Cử tri và Nhân dân lo lắng về tình trạng thiếu điện, các vụ lừa đảo
Trình bày báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 5 và 6 tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 12/7, Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình nhấn mạnh, cử tri và Nhân dân vui mừng, phấn khởi về tình hình kinh tế - xã hội trong nước tiếp tục ổn định và phát triển, kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát; tăng trưởng được thúc đẩy; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; lĩnh vực văn hoá, xã hội tiếp tục được chú trọng; đời sống của người dân tiếp tục được cải thiện; tình hình chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội cơ bản được bảo đảm.
Trưởng Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Dương Thanh Bình
Công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được tăng cường, góp phần làm trong sạch bộ máy, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh, nhất là đối ngoại cấp cao, ngoại giao kinh tế, uy tín và vị thế quốc tế của Việt Nam tiếp tục được củng cố, nâng lên.
Cử tri và Nhân dân đánh giá cao kết quả Kỳ họp thứ Năm, Quốc hội khóa XV, tại Kỳ họp này, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra với nhiều đổi mới mang lại hiệu quả thiết thực trong công tác giám sát, đánh giá tác động chính sách, lấy ý kiến xây dựng pháp luật…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, cử tri và Nhân dân bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước tình trạng thiếu điện, cắt điện luân phiên; việc tiếp cận, thụ hưởng nhà ở xã hội còn nhiều hạn chế, giá bán còn cao, vượt quá khả năng tài chính của đa số người lao động; tình hình khó khăn của nhiều doanh nghiệp do sụt giảm đơn hàng, người lao động bị mất việc, ngừng việc, giảm việc xảy ra nhiều địa phương; tình trạng nguyên, nhiên, vật liệu, vật tư sản xuất nông, lâm nghiệp, chi phí dịch vụ tăng, trong khi tiêu thụ sản phẩm gặp khó khăn.
Cử tri và Nhân dân cũng bày tỏ sự quan tâm, lo lắng trước các vụ lừa đảo về đất đai, trái phiếu, bất động sản, các vụ lừa đảo có tổ chức, xuyên quốc gia, một số vụ việc có yếu tố nước ngoài tiếp tục tiếp diễn phức tạp; tình trạng thiếu nhà trẻ công lập ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử đang có xu hướng gia tăng nhanh chóng, tập trung chủ yếu ở lứa tuổi thanh, thiếu niên...
Bài toán phát triển thêm trường lớp không hề đơn giản
Phát biểu tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nêu thực trạng phụ huynh xếp hàng thâu đêm để nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 ở Hà Nội gây băn khoăn, lo lắng trong dư luận.
'Áp lực thi vào lớp 10 ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh là thực trạng trong nhiều năm. Thi vào lớp 10 còn khó hơn thi đại học. Truyền thông đã đưa tin rất nhiều. Có phải có tình trạng thiếu trường công không và giải quyết như thế nào?' – bà Nga đặt câu hỏi và đề nghị đưa thêm nội dung này vào báo cáo công tác dân nguyện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng đề cập tình trạng sử dụng bóng cười và thuốc lá điện tử. Nguy cơ ma túy trá hình rất lớn trong khi bóng cười và thuốc lá điện tử đang phổ biến trong thanh thiếu niên.
Bà Lê Thị Nga đề nghị Chính phủ cần có thái độ, nghiên cứu quy định cấm buôn bán, sử dụng bóng cười, thuốc lá điện tử.
Liên quan vấn đề thi vào lóp 10 mà bà Nga nêu ra, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cho biết, hiện số lượng và tỷ lệ trường THPT thấp hơn trường tiểu học, THCS. Hiện nay đang áp dụng việc phân luồng bằng điểm thi, ai điểm thấp sẽ sang tuyến khác như trường tư thục, trung tâm giáo dục thường xuyên, học nghề hoặc các con đường khác.
'Nhu cầu của phụ huynh muốn con học cấp 3 công lập là nhiều bởi chi phí trường công lập thấp hơn trường tư thục. Đây là nguyện vọng chính đáng và chúng ta phải giải quyết vấn đề này' – ông Vinh khẳng định.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, Hà Nội đã rất cố gắng trong việc đầu tư cho phát triển trường lớp, nhưng chủ yếu là 'đập đi làm lại' trong khi phát triển mới lại rất khó khăn.
'Tăng thêm trường lớp thì phải tăng thêm giáo viên trong khi chúng ta đang khống chế. Bài toán này khiến phát triển thêm trường lớp không đơn giản' – ông Vinh cho biết thêm.
Đối với TP Hồ Chí Minh, hiện có 14 triệu người theo thống kê không chính thức và đang thiếu tới 7.000 phòng học. Để giải quyết việc này, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho rằng, các địa phương và Chính phủ phải tính toán rất cẩn thận, trong đó có việc phân phối giáo viên. Theo đó, các trung tâm lớn kêu thiếu giáo viên trong khi ở nhiều nơi, học sinh giảm nhưng giáo viên giữ nguyên.
Ông Nguyễn Đắc Vinh cho biết, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục đã có nghiên cứu về vấn đề này và sẽ có kiến nghị với Chính phủ và Bộ Giáo dục và đào tạo để giải quyết căn cơ, hiệu quả.
Cũng liên quan lĩnh vực giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, cử tri, nhân dân quan tâm đến tình trạng tai nạn do đuối nước. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng, các cơ sở giáo dục cần đầu tư, xây dựng chương trình dạy bơi để hạn chế tình trạng tai nạn này.
Về vấn đề thực hiện các quy định của pháp luật trong phòng cháy chữa cháy, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, các doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi thực hiện nhiều biện pháp nhưng không được chứng nhận để tiếp tục hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho rằng các cơ quan chức năng cần đưa ra hướng dẫn cụ thể, tiêu chí rõ ràng để tháo gỡ vướng mắc cho các doanh nghiệp.