhà trường.
Thực tế hiện nay, việc tổ chức dạy bơi cho học sinh tại nhiều trường còn hạn chế. Ngoài lý do thiếu bể bơi thì còn hàng loạt vướng mắc khác như chưa có cơ chế để huy động nguồn kinh phí nhằm duy trì hoạt động của bể bơi; đội ngũ nhân lực để dạy bơi ở các trường phổ thông, trường tiểu học cũng còn thiếu và yếu. Hiện vẫn còn nhiều giáo viên giáo dục thể chất chưa được tập huấn, cấp chứng chỉ dạy bơi và kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho học sinh theo quy định của ngành Giáo dục. Bên cạnh đó, việc duy trì hoạt động hiệu quả bể bơi trong trường học còn nhiều hạn chế do thiếu kinh phí chi thường xuyên cho việc vận hành, sử dụng, bảo quản và kinh phí tổ chức dạy bơi. Việc quy định mức thu xã hội hóa khi tổ chức dạy bơi trong trường học chưa thực hiện đồng bộ ở hầu hết các địa phương, giáo viên dạy bơi chưa có chính sách hỗ trợ việc dạy bơi. Nhiều phụ huynh học sinh chưa quan tâm đến việc cho con em tham gia học bơi và phòng, chống đuối nước…
Tại Hội thảo tham vấn tổ chức dạy bơi an toàn, phòng chống đuối nước trong trường học do Bộ GD&ĐT tổ chức trực tuyến với 63 tỉnh, thành, đại diện Sở GD&ĐT tỉnh Bắc Ninh đã kiến nghị Bộ GD&ĐT có hướng dẫn và chính sách đặc thù với giáo viên dạy bơi trong trường học, chuẩn hóa các cơ sở đào tạo giáo viên Giáo dục thể chất, yêu cầu môn bơi là bắt buộc.
Đại diện Sở GD&ĐT Kon Tum đề nghị Bộ GD&ĐT cần quyết liệt hơn trong việc thực hiện Chương trình GDPT 2018, nhất là môn bơi, trong đó, giáo viên cần được tập huấn kỹ về chuyên môn để tổ chức tốt việc dạy bơi an toàn trong trường phổ thông. Một số ý kiến cũng đề nghị Bộ GD&ĐT, Bộ VHTT&DL, Bộ LĐTB&XH và các ngành liên quan cần thống nhất trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chương trình, đề án phổ cập bơi cho học sinh thông qua việc đầu tư của Nhà nước, có cơ chế thu hút tư nhân, xã hội hóa việc phổ cập bơi cho học sinh trong thời gian tới.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh, Trưởng Tiểu ban Giáo dục thể chất, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực đề nghị Sở GD&ĐT, Sở VHTT&ĐL các địa phương rà soát lại hệ thống bể bơi trên địa bàn về cả số lượng, hiệu quả hoạt động và trách nhiệm quản lý, đồng thời lưu ý công tác xã hội hóa cần được đẩy mạnh hơn nữa để công tác dạy bơi an toàn, phòng, chống đuối nước trong trường học được thực hiện hiệu quả hơn, từ đó góp phần giảm thiểu tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.