Ảnh minh họa.
Chính phủ giao Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng với các cơ quan, địa phương xây dựng, ban hành hướng dẫn an toàn để các trường học dạy học trực tiếp trở lại, phù hợp với diễn biến dịch bệnh.
Các chương trình dạy học trên truyền hình và nền tảng số tiếp tục được duy trì sản xuất, phát sóng. Chương trình 'Sóng và máy tính cho em' vẫn được triển khai nhằm hỗ trợ học sinh, sinh viên khó khăn để các em có đủ điều kiện học tập trực tuyến.
Về việc tiêm vaccine cho trẻ em, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương xây dựng lộ trình tiêm sao cho thận trọng, an toàn và khoa học.
Ngày 14/10/2021, Bộ Y tế đã có văn bản số 8688/BYT-DP về việc tiêm phòng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em từ 12-17 tuổi gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur.
Cụ thể, thực hiện chiến lược tiêm chủng vaccine phòng COVID-19, tính đến hết ngày 11/10/2021, Bộ Y tế đã tiếp nhận và tổ chức tiêm chủng hơn 55 triệu liều vaccine phòng COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Trong thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tiếp tục mua, nhập khẩu và tiếp nhận các loại vaccine có công nghệ sản xuất khác nhau (vaccine mRNA, vaccine bất hoạt...).
Một số loại vaccine phòng COVID-19 theo hướng dẫn của nhà sản xuất đã có chỉ định tiêm cho trẻ em. Các kết quả nghiên cứu của nhà sản xuất cũng cho thấy vaccine có hiệu quả phòng bệnh tương tự như ở người lớn và người cao tuổi. Hiện nay có nhiều quốc gia trên thế giới đã triển khai tiêm vaccine phòng COVID-19 cho trẻ em.
Bộ Y tế yêu cầu, địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai tiêm mũi 1 từ tháng 10 nếu đã chuẩn bị đủ điều kiện. Sở Y tế địa phương phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo rà soát, lập danh sách tiêm cho trẻ đang đi học từ lớp 6 đến hết lớp 12. Trẻ lứa tuổi này không đi học, chính quyền địa phương lập danh sách.
Tổ chức tiêm theo hình thức chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm tiêm lưu động và trường học (đối với địa bàn tổ chức được học tập trung tại trường).
Dự kiến khi triển khai có thể tiêm cho lứa tuổi 16-17, sau đó đến lứa tuổi nhỏ hơn. Trong quá trình triển khai tiêm, các chuyên gia và Bộ Y tế sẽ tiếp tục xem xét, đánh giá về an toàn của vaccine khi tiêm cho trẻ.
Những vùng kiểm soát được Covid-19 và bảo đảm an toàn cần tổ chức dạy và học trực tiếp ngay từ tháng 10, theo yêu cầu của Chính phủ. Ảnh minh họa.
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến 8/10, chỉ có 23 tỉnh, thành cho toàn bộ học sinh đi học trực tiếp. 10 địa phương kết hợp học trực tiếp và trực tuyến. 30 tỉnh, thành dạy trực tuyến và qua truyền hình hoàn toàn.
Hà Nội là một trong những địa phương vẫn chưa cho phép học sinh trở lại trường dù dịch COVID-19 đã được kiểm soát trong những ngày gần đây. Về vấn đề này, ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, việc học sinh đến trường là mong muốn của đông đảo người dân Thủ đô. Bởi 1 tiết học trực tiếp của các em học sinh sẽ bằng từ 20 đến 30 tiết học trực tuyến. Học trực tuyến có rất nhiều vấn đề hạn chế như mạng Internet, thiết bị, tương tác giữa giáo viên và học sinh, tương tác giữa học sinh và học sinh...
Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc đến trường của học sinh có nhiều khó khăn cần khắc phục. Đó là chưa có vaccine cho học sinh dưới 18 tuổi. Hà Nội có tổng số 2,1 triệu học sinh, cộng với 900 nghìn trẻ em chưa đến tuổi đi học. Mở cửa trường học khi học sinh chưa được tiêm vaccine là chưa thể đảm bảo an toàn. Khi triển khai thực hiện mở cửa trường học, phụ huynh cũng rất lo lắng về điều này. Cùng với đó, việc đưa học sinh trở lại trường phải có lộ trình.
Hiện nay, Sở GD&ĐT Hà Nội đã xây dựng nhiều phương án để cho các cháu học trở lại. Kịch bản khả thi nhất là cho các cháu lớp 6, lớp 9, 10, 12 học trước sau đó theo lộ trình dần dần cho các cháu các lớp còn lại đi học. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, chỉ triển khai tại các khu vực an toàn, vùng xanh, không có nguy cơ xảy ra dịch COVID-19.
Ông Trần Thế Cương nhấn mạnh, lãnh đạo thành phố đã có nhiều cuộc họp để đề ra giải pháp làm thế nào để vừa khôi phục kinh tế-xã hội, làm các cháu sớm quay lại trường học. Với Hà Nội, trong thời gian không xa, học sinh sẽ sớm quay lại trường. Đặc biệt Nghị quyết 128 Chính phủ vừa thông qua là điều kiện để Thành phố, Sở GD&ĐT Hà Nội xây dựng kịch bản chi tiết cụ thể để học sinh sớm quay lại trường.