Thí sinh tìm hiểu thông tin tại Ngày hội tư vấn lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học - cao đẳng năm 2023.
Lưu ý với xét tuyển sớm
Theo lịch xét tuyển của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT), từ ngày 10/7 đến 17giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển. Dù số lần điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển là không giới hạn nhưng thí sinh không nên chờ đến ngày cuối cùng mới đăng ký hay thay đổi nguyện vọng.
Đến thời điểm này, đã có những thí sinh trúng tuyển bằng phương thức xét tuyển sớm của các trường. Nhiều em muốn sử dụng cả kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển băn khoăn nên sắp xếp nguyện vọng như thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mình yêu thích.
Rất nhiều thí sinh, phụ huynh băn khoăn rằng, thí sinh đã đăng ký xét tuyển các phương thức như xét học bạ, xét điểm thi đánh giá năng lực... và đã có thông báo trúng tuyển, nhưng sau khi biết kết quả, nhiều em muốn sử dụng kết quả này để xét tuyển. Chính vì vậy, việc sắp xếp, đặt nguyện vọng như thế nào để tăng cơ hội trúng tuyển vào ngành học, trường học mình yêu thích là vấn đề được hầu hết phụ huynh, thí sinh quan tâm. Tại Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển ĐH, cao đẳng 2023 vừa diễn ra tại ĐH Bách Khoa Hà Nội, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GDĐT cho rằng, trúng tuyển sớm làm tăng thêm lợi thế của thí sinh khi xét tuyển. Trong trường hợp trúng tuyển sớm chưa phải là nguyện vọng yêu thích nhất thì các em có thể đặt lựa chọn khác lên nguyện vọng 1, còn nguyện vọng trúng tuyển sớm đặt là nguyện vọng 2, 3, 4...
'Nếu thí sinh không đỗ các nguyện vọng trên (không phải nguyện vọng xét tuyển sớm) mà đến nguyện vọng xét tuyển sớm vẫn không đỗ lập tức làm đơn gửi lên Bộ GDĐT, chúng tôi sẽ xử lý' - bà Thủy nói và khẳng định tất cả đều tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh đăng ký. Các em cứ cân nhắc ngành nào, trường nào thích nhất thì nên ưu tiên hàng đầu để chọn nguyện vọng. Cần đăng ký các nguyện vọng xét tuyển, bao gồm cả nguyện vọng xét tuyển sớm và nguyện vọng xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT, lên hệ thống xét tuyển của Bộ GDĐT và nộp lệ phí đầy đủ.
Không bỏ qua yếu tố điểm sàn, học phí
Sau khi Bộ GDĐT công bố điểm sàn khối ngành sức khỏe và sư phạm năm 2023, các cơ sở đào tạo thuộc hai khối này cũng đồng loạt thông báo điểm sàn xét tuyển vào từng ngành theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.
Trường ĐH Y Hà Nội thông báo điểm sàn cao nhất của trường thuộc về ngành Y khoa và Răng - Hàm - Mặt với 22,5 điểm, cao hơn 3 năm qua 0,5 điểm. Ngành Y học cổ truyền, Dược học có điểm sàn 21. Các ngành còn lại có điểm sàn là 19. PGS.TS Lê Đình Tùng - Phòng Quản lý đào tạo Trường ĐH Y Hà Nội nhận định điểm chuẩn của trường năm nay sẽ tăng nhẹ so với năm ngoái do điểm trung bình tổ hợp B00 năm nay tăng 1,21 so với năm ngoái, lên mức 19,4. Cụ thể, ông Tùng nhận định ngành Y khoa của trường sẽ lấy ít nhất bằng năm ngoái, tức 28,15, hoặc có thể tăng nhẹ một chút. Điểm chuẩn các ngành lấy dưới 26 năm ngoái và các ngành đào tạo tại phân hiệu Thanh Hóa có thể cao hơn năm trước 0,5-1,25 điểm.
Dẫu vậy, một lưu ý tới các thí sinh đó là với ngành Y khoa, học phí Trường Đại học Y Hà Nội năm nay tăng hơn 3 lần so với năm ngoái, lên mức 55,2 triệu đồng, trong khi Răng - Hàm - Mặt và Y khoa tại phân hiệu Thanh Hóa có mức bằng một nửa.
Với ngành Sư phạm, điểm sàn năm nay dao động từ 17 - 19 điểm (bằng điểm sàn năm ngoái). Hội đồng tuyển sinh ĐH chính quy của Trường ĐH Sư phạm Hà Nội thông tin, đối với các ngành đào tạo giáo viên (sư phạm), mức điểm sàn từ 18 đến 21,5. Đối với các ngành đào tạo khác (ngoài sư phạm), mức điểm sàn từ 16 đến 21 điểm.
ThS Cao Quảng Tư - Giám đốc Tuyển sinh (Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn) lưu ý, ngoài điểm sàn, dự báo điểm chuẩn từ các chuyên gia, thí sinh nên có sự đối sánh điểm chuẩn các ngành (dự kiến đặt nguyện vọng) trong 3 năm gần nhất, với dự kiến điểm chuẩn trong năm nay, để cân nhắc với số điểm thi của mình. Về chiến thuật, thí sinh nên đặt nguyện vọng một cách thông minh, trong đó, không nên lựa chọn top trường quá cao, mà phân theo thứ tự ưu tiên 1, 2, 3... để đảm bảo nếu nguyện vọng 1 không như ý, thí sinh vẫn còn nguyện vọng 2, 3.. đáp ứng được ngành học tốt nhất mà mình mong muốn. 'Thí sinh nên ưu tiên chọn đúng ngành chứ không phải vì mục tiêu cuối cùng phải vào được ĐH' - ông Tư nói.
PGS.TS Lê Hữu Lập - nguyên Phó Giám đốc Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông, dự báo điểm chuẩn ngành Marketing của trường năm nay dao động trong khoảng 26-26,5 điểm. Dù vậy, đây chỉ là dự báo tham khảo, thí sinh có điểm thấp hơn mức trên một chút cũng nên mạnh dạn đăng ký và xếp thứ tự nguyện vọng ngành mình yêu thích lên đầu.