Mới đây, một sự việc xảy ra vào chiều 21/12 tại Trường Mầm non Happy Kids (Vạn Phúc, Hà Đông, Hà Nội) đã khiến cộng đồng mạng không khỏi bức xúc. Cụ thể khi xem camera lớp mầm non của con, chị L.Q thấy con trai đang nằm thì bị cô giáo Y. lột chăn, bế ra đứng ra ngoài cửa lớp.
Nguyên nhân bởi con chị L.Q tỉnh dậy vào giờ ngủ trưa, sau đó không ngủ nữa và 'lè nhè ỉ ôi'. Cuối cùng cô Y. nhận kỷ luật, phía trường Happy Kids cũng bị Phòng GD&ĐT quận Hà Đông ra quyết định đình chỉ hoạt động.
Dù vụ việc đã kết thúc nhưng vẫn tạo nhiều dư âm trong lòng các bậc phụ huynh và cả giáo viên. Những câu hỏi như: 'Vì đâu mà ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra'. 'Phải chăng giáo viên mầm non ngày nay thiếu nghiệp vụ sư phạm', 'Khi trẻ hư thì giáo dục sao cho đúng',... đang được cộng đồng mạng không ngừng đặt ra.
Vụ việc tại trường Happy Kids khiến các bậc phụ huynh bức xúc.
Cách làm của cô giáo là 'trả thù', không phải giáo dục trẻ
Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Thu Hương, nguyên giảng viên khoa Giáo dục Tiểu học, ĐH Sư phạm Hà Nội. Hiện chị đang phụ trách 1 trung tâm dạy kỹ năng sống cho trẻ.
Nói về vụ việc tại trường Happy Kids, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết: 'Tôi có theo dõi thông tin về vụ việc này. Tôi sẽ không bàn về việc để trẻ ở ngoài cửa có gây nguy hiểm hay không.
Ở đây, tôi xin nói tới cách ứng xử của cô giáo trong vụ việc này. Hành động của cô không phải giáo dục mà giống 'trả thù' con thì đúng hơn. Đứa trẻ có thể không nghe lời, làm điều này điều kia. Nhưng một giáo viên mầm non cần chú ý tới hành vi của mình. Bởi trẻ đang ở lứa tuổi học hỏi và mọi hành vi của cô sẽ là bài học cho con.
Rất nhiều đứa trẻ về nhà đã cầm chổi, chỉ vào mặt cha mẹ và quát 'Có im đi không?' bởi trẻ đã học từ cô giáo. Trẻ có thể hiền lành, có thể ghê gớm, hay quát nạt hoặc hay vui cười, những điều này đều được học từ bố mẹ hoặc cô giáo.
'Hành động của cô không phải giáo dục mà giống 'trả thù' con thì đúng hơn', Tiến sĩ Vũ Thu Hương nhận định.
Để uốn nắn hành vi của trẻ, kể cả mầm non hay lớn hơn thì giáo viên đều cần sử dụng các biện pháp tâm lý. Trong nghệ thuật thưởng phạt cũng có những quy tắc phạt thế nào, phạt ra sao để trẻ nhận thức rõ hành vi và hậu quả. Phải làm sao để trẻ nghĩ bố mẹ, cô giáo không đang hận thù và trả thù trẻ. Đó là cả một nghệ thuật.
Khi cô giáo phạt như vậy, trẻ sẽ không biết mình sai ở đâu và chỉ hiểu mình bị cô giá, ghét, trả thù nhiều hơn là muốn giáo dục. Ở đây, tôi thấy cô giáo chưa đủ tâm lý, kinh nghiệm và điềm tĩnh để giáo dục trẻ. Thứ hai là cô cũng chưa có đủ phương pháp'.
Nói về phương pháp giáo dục khi trẻ hư, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cho biết: Trong môi trường đào tạo sư phạm, sinh viên sẽ được dạy tâm sinh lý trẻ ở các độ tuổi. Sinh viên sẽ tự tìm cách để xử lý tùy tình huống.
'Trong trường hợp bé ở trường Happy Kids, giáo viên có thể để bé ngồi một chỗ, xả cảm xúc tiêu cực, la hét hoặc khóc lóc và rồi tự bình tĩnh lại. Khi trẻ có nhu cầu cần khóc, hãy để các con khóc cho hết cơn.
Thường thì trẻ nhỏ sẽ sợ nhất là việc không được ai để ý. Khi nghịch ngợm, trẻ mong mọi người sẽ chú ý đến mình, được dỗ dành,... Nhưng khi không nhận được sự chú ý, trẻ cảm thấy hành động của mình không có giá trị và tự động ngồi yên. Trẻ cũng không tái phạm lần sau bởi biết nó không hiệu quả trong việc thu hút mọi người', Tiến sĩ Vũ Thu Hương chia sẻ. Ngoài ra, giáo viên có thể chọc, trêu để trẻ chuyển hướng quan tâm đến một việc khác.
Nguyên cớ nào mà ngày càng nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra?
Khi vụ việc tại trường Happy Kids xảy ra, rất nhiều ý kiến cho rằng: Lương giáo viên mầm non vốn thấp và bản thân các cô phải chịu rất nhiều áp lực. Vì vậy, khi một sự cố xảy ra, phụ huynh nên thông cảm cho giáo viên, thay vì làm quá mọi chuyện.
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương cũng bày tỏ quan điểm. Chị cho biết: 'Khi xảy ra một sự cố từ phía nhà trường thì trường và gia đình nên có buổi làm việc cụ thể. Trường cần nói chuyện cởi mở, chia sẻ và mong phụ huynh thông cảm. Nhưng phải có định hướng nhận lỗi khi trường sai, thực hiện đầy đủ các cam kết với phụ huynh.
Tốt nhất trường nên là phía chủ động giải quyết vấn đề. Nếu trường có cách xử lý đúng thì không phụ huynh nào nghĩ sai, nghĩ xấu về giáo viên, cũng sẽ không phản ứng thái quá. Trong trường hợp trường không sai thì cần đưa ra những bằng chứng cụ thể'.
Nhìn vào thực trạng từ đầu năm 2020, có rất nhiều vụ bạo hành trẻ mầm non xảy ra, Tiến sĩ Vũ Thu Hương nghiêm túc nhìn nhận vấn đề: 'Giáo dục mầm non hiện đang bị 'thả nổi' về chương trình, phương pháp dạy học. Chúng ta có chương trình giáo dục phổ thông mới nhưng không có thay đổi gì với giáo dục mầm non. Giáo viên cũng như chủ trường gần như muốn làm gì thì làm.
Các nguyên tắc áp dụng để quản lý trường mầm non quá cũ kỹ và nhiều vấn đề nhưng không có sự thay đổi, cập nhật. Tôi khẳng định rằng trong phương thức giáo dục mầm non hiện nay cũng còn quá nhiều vấn đề về nội dung, phương pháp.
Giáo dục mầm non hiện nay có dạy kỹ năng sống nhưng số lượng chỉ để làm mẫu trước mặt học sinh và không biết bao giờ trẻ mới hình thành kỹ năng? Trong khi đó giáo dục mầm non cần tập trung nhất vào kỹ năng và đạo đức thì các con lại không được rèn luyện điều này.
Thậm chí nhiều trường còn dạy trẻ những điều không nằm trong chương trình giáo dục. Thời điểm từ 0-6 tuổi là lúc trẻ hình thành nhân cách con người và học những kỹ năng cơ bản. Nhưng trẻ lại không được học những điều này mà chỉ được chăm bẵm là chính. Giáo viên chăm sao cho trẻ ít bị sây sát nhất, ăn được thật nhiều, được học chữ, học hát, học tiếng Anh - cái đó không phải nhiệm vụ của giáo dục mầm non.
Sai lầm về cả nội dung dẫn đến sai lầm về phương pháp. Các trường chăm trẻ chứ không dạy dỗ trẻ, dẫn đến trẻ thiếu hụt nhiều kỹ năng. Khi cả một hệ thống giáo dục bỏ rơi giáo dục mầm non thì tất yếu sẽ có nhiều vụ bạo hành, những sự việc tiêu cực xảy ra, điển hình như vụ Happy Kids.
Thực tế có rất nhiều giáo viên mầm non cho rằng họ là những 'cô nuôi dạy trẻ'. Họ cho rằng nhiệm vụ của mình là chăm bẵm, chứ không phải giáo dục. Quan điểm đó khiến cô giáo mầm non gặp phải những khó khăn khi đứng lớp, gián tiếp khiến các sự cố xảy ra.
Khi xảy ra sự cố, phụ huynh kiện thì các cô cảm thấy phụ huynh không thông cảm. Còn phụ huynh cảm thấy mình mất tiền cho con học mà cô lại để con mình ốm đau. Trường mầm non bỗng chốc trở thành ngôi nhà nuôi nhốt chứ không phải giáo dục trẻ. Khi được giáo dục thực sự, trẻ mới trở nên ngoan ngoãn, được sống an toàn, học hành hiệu quả. Như vậy sẽ không có sự cố xảy ra'.
Phụ huynh nên hay không nên giám sát giáo viên qua camera?
Nói về vấn đề này, Tiến sĩ Vũ Thu Hương kể câu chuyện thật: 'Trường mình không có camera. Nếu phụ huynh yêu cầu có camera, mình cũng tâm sự là không thể và khuyên phụ huynh chọn trường khác.
Giả dụ thế này: Bạn đi làm 8 tiếng và nhất cử nhất động, kể cả đi WC cũng có sếp giám sát thì bạn khó chịu không? Với giáo viên cũng thế. Sự khó chịu đó các cô có thể trút lên đầu những đứa trẻ. Lúc đó, chính phụ huynh đang làm khổ con mình.
Khi các cô giáo có tâm trạng thoải mái, dễ chịu thì người hưởng lợi chính là những đứa trẻ. Vấn đề ở đây là các chủ trường có tự tin với giáo viên, chương trình dạy học của mình hay không? Họ có tự tin tất cả mọi thứ đảm bảo được trẻ sẽ an toàn khi ở trường? Họ có đủ bản lĩnh để tư vấn cho phụ huynh?
Nếu có đủ những yếu tố này thì trường chẳng bao giờ cần camera. Phụ huynh cũng yên tâm và không cần giám sát 24/24. Những đứa trẻ hoàn toàn có thể kể với bố mẹ những gì xảy ra ở trường. Chính trẻ là camera lớn nhất rồi!'.