Tôi thuộc mẫu người của gia đình, công việc ổn định, biết nấu nướng và thích chăm sóc nhà cửa. Tôi luôn muốn kết nối và yêu thương các thành viên trong nhà.
Tôi yêu thương mọi người nhà chồng, coi họ như gia đình thứ hai, không có chút phân biệt nào hết. Bố mẹ tôi ở quê, không thường xuyên ở bên nên tôi chỉ có thể gọi điện hỏi thăm.
Ngược lại, gia đình chồng ở gần nên tôi dành thời gian qua lại nhiều hơn. Mỗi lần gọi điện cho tôi, bố mẹ đẻ cũng thường nhắc tôi phải thường xuyên thăm hỏi bố mẹ chồng.
Tôi có sở thích chọn và mua đồ cho người thân từ những thứ nhỏ nhặt như dầu gội, sữa tắm, quần áo, vớ, ví.... Tôi luôn lựa chọn những thứ tốt nhất cho chồng mà không đắn đo nhiều về giá cả vì tôi coi đó là một niềm hạnh phúc.
Kể cả việc chăm con tôi cũng chưa từng tị nạnh với anh. Tôi có thể tan làm ở công ty, tất tả về nhà đi chợ, đón con rồi lại sấp mặt nấu nướng, tắm táp cho con để chồng thoải mái đi đá bóng hay uống bia với các bạn cuối giờ chiều.
Lúc bố mẹ chồng ốm nằm viện thì cũng chỉ mình tôi trông nom, cơm cháo cho ông bà. Kể cả bố mẹ chồng bệnh gì, bệnh thế nào, sở thích là gì... có khi tôi còn nắm rõ hơn chồng mình.
Cuộc sống hi sinh vì gia đình của tôi cứ thế kéo dài suốt 5 năm. Thế nhưng, một ngày tôi chợt nhận ra những hi sinh ấy của mình không hề được ghi nhận, ngược lại chồng còn coi đó là nghĩa vụ và trách nhiệm của tôi.
Ảnh minh họa
Lúc bố tôi bị bệnh, chồng chỉ hỏi thăm qua tôi một cách nhạt nhẽo, bên ngoại có giỗ chạp anh cũng toàn biện lý do để không phải về quê tôi. Có lẽ anh không yêu tôi nên chẳng thể coi những người thân của tôi là người thân của anh được.
Có những lúc tôi ốm, nằm cạnh anh mà anh chẳng biết, đến khi nhờ anh nấu cháo thì anh mới làm. Đôi khi tôi cảm thấy chúng tôi như hai người bạn chung phòng trọ.
Có lẽ tôi sẽ vẫn cố níu giữ cuộc hôn nhân ấy cho đến khi tôi tận mắt chứng kiến anh đút đồ ăn cho cô gái khác trong nhà hàng, thậm chí có những cử chỉ hết sức thân mật mà tôi không còn nhớ nổi bao lâu rồi chồng không âu yếm tôi như thế. Hóa ra, tôi cứ hi sinh một cách mù quáng còn chồng lại vui vẻ bên một người phụ nữ khác.
Sau lần ấy tôi và chồng thường xuyên mâu thuẫn, cãi vã. Có những thứ không bao giờ được nói ra và với tôi có những thứ không được lặp lại quá 3 lần. Tới lần thứ 3 cãi nhau anh nói đến từ ly hôn, tôi biết mình buộc phải chấm dứt cuộc hôn nhân này.
Không chờ đến ngày ra tòa, tôi đã dọn đồ và hai mẹ con rời khỏi nhà. Tôi vẫn nghĩ nếu mình cố gắng vun đắp sẽ được hạnh phúc, nhưng điều đó chỉ như 'dã tràng xe cát' khi một người cố gắng xây còn một người đạp đổ.
Trước lúc rời khỏi nhà tôi đưa lại cho anh chiếc hộp cũ kỹ, trong đó là chiếc nhẫn mỹ ký mà anh tặng tôi hồi yêu nhau. Ngày ấy chúng tôi nghèo lắm nên anh chẳng có tiền mua nổi chiếc nhẫn cầu hôn tôi. Hôm ấy anh mang chiếc nhẫn đến tặng cho tôi, hứa cả đời này sẽ chăm sóc và yêu thương tôi.
Nhận chiếc nhẫn vài ngàn đồng ấy, tôi đồng ý làm vợ anh và cùng anh gây dựng nên ngày hôm nay. Nhưng có lẽ khi có tiền, khi thành đạt rồi anh đã quên hết những gì chúng tôi đã trải qua với nhau.
Anh cầm chiếc hộp trên tay, mặt tái lại nhưng giờ đây tôi cũng không còn quan tâm đến việc anh nghĩ gì nữa. Tôi dắt con và kéo vali đi thẳng, quyết định sống cuộc đời độc lập và tự chủ.