Trong vai trò Giám đốc Âm nhạc chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 - 'Chuyến tàu huyền thoại' khai mạc Lễ hội sông nước TP Hồ Chí Minh lần 2- 2024, nhạc sĩ Đức Trí thực hiện theo góc độ một người yêu nước. Anh tin rằng, khán giả sẽ được thưởng thức một đại nhạc kịch mãn nhãn, ngập tràn cảm xúc ở mọi góc độ.
Hình ảnh tại buổi tổng duyệt chương trình
Được biết đây là lần đầu tiên anh đảm nhiệm vai trò Giám đốc âm nhạc của một lễ hội, điều gì khiến anh nhận lời tham gia chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 – 'Chuyến tàu huyền thoại'?
Từ trước tới nay tôi thường làm các chương trình giải trí, đây là lần đầu tiên tôi tham gia một chương trình đặc biệt về lễ hội. Là một người dân của thành phố, thật lòng tôi thấy mình rất hân hạnh được tham gia chương trình này. Ý nghĩa lịch sử của chương trình là lý do quan trọng để tôi nhận lời.
Khi đọc kịch bản chương trình, điều thách thức tôi là làm sao mình có thể kể được câu chuyện của sông Sài Gòn? Tuy nhiên, khi làm việc với Tổng đạo diễn Lê Hải Yến, tôi nhận ra rằng có rất nhiều câu chuyện đặc biệt đã xảy ra trên sông Sài Gòn, có những điều làm tôi ngạc nhiên như câu chuyện về công xưởng Ba Son, hay nhiều câu chuyện về lòng yêu nước đã xảy ra tại nơi này. Điều đó kích thích và hấp dẫn tôi trong quá trình thực hiện phần âm nhạc cho show diễn.
Đạo diễn Đức Trí chia sẻ về chương trình Chuyến tàu huyền thoại
Trong vai trò Giám đốc Âm nhạc, anh có gặp khó khăn, thách thức gì khi xử lý các tác phẩm âm nhạc để chương trình dễ dàng tiếp cận với đại chúng?
Tôi đã từng thực hiện các vở nhạc kịch khác nhau, cũng nhiều lần thực hiện các chương trình sân khấu hóa. Những việc đó không còn xa lạ với tôi, cũng như anh Phạm Hoàng Nam (Đạo diễn Sân khấu - PV), anh Tấn Lộc (Tổng biên đạo - PV)… Chúng tôi đã làm việc với nhau rất nhiều chương trình từ những năm 1995-1996 tới giờ.
Nhưng, điểm khác biệt lần này là quy mô của chương trình. Dòng sông kể chuyện mùa 2- 'Chuyến tàu huyền thoại' có quy mô rất lớn, ngoài âm nhạc, ca hát, chương trình còn có nhạc kịch, quy tụ cả nghìn diễn viên, ca sĩ, kết hợp quần chúng... Vì thế phần âm nhạc thực hiện live ngoài trời là một thách thức.
Phần ở bên trong sân khấu chúng tôi có thể xử lý được, nhưng ở bên ngoài sân khấu đặt trên bến cảng, chúng tôi phải có hệ thống đeo tai nghe để diễn viên nghe được nhạc, không bị trễ nhịp. Các diễn viên phải học thuộc lời vì không có hệ thống nhắc bài. Diễn viên quần chúng đông hơn nên cần thời gian tập luyện rất kỹ để các bạn thuộc câu hát cũng như mạch của show diễn.
Hàng ngàn người tham gia vở đại nhạc kịch trên sông Sài Gòn
'Chuyến tàu huyền thoại' là chương trình nghệ thuật thiên về tính sử và chính trị, bản thân Tổng đạo diễn- tác giả kịch bản Lê Hải Yến cũng nhấn mạnh sự kết hợp giữa tính nghệ thuật và giáo dục ở show diễn này, với vai trò Giám đốc âm nhạc, anh làm sao để thực hiện trọn vẹn những yếu tố này mà vẫn hấp dẫn với mọi đối tượng khán giả?
Tôi không nhìn vở diễn theo góc độ chính trị thuần túy mà nhìn theo góc độ của một người yêu nước. Khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ cũng chỉ nghĩ mình là một người yêu nước nên phải làm điều gì đó cho dân tộc. Chúng tôi khi làm chương trình cũng đều nghĩ đến lòng yêu nước.
Hầu hết các phần trong vở diễn đều là những sự kiện có thật, những người thực hiện sẽ chuyển tải bằng ngôn ngữ của âm nhạc, kịch, múa… để mang tính sân khấu hơn nhưng chắc chắn sẽ đảm bảo yếu tố lịch sử, giúp mỗi người hiểu hơn về lịch sử sông Sài Gòn, lịch sử TP Hồ Chí Minh.
Một cảnh trong vở đại nhạc kịch
Anh đánh giá điểm gì là thú vị nhất của chương trình Dòng sông kể chuyện mùa 2 –' Chuyến tàu huyền thoại'?
'Chuyến tàu huyền thoại' là vở đại nhạc kịch lịch sử, lấy âm nhạc và múa làm chủ đạo. Vì thế, chương trình được nhà tổ chức đầu tư lớn, quy tụ được rất nhiều anh chị em nghệ sĩ chung tay.
Về âm nhạc, chúng tôi cố gắng làm một điều tưởng chừng như không thể là đem nhạc kịch từ sân khấu lớn ra ngoài trời. Để làm được điều đó, chúng tôi chuẩn bị về kỹ thuật tốt nhất. Công việc chuẩn bị kéo dài khoảng 2 tháng rưỡi, sáng tác, viết nhạc, dàn nhạc giao hưởng biểu diễn.
Về nội dung, trong chương trình dùng một vài bài nhạc truyền thống, cách mạng, cũng như viết thêm một số bài mới theo phong cách nhạc kịch để dàn dựng vở diễn. Sẽ có nhiều nghệ sĩ cùng dàn hợp xướng hàng trăm người tham gia.
Chúng tôi sẽ dùng rất nhiều những bài hát cách mạng rất quen thuộc với công chúng như: Quốc tế ca, Thành phố trẻ (NS Trần Tiến), Đến với con người Việt Nam tôi (NS Xuân Nghĩa)… Chỉ khác là tôi không muốn trình bày theo cách mà người ta vẫn thường nghe, thay vào đó mọi người được nghe theo kiểu nhạc kịch, nhạc phim…
Âm nhạc tự nói lên tất cả chứ không phải qua những lời tôi kể. Và với những gì chúng tôi đã chuẩn bị kỹ lưỡng suốt thời gian qua, hy vọng mọi thứ suôn sẻ và khán giả sẽ được thưởng thức chương trình mãn nhãn và cảm xúc.
Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Tổng đạo diễn Lê Hải Yến