Rap là một hình thức nghệ thuật trong văn hóa hip hop xuất phát từ Âu Mỹ và được đặc trưng bằng việc trình diễn thông qua việc nói hoặc hô vang lời bài hát, ca từ một cách có vần điệu, kết hợp với động tác nhảy nhót, tạo hình.
Văn hóa này cũng đã xâm nhập vào Việt Nam từ cách đây hơn 20 năm. Riêng về rap thì đã xuất hiện rất nhiều cái tên đình đám có những đóng góp nhất định vào dòng chảy của thị trường như Khanh nhỏ, Phong Lê, LK, Wowy, Rapsoul, JustaTee...
Đen Vâu rap trên trực thăng trong 'Hôm nay trời nhiều mây cực.' (Ảnh: NVCC)
Từ chỗ chỉ là dòng nhạc du nhập từ nước ngoài, ít người nghe, rap dần xuất hiện trong các bài hát chính thống tại Việt Nam như một thứ gia vị, đồ trang sức điểm xuyết.
Đến thời gian gần đây thì rap đã được công nhận như một dòng nhạc riêng, đã có rất nhiều bài hát thuần rap được mọi người lắng nghe đón nhận.
Các rapper hồi xưa chẳng được ai công nhận, bây giờ đã trở thành những ngôi sao được hàng nghìn người săn đón, cát-xê lên đến hàng chục, hàng trăm triệu.
Còn từ góc nhìn của một người quan sát, một nhà phê bình ẩn danh cho rằng, 'sự trỗi dậy (tạm gọi) của rap phản ánh thực tế là thế hệ người nghe mới đang quyết định tới thị trường. Thế hệ này được hình thành chủ yếu từ những bạn trẻ dưới 20 tuổi (thế hệ Z).'
Đặc biệt hơn là khi Rap trở thành tâm điểm của thị trường nhạc Việt trong giai đoạn Rap Việt mùa hai lên sóng. Những bản hít khắp các nền tảng công nghệ số.
Hậu Rap Việt, thị trường tạm chững lại để nhường chỗ cho các sản phẩm âm nhạc quảng cáo trước dịp Tết Nguyên đán. Giới Rap - trong đó có nhiều thí sinh Rap Việt mùa hai - được nhiều nhãn hàng tìm đến khi sức hút đang vượt lên tất cả.
Diễn biến của giới Rap trên thị trường nhạc Việt hiện tại là tương tự năm 2020. Khi đó, Rap bất ngờ gây sốt từ 2 game show, sau đó khuấy đảo trong 2-3 tháng tiếp theo, rồi dần giảm sức hút và 'chìm nghỉm' trong cuộc chiến của nhóm ca sĩ Vpop.
Rap vẫn phát triển, nhưng dòng chảy chính vẫn nằm ở thế giới underground. Còn nhóm rapper định hình tên tuổi trên thị trường nhạc Việt chưa quá tiến triển. Do đó, Rap cần thêm thời gian để có chỗ đứng độc lập ở mainstream.
Độ lan tỏa của Rap Việt mùa hai được cho là giảm mạnh so với mùa một. Do đó, dàn thí sinh của mùa hai không có 'bệ phóng' lý tưởng như Dế Choắt, GDucky, Tlinh hay MCK.
Ngay cả quán quân như Seachains cũng thu hút sự chú ý khá khiêm tốn. Với 5 sản phẩm Seachains phát hành trong một tháng, phim ngắn Đầm bích hút lượt xem tốt nhất, nhưng chỉ hơn một triệu view.
Điều đó một lần nữa chứng minh sức hút của game show Rap Việt chỉ là hiện tượng đưa Rap trở thành tâm điểm của nhạc Việt.
Các thí sinh có thể là tâm điểm chú ý trong giai đoạn game show lên sóng. Nhưng khi thí sinh không còn bệ đỡ của game show và trở thành rapper hoạt động trên thị trường, câu chuyện sẽ khác.
Da LAB và các thành viên (Ảnh: NVCC)
Đầu năm 2022, nhạc Việt sôi động trở lại bằng loạt sản phẩm được đầu tư mạnh cho MV. Khi mà top thịnh hành âm nhạc biến động liên tục, Rap đang thất thế vì thiếu sản phẩm đủ sức nặng cạnh tranh sòng phẳng với nhóm ca sĩ Vpop.
MV Cưới em của B Ray thu hút trong ngày đầu ra mắt nhờ 'cú lừa' trong khâu quảng bá sản phẩm. Nhưng sau 2 tuần, sức hút MV dần lao dốc, đến nay chỉ có hơn 3,2 triệu lượt xem.
Về tên tuổi trong giới Rap mainstream, B Ray có lẽ chỉ đứng sau vài người. Do đó, hiệu ứng của Cưới em khá thấp so với kỳ vọng ban đầu.
Ngày 22/2, Da LAB tung MV Skyline. Những năm qua, Da LAB nằm trong nhóm nghệ sĩ 'hit maker' của nhạc Việt, nhưng họ thành công nhờ kết hợp với ca sĩ Vpop.
Còn với Skyline, Da LAB trở lại màu sắc nguyên bản của Rap/Hip hop và thành công không còn ấn tượng như vậy. Sau gần một tuần phát hành, MV Skyline chỉ hút hơn 700.000 lượt xem.
Kể từ thời điểm nhạc Việt hồi sinh sau dịch Covid-19, tầm hoạt động của giới Rap nhỏ giọt. Trước đó, SpaceSpeakers tung bản nhạc kết hợp giữa bộ ba Binz - Rhymastic - Soobin, dù là sản phẩm quảng cáo, nhưng hút lượng xem ấn tượng.
DC - nghệ danh mới của Dế Choắt - tung MV Tới công chiện, đến nay hút hơn một triệu lượt nghe sau 3 tháng. Đó là các sản phẩm hiếm hoi của Rap được đầu tư chỉn chu phần nhạc và MV để cạnh tranh đường đua top thịnh hành nhạc Việt.
Những rapper từng được kỳ vọng trỗi dậy để giới Rap tăng sức nặng trên thị trường - MCK, GDucky, Ricky Star, Tlinh - vẫn dè dặt trong việc đầu tư nghiêm túc cho một MV để sẵn sàng cạnh tranh ở mainstream.
Sau Rap Việt, nhiều rapper gạo cội ở underground như Sol7 chưa sẵn sàng để gia nhập mainstream.
Các bản Rap ra mắt mỗi ngày trên các nền tảng nhạc số. Nhưng số lượng sản phẩm có MV và đủ chất lượng để chinh chiến ở thị trường mainstream lại rất khiêm tốn.
Qua hai mùa Rap Việt, giới Rap cũng chỉ quanh quẩn ở sức hút của vài tên tuổi rapper cũ, do vậy, cán cân dòng nhạc này trên thị trường vẫn rất chênh lệch với Ballad và Pop Ballad.
Blacka nhấn mạnh khi nhìn nhận một cách tỉnh táo, 'cơn sốt' Rap Việt chỉ là nhất thời. Còn thực tế, Rap chưa có nền tảng đủ mạnh và bền vững trên thị trường nhạc Việt.
Cụ thể là nhóm khán giả tiếp cận Rap, nghe dòng nhạc này, và 'thấm nhuần' cá tính của nghệ sĩ ở thể loại này không nhiều.