Doanh số của ITZY sụt giảm mạnh mẽ. Ảnh: JYP Entertainment
Các báo cáo gần đây cho thấy ở thị trường nội địa, cả các nhóm nhạc mới và lâu đời đều ghi nhận sự sụt giảm đáng kể về doanh số bán album, vị trí trên bảng xếp hạng và mức độ tương tác của người hâm mộ.
Ví dụ, nhóm nhạc mới ra mắt Baby Monster của YG Entertainment đã phải vật lộn để leo hạng trong Bảng xếp hạng Top 100 của Melon. ITZY và NMIXX của JYP Entertainment cũng chứng kiến sự sụt giảm mạnh mẽ về doanh số. Tương tự, mini album mới nhất của Le Sserafim thuộc HYBE có doanh số tuần đầu tiên giảm 20%.
Bất chấp những thách thức ở trong nước, các nhóm nhạc nữ K-Pop vẫn đạt được thành công chưa từng có trên trường quốc tế, trở nên nổi tiếng khắp Hoa Kỳ, Nhật Bản và các thị trường khác. NewJeans và Le Sserafim nhận giải tại Japan Gold Disc Awards (tạm dịch: Giải thưởng Đĩa vàng Nhật Bản) và TWICE đứng đầu bảng xếp hạng Billboard 200, càng khẳng định tầm ảnh hưởng và sức hấp dẫn toàn cầu của họ.
Theo các chuyên gia, có ba yếu tố khiến các nhóm nhạc nữ K-pop xa rời cộng đồng người hâm mộ trong nước: sự bão hòa của thị trường; sự phụ thuộc vào các sự kiện ký tặng người hâm mộ; chiến lược hướng tới thị trường quốc tế với lời bài hát tiếng Anh và nhạc sĩ phương Tây.
Aespa của SM Entertainment gặp khó vì lượng người hâm mộ ngày càng suy giảm. Ảnh: SM Entertainment
Để đảm bảo “gà nhà” không sớm bị đào thải, các công ty giải trí cần giảm tần suất ra mắt các nhóm nhạc mới, thúc đẩy tăng trưởng dài hạn thay vì ngắn hạn và đổi mới để duy trì sự phù hợp cả trong nước lẫn toàn cầu.
Ba ông lớn hàng đầu ngành giải trí Hàn Quốc là SM, YG và JYP Entertainment gánh chịu hậu quả nặng nề nhất. Nhóm Aespa của SM Entertainment chật vật sau sự ra đi của nhà sản xuất Lee Soo-man và lượng người hâm mộ Trung Quốc ngày càng suy giảm.
Các công ty đang bị thu hút bởi lợi nhuận khủng tại các thị trường lớn ở nước ngoài hơn là thị trường trong nước. Gần đây, các hoạt động giao lưu với người hâm mộ ở giai đoạn đầu ra mắt album đã dần chuyển từ Hàn Quốc sang các thị trường khác. Sự thay đổi này khiến các nhóm nhạc nữ khó thu hút công chúng trong nước, những người gần gũi và đóng góp trực tiếp vào độ nổi tiếng của nhóm.
Sự thiếu nhạy cảm trong việc nắm bắt xu hướng cũng được cho là nguyên nhân dẫn đến hoạt động kém hiệu quả. Giám đốc điều hành của một công ty giải trí cho biết: 'Cần liên tục tuyển dụng những nhà sản xuất trẻ và tài năng để đổi mới, giống như HYBE đã thành công khi đưa Min Hee-jin về dẫn dắt NewJeans.'
Le Sserafirm của HYBE đánh mạnh vào thị trường quốc tế với các bài hát tiếng Anh. Ảnh: HYBE
Nhà phê bình âm nhạc nổi tiếng Kim Do-hun đề xuất: 'Sự gia tăng gần đây về số lượng nhóm nhạc nữ khiến thị trường bão hòa và trì trệ. Vì vậy, việc tập trung đầu tư vào một nhóm sẽ khả quan hơn là vội vàng ra mắt nhiều gương mặt mới.'
Những thách thức hiện tại mà các nhóm nhạc nữ phải đối mặt có thể đóng vai trò là chất xúc tác cho sự thay đổi, thúc đẩy các công ty đổi mới và thích ứng linh hoạt hơn.