Dẫu biết con trai là đứa sống tình cảm, thương mẹ nhưng tôi không thể tin có một ngày con thốt ra những câu như thế.
Đợi con dịu bớt tôi mới hỏi: 'Vì sao con xúi mẹ thế?'. Cậu thanh niên choai choai không trả lời mà oà khóc như một đứa trẻ lên ba. Rồi nó bảo ước gì được như những ngày xưa khi bố đi làm xa, vài tuần mới về nhà.
Hóa ra, đó là khoảng thời gian hạnh phúc khi con được sống trong sự vui vẻ của gia đình, ở đó không có những tiếng bấc tiếng chì, không có sự chê bai, chỉ trích của bố dành cho mẹ và tuyệt nhiên không có những cơn say xỉn náo loạn của bố.
Ảnh minh họa
Ba năm nay, chồng tôi chuyển công tác về gần nhà. Con trai rất thương tôi nên tỏ thái độ bất mãn khi ngày nào mẹ cũng phải vất vả dậy sớm chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà, làm cơm trưa cho bố mang đi làm rồi tất tả đưa em đến trường. Chiều về lại vẫn là mẹ vội vàng đón em, quẳng túi là lao vào bếp nấu nướng, dọn dẹp... Trong khi đó thì bố cuối chiều nào cũng chơi thể thao, giao lưu với bạn bè rồi trở về nhà trong trạng thái biêng biêng vì bia rượu.
Chưa hết, con trai ấm ức vì bố không chỉ ra ngoài uống mà tuần nào cũng đôi bận mời bạn về nhà nhậu nhẹt. Chỉ cần một cuộc điện thoại về nhà là 2 tiếng sau mẹ phải chuẩn bị tươm tất mọi sự. Rượu vào lời ra, có nhiều lần trước mặt bạn bè bố mắng mẹ xơi xơi, chê là người đàn bà không biết hưởng thụ, tư duy chỉ từ nhà ra đến bếp.
Thằng bé hỏi tôi với giọng bức xúc: “Tại sao mẹ phải nhẫn nhịn khi nghe bố sỉ nhục? Tại sao? Tại sao?”....
Tôi không trả lời thì con trai giơ màn hình điện thoại ra với tin nhắn của hai bố con. Con trai đã đề nghị bố hãy thương mẹ, đừng say và dừng đay nghiến mẹ. Bố nó nhận lỗi nhưng chỉ được dăm bữa nửa tháng lại “chứng nào tật ấy”.
“Bố là gì trong nhà? Mẹ cần bố để người ngoài nhìn vào thấy con với em có đủ bố mẹ ư? Rõ ràng mẹ độc lập kiếm tiền, sao mẹ cứ phải chịu đựng như thế? Mẹ đừng nghĩ cho các con, sợ các con thiếu bố mà không dám bỏ bố. Con không cần học thêm, con có thể về đón em thay mẹ, con sẽ dậy sớm tự nấu ăn... Chỉ hai năm nữa, vào đại học con sẽ vừa học vừa làm thêm phụ mẹ nuôi em. Con nghĩ, không có bố, ba mẹ con mình sống vẫn tốt. Con không cần một ông bố thiếu trách nhiệm như thế. Mẹ bỏ bố đi!”, thằng bé vẫn không từ bỏ đề nghị.
Tôi bối rối trước những lời nói của con. Tôi lo sợ một ngày nào đó con trai không kiềm chế được cơn nóng giật bột phát sẽ gây gổ với bố nó. Tôi rùng mình nghĩ đến tình cảnh mâu thuẫn của một ông say rượu và một thanh niên mới lớn....
Dù biết những ấm ức trong lòng con xuất phát từ tình yêu thương mẹ nhưng tôi vẫn phải nói với con: 'Đấy là bố con, sau này con lập gia đình sẽ hiểu vợ chồng một ngày nên nghĩa. Ngoài tình yêu còn có cả trách nhiệm lo cho nhau. Giờ bố chưa hiểu, đến lúc nào đó bố sẽ nhận ra'.
Lời nói của tôi dương như chẳng lọt vào tai con trai, nó hỏi ngược lại mẹ bằng một câu khô khốc: “Mẹ chịu đựng đến hết đời à?”.
Tôi cố trấn tĩnh nhưng trong lòng thì chua xót. Tôi thương mình và thương cả các các con, con cái đâu có quyền lựa chọn bố mẹ. Tôi cố gắng nhẫn nhịn những mảnh ghép sai lệch, chấp nhận hy sinh tất cả để cho hai con có một gia đình đủ đầy bố mẹ. Nhưng có phải tôi đã sai rồi không?