![]()
Trong cuộc khai quật tại Saqqara, Ai Cập, các chuyên gia đã tìm thấy một ngôi mộ cổ khoảng 4.100 tuổi. Nhóm nghiên cứu người Thụy Sĩ - Pháp xác định danh tính của bác sĩ là 'Tetinebefou'. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Mặc dù ngôi mộ cổ này từng bị cướp bóc, nhiều hiện vật bị đánh cắp nhưng các nhà khảo cổ vẫn tìm thấy những báu vật quý giá khác. Đó là các bức tranh tường và chữ tượng hình tại nơi chôn cất vị bác sĩ trên. Cụ thể, những bức tranh tường mô tả vị trí của bác sĩ và nhiều đồ vật có thể đã được sử dụng trong các phương pháp điều trị của Tetinebefou. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Tetinebefou giữ danh hiệu 'người triệu hồi nữ thần Serqet” (hay còn gọi Serket, Selket). Đó là nữ thần có liên quan đến bọ cạp và được cho là có thể cứu người khỏi vết đốt của bọ cạp. Danh hiệu này có nghĩa là 'Tetinebefou là chuyên gia về vết cắn có độc'. Thông tin này được chia sẻ bởi Philippe Collombert, người đứng đầu nhóm nghiên cứu Thụy Sĩ-Pháp và là nhà Ai Cập học tại Đại học Geneva. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Các dòng chữ khắc trong ngôi mộ cũng hé lộ Tetinebefou là 'người quản lý các loại cây thuốc' - danh hiệu chỉ được nhìn thấy trong một khám phá khác từ Ai Cập cổ đại. Ngoài những danh hiệu này, các dòng chữ khắc ghi rằng ông là 'bác sĩ nha khoa trưởng', một danh hiệu khác hiếm khi được nhìn thấy. Ảnh: Courtesy of the Egyptian Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Roger Forshaw, giảng viên danh dự tại Trung tâm Ai Cập học Y sinh KNH thuộc Đại học Manchester, Anh, người không tham gia vào nghiên cứu này, cho hay: 'Bằng chứng về 'nha sĩ' Ai Cập cổ đại cực kỳ hiếm'. Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Những danh hiệu trên cho thấy Tetinebefou đang ở đỉnh cao trong nghề. 'Ông chắc chắn là bác sĩ chính của triều đình. Vì vậy, ông hẳn đã tự mình điều trị cho pharaoh', giảng viên Collombert phát biểu. Ảnh: Rex.
![]()
Ngôi mộ của Tetinebefou được trang trí bằng những bức tranh tường đầy màu sắc mô tả nhiều loại vật chứa, chẳng hạn như lọ và thứ trông giống như bình hoa. Những bức tranh tường này cũng hiển thị những hình ảnh trừu tượng đầy màu sắc và hình dạng hình học. Ảnh: Ministry of Tourism and Antiquities.
![]()
Nhóm nghiên cứu thông tin các bức tường 'được trang trí hoàn toàn bằng những bức tranh có màu sắc tươi sáng, rực rỡ! Thật không thể ngờ rằng chúng đã 4.000 tuổi'. Ảnh: Alamy.
![]()
Không rõ chính xác Tetinebefou đã phục vụ những pharaoh nào nhưng các nhà nghiên cứu suy đoán có thể bao gồm nhà vua Pepi II (trị vì khoảng năm 2246 trước Công nguyên đến năm 2152 trước Công nguyên) hoặc một hay nhiều pharaoh sau thời kỳ đó. Ảnh: Wikimedia Commons/Brooklyn Museum.
![]()
Các chuyên gia không tìm thấy bộ hài cốt nào bên trong ngôi mộ. Dù vậy, họ vẫn tiếp tục kiểm tra ngôi mộ nhằm không bỏ sót bất cứ khám phá nào dù là nhỏ nhất. Ảnh: Alamy.
Mời độc giả xem video: Chiếc chén pha lê trong mộ cổ 1.000 năm: “Xuyên không” là có thật?