Thử tưởng tượng bạn đang ôn tập cho kỳ thi cam go nhất cuộc đời mình. Đó là trận chiến mà bạn dành cả tuổi thơ để chuẩn bị. Chỉ một câu trả lời sai cũng có thể quyết định cuộc đời bạn thành công hay thất bại.
Máy bay không được phép cất cánh để bạn có thể nghe rõ bài thi Tiếng Anh. Giờ làm được đẩy xuống để cha mẹ có thể đưa bạn đến phòng thi kịp giờ. Thậm chí, cảnh sát sẵn sàng đến đón và hộ tống bạn đến điểm thi trong trường hợp bạn bị muộn.
Bạn bắt đầu học để đi thi từ năm 4 tuổi. Khi lớn hơn, bạn có 15 tiếng/ngày dành cho việc học, bao gồm cả những giờ học thêm phụ đạo bên ngoài.
Đó chính là Kỳ thi đánh giá năng lực đầu vào đại học (CSAT), hay còn được người Hàn Quốc gọi là Suneung. Kỳ thi này không chỉ quyết định thí sinh sẽ vào trường đại học nào, mà còn ảnh hưởng đến cả con đường sự nghiệp, vị thế xã hội và các mối quan hệ tương lai của họ.
Học sinh Hàn Quốc phải học tới 15 tiếng/ngày (Ảnh: Seo Ba-Wool)
Chuẩn bị cho kỳ thi đại học… từ năm 4 tuổi!
Những bài học thông thường trên lớp không đủ để một đứa trẻ chuẩn bị cho kỳ thi CSAT.
Theo một khảo sát năm 2017, hơn 83% số trẻ 5 tuổi và 36% số trẻ 2 tuổi tại Hàn Quốc đã bắt đầu học ngoài giờ ở các trung tâm dạy thêm (hakwon).
Tất cả những điều này đều là để chuẩn bị cho kỳ thi CSAT trong tương lai. Nó giống như bài thi cuối kỳ lớp 12, nhưng khủng khiếp hơn rất nhiều.
'Phụ huynh vẫn nghĩ cuộc đời con cái họ phụ thuộc vào kỳ thi này. Đa phần học sinh cũng có suy nghĩ như vậy', Cho In-ho - một bà mẹ sống tại Seoul - cho biết. Con trai cô sẽ thi đại học vào ngày 3/12.
'Hầu hết mọi người đều cho rằng bài thi này là nền tảng quan trọng để bước chân vào xã hội. Sự thực là phụ huynh nào cũng lo lắng về kỳ thi, như thể đó là chuyện sống còn'.
Kỳ thi CSAT sẽ diễn ra trong 8 tiếng đồng hồ liên tục, được chia thành 6 phần: Tiếng Hàn, Toán, Tiếng Anh, Lịch sử, các môn Xã hội và Ngoại ngữ 2.
Năm nay, có gần 500.000 thí sinh sẽ tham gia kỳ thi CSAT. Tuy nhiên, chỉ một số ít mới đỗ vào các trường đại học danh tiếng - nơi người Hàn Quốc tin rằng sẽ giúp con cái họ đổi đời trong tương lai.
Phụ huynh thắp nến cầu nguyện cho con cái mình thi cử thành công (Ảnh: AP/Ahn Young-Joon)
Cơ hội đổi đời của người trẻ: Đỗ vào các trường thuộc nhóm SKY
Con trai của Cho In-ho năm nay 19 tuổi, tên là Seo Ba-wool. Em đang chuẩn bị thi lại đại học, sau khi không vào được ngôi trường mình mong muốn năm ngoái.
'Thằng bé có ước mơ của riêng mình. Nó thích vật lý và thiên văn học. Tuy nhiên, điểm của thằng bé không đủ cao', người mẹ giải thích.
Ba-wool cũng được nhiều trường đại học khác mời nhập học. Tuy nhiên, đối với học sinh Hàn Quốc, chỉ có 3 nơi đáng để họ phấn đấu: Đại học Quốc gia Seoul, Đại học Korea và Đại học Yonsei.
Những ngôi trường này được gọi tắt là SKY.
Nhiều học sinh tin rằng SKY là con đường duy nhất để họ thực hiện ước mơ. Bởi lẽ, sau này họ sẽ bị xã hội đánh giá thông qua tấm bằng tốt nghiệp.
Khoảng 3/4 số thí sinh sẽ được nhận vào một trường đại học nào đó, nhưng chưa đến 2% trong số đó đỗ vào một trường danh giá thuộc nhóm SKY.
Căng thẳng vì ôn thi và Covid-19
Năm nay, 490.000 học sinh Hàn Quốc đang ôn tập cho kỳ thi lớn nhất đời mình trong bối cảnh dịch Covid-19 hoành hành.
Các trung tâm dạy thêm buộc phải hủy các lớp học trực tiếp. Nhiều học sinh chia sẻ rằng việc học tập bị gián đoạn càng khiến họ thêm căng thẳng, nhất là trong thời khắc quan trọng nhất cuộc đời này.
Chỉ vài ngày trước kỳ thi, Seo Ba-wool phát hiện rằng một người bạn cùng lớp đã mắc Covid-19.
Cậu bé bắt đầu hắt hơi từ cuối tuần trước. Dù Ba-wool đã nhận kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19, khả năng em bị ốm khiến cả nhà vô cùng sợ hãi.
'Tất cả học sinh và phụ huynh đều lo ngại rằng dịch bệnh sẽ làm điểm số kém đi', chị Cho In-ho thừa nhận.
'Dĩ nhiên là chúng tôi lo lắng cho sức khỏe của con cái, nhưng đồng thời tôi cũng lo lắng nhất về kỳ thi'.
Hầu hết những ngày qua, Ba-wool đều ngồi trong nhà để tránh dịch. Em cố gắng ôn bài, hiếm khi giao tiếp với thế giới bên ngoài.
'Đôi khi, tôi nghĩ rằng lẽ ra nên cho con vào trường đại học tuyến dưới từ năm ngoái. Giờ đây, thằng bé cảm thấy bối rối, kiệt sức và không thể tập trung ôn bài', người mẹ nói.
Chị Cho In-ho rất lo lắng cho con trong kỳ thi đại học năm nay (Ảnh: ABC News/Frank Smith)
Tương lai bất định của người trẻ Hàn Quốc
Tháng 4 vừa qua, Hàn Quốc đã tổ chức bầu cử trực tiếp thành công trong bối cảnh dịch bệnh. Các điểm bỏ phiếu được khử trùng; người dân bắt buộc phải đeo khẩu trang và kiểm tra thân nhiệt khi ra ngoài.
Nhờ đó, đất nước này không ghi nhận một ca lây nhiễm nào.
Vì vậy, chính phủ Hàn Quốc tin rằng kỳ thi CSAT năm nay có thể diễn ra một cách an toàn.
'Khoảng nửa triệu thí sinh trên cả nước sẽ tập trung cùng chỗ và ở cạnh nhau suốt cả ngày, do đó rất khó để kiểm soát', ông Lee Hyuk-min - chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Đại học Yonsei - cho biết.
'Chính phủ đã đề ra một số biện pháp, chẳng hạn như giảm số lượng học sinh, yêu cầu các em đeo khẩu trang trong suốt kỳ thi và mở cửa sổ vào giờ nghỉ'.
'Chúng tôi chỉ biết những biện pháp này có hiệu quả hay không sau khi kỳ thi diễn ra', ông nói.
Vào ngày 3/12, các học sinh có triệu chứng mắc Covid-19 sẽ không được miễn thi. Hội đồng thi đã chuẩn bị sẵn phòng riêng dành cho những em bị sốt hoặc ho.
'Học sinh nên bình tĩnh khi làm bài', giáo sư Lee khuyên. 'Giãn cách xã hội rất quan trọng, nhưng cuộc đời của các em sẽ phụ thuộc vào bài thi. Đừng đi thi với một tinh thần sợ hãi'.
Hàn Quốc đã tiến hành bầu cử và tổ chức thi công chức trong đợt dịch Covid-19 mà không ghi nhận ca nhiễm nào (Ảnh: Reuters/Kim Hong-Ji)
Dù vậy, ngay cả khi đã đỗ vào các trường thuộc nhóm SKY, học sinh Hàn Quốc vẫn phải đối diện với vô số khó khăn trước mắt.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia kiểm soát dịch tốt, nhưng nền kinh tế bị thiệt hại nặng nề sẽ khiến các cử nhân tương lai khó khăn hơn trong việc tìm một công việc tốt.
Những phụ huynh như chị Cho biết rằng con cái mình sẽ phải đương đầu với một tương lai đầy bấp bênh.
'Tôi đã thấy nhiều người phải sống chật vật', người mẹ này cho biết. 'Thật khó khăn khi kinh tế cứ lao dốc thế này… Cảm giác như chúng tôi đang ở bên bờ vực thẳm'.
Theo ABC News