Theo các thống kê từ truyền thông Hàn Quốc, trong năm 2023 này, các công ty giải trí từ hội 'ông lớn' đến hội 'tầm trung' đều có kế hoạch cho ra mắt nhóm nam mới. SM Entertainment dự định sẽ trình làng NCT Tokyo, NCT Hollywood và NCT Saudi - những nhóm theo xu hướng toàn cầu với thành viên ngoại quốc.
SM dự định phát triển tiếp dự án NCT thêm nhiều nhóm nhỏ mới
JYP Entertainment sẽ cho các thực tập sinh chiến thắng chung cuộc show LOUD hồi năm 2021 debut. Ngoài ra, JYP còn có 2 nhóm nam khác cũng đang nằm trong kế hoạch ra mắt.
Những thực tập sinh giành được vé debut từ show CLOUD có thể sẽ chính thức ra mắt trong năm nay
3 công ty con của HYBE Labels là Big Hit Music, Pledis và KOZ Entertainment; MNH Entertainment; KQ Entertainment cũng đều có dự định debut nhóm nam. Bên cạnh đó, các show sống còn dành cho thực tập sinh nam là Boys Planet (Mnet), My Teenage Boy (MBC) và Peak Time (JTBC) cũng sẽ lên sóng trong năm nay.
Các thí sinh của Boys Planet
Các thí sinh tham gia My Teenage Boy
Một nhân viên đang làm việc tại một công ty giải trí cho biết: 'BTS - nhóm nhạc càn quét mọi bảng xếp hạng toàn cầu hiện đã bắt đầu lần lượt thực hiện nghĩa vụ quân sự. Vì vậy, họ sẽ tạm ngưng quảng bá dưới tư cách cả nhóm trong một thời gian. Đây chính là thời cơ để các công ty quản lý trình làng 'gà' nhà mình.'
BTS lần lượt nhập ngũ, các công ty muốn tận dụng sự vắng bóng này của họ để ra mắt nhóm nam
Tuy nhiên, với mức độ cạnh tranh cao và với tình hình các nhóm idol xuất hiện ồ ạt những năm gần đây, liệu việc các công ty 'chạy đua' ra mắt nhóm nam có bảo đảm được hiệu quả? Cùng phân tích một số hạn chế trong việc quyết định debut hàng loạt nhóm nam này nhé.
So với thời kỳ gen 1 và gen 2, số lượng nhóm nhạc ra mắt mỗi năm ở gen 3 và gen 4 nhiều hơn hẳn. Lý do lớn nhất là bởi ngành công nghiệp idol của Hàn Quốc ngày càng phát triển mạnh mẽ và có độ phổ biến cao.
Thời gen 1, idol 'ăn nên làm ra' chủ yếu ở thị trường trong nước và các nước Đông Á. Đến gen 2 Blackpink gen 4, làn sóng bắt đầu lan đến khu vực Đông Nam Á và một số quốc gia ở trời Tây. Gen 3 đánh dấu sự bùng nổ trên toàn cầu với những tên tuổi gây sốt như BTS, Blackpink, TWICE,... Hiện tại, gen 4 đang tiếp nối gen 3 trong việc quảng bá âm nhạc và văn hóa của Hàn Quốc đến khán giả trên toàn thế giới.
H.O.T (gen 1), SNSD (gen 2), TWICE và BTS (gen 3) là những đại diện tiêu biểu cho từng gen
Chính bởi sự bùng nổ mạnh mẽ của Kpop và sự mở rộng của thị trường hoạt động mà ngày càng nhiều người trẻ ôm mộng trở thành idol. Không trúng tuyển ở công ty lớn thì thử ở công ty nhỏ, không được nữa thì đăng ký tham gia show sống còn, hoặc đóng webdrama để hút độ nhận diện trước rồi thử sức lại lần nữa với nghề idol.
Lượng thiếu niên chọn trở thành idol ngày càng nhiều
Không chỉ vậy, cũng có thêm nhiều người chọn mở công ty giải trí, đào tạo idol. Thế nên 'sân chơi' Kpop trở nên cực kì đông đúc bởi sự tham gia của các công ty lớn, công ty tầm trung và các công ty nhỏ, mới thành lập. Lượng nhóm nhạc ra mắt hàng năm cũng theo đó mà tăng đột biến.
Thực tế đã chứng minh, không phải nhóm nào ra mắt cũng đạt được thành công, thậm chí có nhiều nhóm gần như vô danh, đến rồi đi mà không để lại được bất cứ thành tựu nào trên 'chiến trường' Kpop.
Varsity là một trong những nhóm ra mắt và rồi tan rã trong thầm lặng, không để lại được dấu ấn nào đáng kể
Đứng trước quá nhiều lựa chọn, khán giả không có thời gian để cho tất cả các nhóm nhạc một cơ hội nghe thử. Những nhóm có truyền thông mạnh, thuộc công ty lớn sẽ thu hút hơn vì công ty đã có địa vị, đã có tệp khách hàng cụ thể và đã có kinh nghiệm lâu năm.
Nói một cách ngắn gọn, thị trường Kpop hiện đang trong tình trạng bão hòa, nhu cầu có thêm nhóm mới không cấp bách và cũng không quá cần thiết, nhất là đối với các nhóm nam.
Những nhóm đến từ công ty mới như WeNU sẽ khó giành được sự quan tâm từ công chúng
Trước đây, các nhóm nam thường dễ thành công hơn nhóm nữ, lượng fan cứng nhiều hơn, phát triển đường dài cũng thuận lợi hơn. Đó là vì trước đây, tệp khách hàng chủ yếu của các nhóm nam là nữ giới và nhóm nữ là nam giới. Nhưng có một thực tế phũ phàng là các fangirl thường chịu chi và trung thành hơn fanboy.
Những năm gần đây, các nhóm nữ không còn chỉ có hình tượng ngọt ngào, đáng yêu hay quyến rũ nữa, mà đã phát triển với đa dạng concept và hướng đến đối tượng khách hàng đa dạng hơn. Thêm vào đó, thời đại thay đổi, dân trí phát triển, khán giả nữ đối với idol nữ đã có cái nhìn thiện cảm, cởi mở hơn. Câu chuyện phụ nữ ghét phụ nữ đã là chuyện của hơn chục năm trước.
Tỉ lệ phần trăm fanboy và fangirl của một vài nhóm nữ, được thống kê vào năm 2020 (từ trái sang phải, trên xuống dưới: TWICE, MAMAMOO, BLACKPINK, Red Velvet, ITZY, (G)I-DLE, GFRIEND, Oh My Girl)
Nhìn vào các nhóm nữ hiện tại sẽ thấy, đa số các nhóm càng nổi tiếng thì lượng fangirl càng đông. Vì fangirl giờ đây không còn là độc quyền của nhóm nam nữa, hiển nhiên tỉ lệ thành công của nhóm nam sẽ giảm bớt, lượng fan cứng cũng bị phân tán.
Tình hình những năm gần đây cho ta thấy rằng nhóm nam đang không đủ sức cạnh tranh với nhóm nữ. Các ca khúc có độ viral hoặc là của các nhóm nữ, hoặc là của những nhóm nam đã có địa vị vững chắc sẵn.
Trong số tân binh ra mắt thời gian qua, những cái tên nổi bật đa số đều là nữ. Nhóm nam gần như không để lại được ấn tượng gì đặc biệt, kể cả những nhóm có thành viên vốn đã nổi tiếng từ trước như WEi (có cựu center X1 Kim Yohan), Cravity (có 2 cựu thành viên X1),...
Các thành viên của WEi đều từng tham gia show sống còn và đã ghi được dấu ấn riêng, nhưng khi kết hợp lại thì không đạt được sự bùng nổ như dự đoán
Tempest cũng gặp tình trạng tương tự - vẫn có độ nhận diện nhưng không cao, kém tiếng hơn nhiều tân binh nữ khác
Với tình hình này, liệu ra mắt thêm nhóm nam mới nữa có thay đổi được cục diện không? Hay lại tự đưa công ty và nhóm nhạc vào thế khó, tự giảm tỉ lệ thành công của bản thân?
Nếu có theo dõi tin tức Kpop thời gain gần đây, chắc hẳn mọi người đều công nhận concept của các nhóm nữ đang ngày càng đa dạng. Có concept Y2K (NewJeans (G)I-DLE ITZY); có concept đáng yêu truyền thống (TWICE); có bí ẩn, kinh dị (Dreamcatcher); có thông điệp về đập tan định kiến cổ hủ ((G)I-DLE); có nổi loạn, mạnh mẽ (Blackpink, ITZY);... Gần như đáp ứng đủ mọi sở thích mà công chúng có thể có.
Về cơ bản, đa số các nhóm nữ vẫn hướng tới hình tượng girlcrush. Nhưng mỗi nhóm lại chọn một khía cạnh khác nhau để lý giải chất girlcrush của mình. Bởi thế mới hình thành được sự đa dạng trong phong cách của các nhóm nữ hiện nay.
TWICE theo phong cách đáng yêu, năng động khá truyền thống
Dreamcatcher đẩy mạnh concept kinh dị, bí ẩn
ITZY nổi loạn, tự tin
(G)I-DLE can đảm đập tan mọi định kiến giới tính
Red Velvet không cố định theo concept nào, nhưng các MV của nhóm đa số đều có nhiều tầng nghĩa
Aespa mang hơi hướng siêu thực của công nghệ tương lai
NewJeans theo concept Y2K đầy hoài niệm
Còn nhóm nam thì sao? Đa số đều theo đuổi phong cách mạnh mẽ, đen tối với các ca khúc có phần nhạc ồn ào. Dù mỗi nhóm đều cố gắng thêm vào đó chất riêng của mình, nhưng chất riêng đó chưa đủ lạ, chưa đủ mới, chưa đủ nổi bật.
Vẫn có những nhóm thử nghiệm concept khác như hình tượng thiếu niên trong sáng, dễ thương hoặc kết hợp hiện đại với cổ truyền. Những concept này đều gây được ấn tượng tốt và thực sự thu hút được chú ý của công chúng. Tuy nhiên, đáng tiếc là đa số đều không phải hướng đi cố định.
ONEUS gây được ấn tượng tốt khi comeback với concept truyền thống, nhưng đây không phải hướng đi cố định của nhóm
Nhìn chung, các công ty đang hướng nhóm nam của họ đến thị trường Âu Mỹ, âm nhạc và phong cách trình diễn theo đó đều đi theo một công thức chung: tạo hình nam tính theo hướng lịch lãm hoặc hầm hố; nhạc có giai điệu mạnh, beat ồn ào vì chồng nhiều layer, nhiều đoạn rap; vũ đạo có độ khó cao, các idol nhảy hùng hục dẫn tới live kém.
Vì nhóm nào cũng chạy theo xu hướng này nên nó trở nên nhàm chán, các boygroup không tạo ra được thương hiệu riêng, độ nhận diện tất nhiên cũng giảm.
Các nhóm nam gen 4 hiện đang bị đóng khung với concept nam tính, mạnh mẽ. Ví dụ như Blitzers,...
Bên cạnh đó, dù Kpop đang được đón nhận thoải mái hơn ở trời Tây, nhưng vẫn chưa hề có chỗ đứng vững vàng ở thị trường âm nhạc rộng lớn này. Xu hướng là toàn cầu hóa nhưng họ vẫn là idol Kpop. Họ phát hành sản phẩm tiếng Hàn, trình diễn ở Hàn và những người tiếp cận được với họ đầu tiên, bằng những cách thức dễ dàng nhất chính là khán giả bản xứ, tiếp theo là khán giả ở các quốc gia lân cận và cuối cùng mới là khán giả ở nừa kia bán cầu.
...TNX,...
Điều đó có nghĩa là nếu muốn ổn định danh tiếng, các nhóm nhạc buộc phải có một lượng fan cứng nhất định ở Hàn Quốc và các khu vực xung quanh. Gu âm nhạc và văn hóa theo đuổi thần tượng của người Á Đông và phương Tây chung quy vẫn có nhiều điểm khác biệt, nếu chỉ chăm chăm chạy theo thị hiếu của khán giả US-UK thì khó giữ chân được khán giả khu vực Đông Á - Đông Nam Á.
...Luminous...
Nếu ra mắt nhóm mới, các công ty tốt nhất nên chuẩn bị được những concept khác, tách biệt hoàn toàn với xu hướng hiện tại, bứt phá khỏi những khuôn mẫu và hạn chế đang có. Còn nếu chỉ thêm bớt vài yếu tố nho nhỏ, không có sức nặng thì quả thật, thị trường boygroup hiện nay đã có dư thừa rồi, không cần phải góp thêm vào nữa.
...và BECZ
Như đã đề cập sơ qua ở mục đầu tiên, tỉ lệ cạnh tranh ở Kpop hiện tại rất cao. Các nhóm tân binh sẽ không chỉ phải cạnh tranh với tân binh cùng thời, mà còn phải cạnh tranh với các nhóm gen trước hiện đang còn hoạt động năng nổ nữa. Trong những nhóm gen trước còn hoạt động, có nhóm đã có sẵn lượng fan cứng đông đảo, có nhóm đang bứt phá và có cả những nhóm còn chật vật tìm ánh hào quang riêng.
Cùng theo đuổi concept mạnh mẽ thì ở Kpop vẫn có những nhóm đang hoạt động và đã có được độ nhận diện tốt, ví dụ như Ateez...
...hoặc Stray Kids
Một trong những boygroup nổi tiếng nhất gen 3 là Seventeen vẫn comeback đều đặn hằng năm
Kể từ sau khi series Produce 101 thành công vang dội, show sống còn ở Hàn Quốc mọc lên ngày càng nhiều. Mỗi một chương trình kết thúc sẽ không chỉ cho ra mắt một mà đôi khi là nhiều nhóm. Đó là nhóm chiến thắng chung cuộc và những nhóm dự án khác tập hợp các thành viên bị loại nhưng có lượng người ủng hộ cao.
Series Produce đã mở đường phát triển cho thể loại show sống còn tuyển thực tập sinh ở Hàn
Ưu điểm của các nhóm đi ra từ show tuyển tú đó là có sẵn độ nhận diện, độ thảo luận; đã hoàn thành cơ bản bước xây dựng và quảng bá thương hiệu cá nhân với công chúng trong suốt vài tháng show phát sóng.
Đó là chưa kể thỉnh thoảng Kpop sẽ có hiện tượng 'lội ngược dòng' - bất ngờ nổi tiếng dù đang đứng trước bờ vực tan rã sau nhiều năm mờ nhạt. Nhất là khi hiện nay, ngoài show sống còn cho thực tập sinh còn có show thi đấu cho các nhóm nhạc đã ra mắt nhưng chưa có chỗ đứng vững chắc.
Road To Kingdom...
...hay mới nhất là Peak Time là những show sống còn để 'cứu vãn' danh tiếng các nhóm chưa tìm được ánh hào quang
Cả hai thể loại show này đều có sự góp mặt của idol lâu năm, vì ai cũng mong vực dậy danh tiếng của nhóm mình, mong có được kỳ tích như NU'EST đã từng.
NU'EST là một trong những trường hợp 'lội ngược dòng' ngoạn mục nhất
Mới bấy nhiêu thôi đã thấy được độ khốc liệt trên đường đua Kpop nếu như các công ty tiếp tục xúc tiến kế hoạch debut nhóm nam. Thông thường, để có thể ra mắt một nhóm nhạc, các công ty quản lý phải bỏ ra một khoản vốn đầu tư rất lớn: chi phí đào tạo, phục trang, bản quyền sáng tác, chi phí quảng bá, chi phí quay dựng MV,...
Với tỉ lệ cạnh tranh gay gắt của thị trường hiện tại, chưa chắc nhóm nhạc ra mắt sẽ thu được lợi nhuận. Thậm chí để quảng bá nhóm tốt hơn, khả năng cao là công ty phải liên tục chi trả nhiều hơn nữa. Nhưng nếu nhóm cứ mãi không bật lên nổi thì việc chấp nhận thua lỗ, buộc phải giải tán nhóm sớm là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
Chi phí đầu tư cho một nhóm nhạc thường rất đắt đỏ, có khi lên đến hàng tỷ won
Từ những yếu tố hạn chế lớn nhất kể trên, có thể tạm rút ra kết luận rằng việc ra mắt hàng loạt nhóm nam ở thời điểm hiện tại chưa phải là quyết định tốt. Tất nhiên, nếu các công ty đã có định hướng thương hiệu thật sự độc đáo cho tân binh nhà mình, có sự đổi mới trong âm nhạc và concept so với mặt bằng chung nhóm nam hiện tại, các thành viên đủ tố chất và tài năng để thu hút khán giả thì việc ra mắt và đạt được thành công là điều có thể xảy ra.
Nhưng liệu tất cả các nhóm nam ra mắt trong thời gian tới có đáp ứng được đủ các điều kiện ấy chăng? Các công ty mong có thể thay thế được BTS trong khi họ tạm ngưng hoạt động nhóm vì nghĩa vụ, nhưng hẳn ai cũng phải công nhận rằng đó không phải chuyện đơn giản, một sớm một chiều là có thể làm được. Nhất là khi nhà nhà đều có định hướng giống nhau, tỉ lệ cạnh tranh cao thì rủi ro cũng cao.
Ai cũng muốn thành công như BTS, nhưng việc ấy liệu có đơn giản?
Mỗi nhóm nhạc nên có một kế hoạch xây dựng và phát triển khác nhau. Không nên vì nhóm khác đã thành công nhờ những yếu tố đó mà các nhóm sau cũng định hướng theo đúng một công thức ấy. Nếu có nhiều nhóm cùng theo một concept, một chất nhạc, tất nhiên khán giả thường sẽ chọn người tiên phong hoặc người nổi bật nhất.
Có thể tham khảo, nhưng đừng nên là bản sao của ai cả. Đã có bản chính rồi thì công chúng đâu còn cần bản sao làm gì nữa? Hơn nữa, vận may của mỗi người mỗi khác, yếu tố thời đại cũng ảnh hưởng rất nhiều. Có ai dám bảo đảm tất cả những nhóm theo cùng một hình tượng đều sẽ thành công? Công thức thành công của 10 năm trước áp dụng vào hiện tại có còn hiệu quả?
Concept của boygroup vẫn có thể có sự đa dạng và độc đáo riêng, quan trọng là công ty quản lý có muốn thay đổi hay không
Có lẽ các công ty giải trí nên suy xét đến việc tạm ngưng ra mắt nhóm mới một thời gian. Thay vào đó là đầu tư cho các nhóm hiện có hoặc phát triển các mảng khác thuộc lĩnh vực giải trí. Nhân tài thì lúc nào cũng có, nhưng thị trường và xu hướng thì không phải lúc nào cũng ổn định. Người làm kinh doanh tất nhiên thường không ngại thất bại, nhưng chắc chắn không có nghĩa là họ sẵn sàng đầu tư và cho ra mắt một nhóm nhạc chỉ để nhận về thất bại và thua lỗ.