Học sinh tham gia kỳ thi tuyển sinh lớp 10 công lập tại điểm thi Trường THCS Bàn Cờ ngày 11-6. Ảnh: CAO THĂNG
Môn Ngữ văn: Hành trình trưởng thành của tuổi trẻ
Là thí sinh đầu tiên rời khỏi điểm thi Trường THCS Trần Văn Ơn (quận 1) vào sáng 11-6, em Huỳnh Ngọc Phương Mai, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Trần Văn Ơn, chia sẻ, em khá hứng thú với chủ đề “Bức thông điệp của thời gian” xuyên suốt tất cả câu hỏi của đề thi môn Ngữ văn năm nay. Trong đó, ở câu đọc hiểu văn bản, nội dung 2 đoạn văn được yêu cầu phân tích trong đề thi không lắt léo. Ở câu 2 về nghị luận xã hội, đề thi yêu cầu thí sinh viết bài văn ngắn (khoảng 500 chữ) đưa ra quan điểm cá nhân về ý nghĩa của thời gian trong quá trình trưởng thành của mỗi con người.
Thu Anh, học sinh Trường THCS Trần Văn Ơn, nhận xét, câu hỏi lạ, rất mới mẻ và có tính khai mở nên tạo được nhiều cảm hứng làm bài cho thí sinh. Thí sinh này cho biết bản thân đã liên hệ câu nói “Không quan trọng bạn sống bao lâu, quan trọng là bạn sống thế nào” của khoa học gia người Mỹ Liberty Hyde Bailey để tăng thêm tính thuyết phục cho bài viết.
Riêng câu hỏi về nghị luận văn học, Trần Quỳnh Hương, học sinh Trường THCS Văn Lang (quận 1), đánh giá, đề thi yêu cầu phân tích một tác phẩm thơ trung đại là bài “Sang thu” của nhà thơ Hữu Thỉnh - vốn là 1 trong 4 tác phẩm vừa học trong chương trình Ngữ văn học kỳ 2 lớp 9, có chủ đề gần gũi về thiên nhiên nên không khó khăn cho học sinh khi phân tích.
Đánh giá chung về đề thi môn Ngữ văn năm nay, Th.S Huỳnh Thị Kim Ngân, giáo viên Ngữ văn, Trường THPT Nguyễn Du (quận 10), nhìn nhận, mức độ phân hóa của đề thi năm nay khá tốt; để đạt điểm khá, giỏi, thí sinh phải có khả năng ngôn ngữ và tư duy tốt. Riêng ở câu hỏi nghị luận văn học, tác phẩm thơ khá dễ phân tích đối với nhiều thí sinh, song cô Kim Ngân cho rằng, đây cũng là câu hỏi có tính phân hóa cao trong đề thi. Bởi vì, tác phẩm ra đời trong bối cảnh đặc biệt khi chiến tranh vừa đi qua, dung lượng câu chữ thể hiện tuy ngắn nhưng lại chuyển tải bên trong ý nghĩa sâu sắc của sự trải nghiệm, kết hợp với việc vận dụng các thủ pháp nghệ thuật. Tất cả điều đó đòi hỏi thí sinh phải có năng lực cảm nhận và khai thác sâu mới dành trọn số điểm.
Đồng quan điểm, theo cô Nguyễn Ngọc Phù Dung, Trưởng nhóm Ngữ văn 9, Trường THCS Lạc Hồng (quận 10), đề thi không chỉ đòi hỏi thí sinh cảm nhận được vẻ đẹp của cảnh vật thiên nhiên trong hiện tại mà cần liên hệ với quá khứ chiến đấu oai hùng để qua đó nêu bật được giá trị của sự yên bình. Giáo viên này dự đoán phổ điểm môn Ngữ văn năm nay sẽ tập trung ở mức 7-8 điểm.
Tôi đánh giá cao công tác tổ chức chặt chẽ ở các điểm thi. Từ khâu chuẩn bị cơ sở vật chất, chuẩn bị cơ sở vật chất, bốc thăm và cắt cử cán bộ coi thi, giám thị hành lang đến cách đánh số báo danh thứ tự chỗ ngồi cho thí sinh trong phòng thi đều đảm bảo tính công bằng, hạn chế tối đa trường hợp gian lận nếu có. Bên cạnh đó, sự phối hợp nhịp nhàng giữa 2 ngành giáo dục và y tế đã giúp ngày thi diễn ra an toàn, nghiêm túc'.
(Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận xét khi đi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10 tại TPHCM vào sáng 11-6)
|
“Thở phào” với môn Ngoại ngữ
Chiều cùng ngày, ghi nhận chung tại hầu hết điểm thi, thí sinh kết thúc giờ làm bài môn Ngoại ngữ với tâm trạng phấn khởi. Em Lê Trúc Quỳnh, học sinh lớp 9/5, Trường THCS Bàn Cờ, dự thi tại điểm thi Trường THCS Colette (cùng quận 3), nhận xét, đề thi chính thức môn Ngoại ngữ dễ hơn so với các đề ôn tập trên lớp. Trong đó, phần ngữ âm và dấu nhấn - một trong những nội dung mới xuất hiện trong đề thi năm nay, được thiết kế khá phù hợp, không mang tính đánh đố thí sinh.
Phó Chủ tịch UBND TPHCM Dương Anh Đức nhận xét khi kiểm tra phòng thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Ảnh: CAO THĂNG
Nhận định về đề thi môn Ngoại ngữ, cô Phạm Thị Xuân Oanh, Tổ trưởng môn tiếng Anh, Trường THCS Lê Văn Tám (quận Bình Thạnh), cho biết, đề thi bám sát chương trình học lớp 9, trong đó các điểm ngữ pháp và từ vựng không vượt khỏi phạm vi chương trình. Một trong những điểm mới của đề thi năm nay so với đề thi năm 2020 (năm 2021 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên TPHCM không tổ chức thi tuyển sinh lớp 10 - PV) là có thêm 4 câu hỏi của phần ngữ âm và dấu nhấn. Tuy nhiên, các câu hỏi đều tương đối nhẹ nhàng, thí sinh đọc kỹ đề có thể dễ dàng làm được.
Riêng phần đọc hiểu dù được nhiều thí sinh đánh giá là dễ kiếm điểm nhưng nếu ai “học vẹt”, sẽ khó dành trọn số điểm. Giáo viên này phân tích, điểm thú vị của bài đọc hiểu là có sự liên hệ về ngữ nghĩa giữa các câu trong đoạn văn, đòi hỏi thí sinh phải đọc kỹ đề và có sự liên kết về nội dung trong bài đọc. Ngoài ra, tính phân hóa của đề thi tập trung ở 4 câu hỏi cuối, yêu cầu thí sinh viết lại câu mới theo cấu trúc ngữ pháp cho trước. Đây là dạng câu hỏi nếu không cẩn thận rất dễ sai lỗi chính tả. Theo dự đoán, phổ điểm môn Ngoại ngữ năm nay tập trung ở mức 7-8 điểm.
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM Lê Hoài Nam cho biết, không có quy định xét đặc cách đối với các trường hợp thí sinh không tham gia đủ 3 bài thi bắt buộc của kỳ thi tuyển sinh lớp 10.
Môn thi Ngữ văn buổi sáng có 652 thí sinh không tham gia dự thi, môn Ngoại ngữ buổi chiều vắng 660 thí sinh. Ngoài ra, 3 thí sinh mở tài liệu trong giờ làm bài môn Ngữ văn đều đã bị đình chỉ thi do vi phạm quy chế thi.
Đặc biệt, một trong những quy định mới của kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm nay là bố trí nơi giữ vật dụng cá nhân cho thí sinh cách khu vực phòng thi tối thiểu 25m. Lãnh đạo Sở GD-ĐT TPHCM đánh giá, các điểm thi tổ chức khá tốt, đều cử người sắp xếp và bảo quản đồ dùng cho thí sinh bằng nhiều hình thức như phát thẻ số, dán tên thí sinh trên vật dụng, phân chia khu vực để đồ giúp không nhầm lẫn của thí sinh này với thí sinh khác.
|