Diễm Xưa được sáng tác vào năm 1960, lúc này Trịnh Công Sơn chỉ là chàng trai 22 trót say mê dáng hình một cô gái đi dưới hàng cây long não, trong một cơn mưa phùn buổi sớm mai trên những tầng tháp cổ.
Tình cảm dạt dào như trời bể nhưng không được đáp lại, chàng Trịnh năm đó chỉ đành trút cả tương tư vào lời ca tiếng hát. Diễm Xưa ra đời như cách Trịnh Công Sơn tưởng niệm cho một mối tình đơn phương xót xa đến đẹp đẽ. Và dẫu đã hơn 60 năm trôi qua, đây vẫn là ca khúc bất hủ của thời đại ông.
Kiên đã khoác lên chiếc áo mới cho Diễm Xưa
Trong số những nàng thơ đã đi qua cuộc đời Trịnh Công Sơn, Ngô Vũ Bích Diễm có lẽ là cái tên được biết đến nhiều nhất. Nàng chính là nguồn cảm hứng cho Diễm Xưa, một khúc nhạc tình bất hủ của tân nhạc Việt Nam. Tình khúc này không chỉ nổi tiếng ở Việt Nam mà còn được dịch và hát bằng nhiều thứ tiếng, thậm chí được đưa vào chương trình giáo dục của Nhật Bản.
Về bản chất, Diễm Xưa phiên bản 2022 vẫn có màu sắc xưa cũ. Cả Kiên Trịnh và giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn đều không muốn bài hát có sự thay đổi quá nhiều. Vậy nên nhóm sản xuất True Sound Producer đã thực hiện một bản phối theo phong cách RnB Lofi Jazz theo nhịp 6/8, xen vào hiệu ứng âm thanh xưa cũ của thế hệ trước để khơi gợi cảm xúc hoài niệm.
Qua giọng hát vốn đã lãng đãng u sầu của Kiên, Diễm Xưa hiện ra như một miền hồi ức hoang vu của dĩ vãng, nơi những cơn mưa rơi rụng trên tầng tháp cổ, nơi bóng hình của quá khứ về mối tình không được hồi đáp dội về nhắc nhớ chúng ta rằng những ý niệm về tình yêu dẫu đớn đau nhưng cũng đẹp đẽ làm sao.
Ở Kiên, sự sứt mẻ cũng là một món trang sức
Bản thân Kiên vốn gặp nhiều trắc trở trên hành trình lớn lên. Sự trưởng thành của Kiên vốn có nhiều sứt mẻ, tổn thương. Anh là một người mất mát khá nhiều trong cuộc sống, và cũng từng trải qua những cuộc tình dang dở để lại vết sẹo hằn trong tim. Trong thâm tâm, Kiên luôn khát khao yêu và được yêu, che chở và được che chở.
Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng nói, nhạc Trịnh là để mọi người hát theo cách của họ. Thế nhưng sự khao khát này vô tình giúp Kiên trở nên phù hợp hơn cả khi thể hiện lại nỗi niềm của người nhạc sĩ tài hoa năm xưa.
Vẫn là những câu từ đẹp đẽ, sâu sắc, nhưng Kiên đã chọn một cách tiếp cận khác đi với kiểu hát như kể lể, như tâm tình đậm tính tự sự, vừa phảng phất nỗi niềm xưa cũ nhưng vẫn phập phồng hơi thở tươi mới của hiện đại.
'Có thể nói, câu chuyện về cuộc đời của Kiên là yếu tố tạo thành một điểm trùng để anh có thể hát Diễm Xưa cùng với tâm trạng của Trịnh Công Sơn ngày trước, là khao khát yêu và được yêu. Anh đã hát bằng xúc cảm chân thành của người nghệ sĩ, bằng một chất giọng có phần trải đời, trầm lắng và sâu sắc' - một khán giả nhận xét về Diễm Xưa qua tiếng hát Kiên Trịnh.
Kiên là một chàng trai lành tính với những suy tư sâu sắc về cuộc đời so với những bạn trẻ cùng thế hệ. Cách anh hát nhạc Trịnh cũng nhẹ nhàng và chiêm nghiệm như thế. Những câu từ được anh nhả ra một cách thong thả và ngẫu hứng, nhưng không lệch khỏi tinh thần chung của nhạc Trịnh.
Với người làm nhạc như Kiên, anh biết rõ bản thân không thể nào đạt đến sự hoàn hảo tột cùng trong một thứ âm nhạc đẹp đến siêu thực. Thế nhưng rõ ràng, sự sứt mẻ - không hoàn hảo đã trở thành món trang sức quý giá của Kiên. Để chúng ta thấy rằng khi Kiên hát nhạc Trịnh, nghĩa là anh cũng đang hát về cuộc đời mình.
Giám đốc âm nhạc Huỳnh Quang Tuấn nhận định: 'Bài hát này có thể không hoàn hảo, cũng giống như sự không hoàn hảo của Kiên. Nhưng sự không hoàn hảo trong những thứ hoàn hảo lại vô tình trở nên đặc biệt. Chúng tôi đã rất bất ngờ khi Kiên bước vào phòng thu và cất lên câu ca của Diễm xưa. Một cảm giác rất đặc biệt. Thật vui vì có Kiên tham gia dự án này'.
Kiên Trịnh - chàng nghệ sĩ tài hoa, 'viên ngọc' ẩn mình của làng nhạc Việt
Kiên (hay Kiên Trịnh) tên thật là Trịnh Trung Kiên. Vốn sinh ra trong gia đình có truyền thống mỹ thuật, nhưng Kiên đã rẽ bước sang âm nhạc và tự xây dựng một thế giới của riêng mình.
Nói về nhạc của Kiên tức là đang bàn về một thứ nhạc đầy chất đời, được dựng nên từ những viên gạch của đời sống. Không xô bồ, không chạy theo đám đông, nhạc của Kiên cũng giống con người anh, nhẹ nhàng, lành tính, nhưng cũng lãng đãng một chút cô đơn rất đỗi.
Cuộc sống là nguồn cảm hứng vô tận của Kiên. Anh viết nhạc cũng như kể chuyện, tỉ mỉ quan sát và ghi chép những điều nhỏ nhặt nhất. Do vậy, nghe nhạc của Kiên, người ta chỉ thấy được sự gần gũi và chất tự sự của một con người trước tình yêu, nỗi buồn, kể cả chuyện tiền nong hằng ngày...
Quả Tim Màu Lửa, Tập Thể dục, Tôi Biết Em Không Biết, Nghe Nhạc Anh Mỗi Khi Buồn... là các nhạc phẩm nổi tiếng của Kiên được đông đảo cộng đồng nghe nhạc indie biết đến. Đặc biệt, anh cũng là cha đẻ của bản hit top 1 trending - Cung Đàn Vỡ Đôi mà Chi Pu thể hiện.