Điền Hiểu Phi là một trong những thần đồng nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc, cô được kỳ vọng sẽ làm nên chuyện khi 13 tuổi đã được tuyển thẳng vào đại học. Tuy nhiên, sau khi sang Mỹ du học cô lại không trở về quê hương theo kỳ vọng của nhiều người mà lại có một quyết định gây nhiều tranh cãi đến tận bây giờ.
Điền Hiểu Phi sinh năm 1971 tại Cáp Nhĩ Tân nhưng lớn lên ở Thiên Tân, Trung Quốc. Cô là con gái của một gia đình khá giả. Ngay từ nhỏ, Điền Hiểu Phi đã bộc lộ tài năng thiên bẩm về mặt ngôn ngữ và văn học.
Ngay từ nhỏ Điền Hiểu Phi đã có thiên phú về văn học, cô được tuyển thẳng vào đại học Bắc Kinh khi mới 13 tuổi.
Năm 2 tuổi, Điền Hiểu Phi đã biết đọc viết, 4 tuổi đã làm thơ. Khi học cấp 2, cô sáng tác đến 5 tập thơ và đều được xuất bản. Vì tình yêu đặc biệt với thơ ca, cô đã tham gia cuộc thi sáng tác thơ được tổ chức tại Thiên Tân năm 13 tuổi và giành được vị trí thứ nhất. Điều này cũng giúp nữ sinh 13 tuổi được tuyển thẳng vào Đại học Bắc Kinh.
Năm 16 tuổi, nữ sinh có bài luận xuất sắc với tựa đề 'Cơ hội tuổi 13'. Bài luận sau đó gây tiếng vang và được đưa vào sách giáo khoa cấp 2 để giảng dạy cho học sinh. Đây là một kiệt tác để đời của thần đồng họ Điền.
Tác phẩm năm 16 tuổi của cô thậm chí còn được đưa vào sách giáo khoa để giảng dạy cho học sinh.
Năm 1989, Điền Hiểu Phi chính thức tốt nghiệp Đại học Bắc Kinh khi chỉ mới 18 tuổi. Những năm sau đó, sự nghiệp của cô lên như diều gặp gió. Năm 1991, cô lấy bằng Thạc sỹ Văn học Anh tại Đại học Nebraska California, Mỹ.
Tháng 6 năm 1998, cô lấy bằng tiến sĩ Văn học so sánh tại Đại học Harvard và trở thành sinh viên theo học bậc tiến sĩ trẻ nhất trong lịch sử của ngôi trường danh giá hàng đầu thế giới này. Sau khi tốt nghiệp, cô nộp đơn vào Khoa Đông Á của Đại học Colgate với tư cách là trợ lý giáo sư thỉnh giảng.
Năm 1999, cô là Trợ lý Giáo sư Văn học Cổ điển Trung Quốc tại Đại học Cornell. Tháng 5/2000, Khoa Ngôn ngữ và Văn học Đông Á của Đại học Harvard đã mời cô làm giảng viên tại Khoa Đông Á. Tháng 7/2005, cô là phó giáo sư tại Đại học Harvard. Đến tháng 9/2006, Điền Hiểu Phi khi đó mới 35 tuổi đã chính thức trở thành giáo sư tại Đại học Harvard. Đây là một thành tích phi phàm, không phải ai cũng có thể đạt được. Điền Hiểu Phi vì thế mà trở thành thần tượng của thanh thiếu niên Trung Quốc, được báo chí ca ngợi hết lời.
Điền Hiểu Phi còn đạt hàng loạt các thành tích giáo dục đáng nể ở Mỹ, 35 tuổi đã là giáo sư của ĐH Harvard.
Khi còn học tại Đại học Bắc Kinh, Điền Hiểu Phi đã được nhà trường vô cùng ưu ái và kỳ vọng. Sau khi Điền sang Mỹ học tập, người dân Trung Quốc đều ngóng trông và dõi theo từng tin tức của cô. Ai nấy đều mong mỏi tài năng trẻ này sau khi tốt nghiệp sẽ quay trở về quê hương để xây dựng đất nước, đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng và phát triển nền giáo dục của nước nhà.
Tuy nhiên, Điền Hiểu Phi lại có một quyết định không tưởng khiến nhiều người thất vọng. Năm 28 tuổi, khi đang còn học ở Harvard, cô chính thức kết hôn với thầy giáo, cố vấn của mình - Giáo sư Stephen Owen. Vào thời điểm hai người kết hôn, Owen đã 53 tuổi, hơn Điền Hiểu Phi đến 25 tuổi.
Chênh lệch tuổi tác khiến chuyện tình của nữ thần đồng Trung Quốc gặp ý kiến trái chiều. Cha mẹ của cô kịch liệt phản đối. Theo Sina, người phụ nữ này từng chia sẻ bà không nhớ đã dùng cách gì để thuyết phục phụ huynh. Đến cuối cùng, năm 1999, cô Điền kết hôn với Stephen Owen.
Quyết định kết hôn với thầy giáo hơn 25 tuổi của cô vấp phải nhiều tranh cãi dữ dội.
Sau khi kết hôn, Điền Hiểu Phi tiếp tục theo đuổi con đường nghiên cứu Hán học và văn hóa thời Đường cùng chồng. Cô cũng hỗ trợ chồng trong công việc nghiên cứu, giúp ông hoàn thành nhiều chuyên khảo có giá trị, nhận một số giải thưởng danh giá.
Chia sẻ về tình yêu, Điền Hiểu Phi cho hay chồng của mình là giáo sư nổi tiếng chuyên về phân tích thơ cổ Trung Quốc, giảng dạy tại Đại học Harvard. Chính điều đó đã giúp họ đến gần nhau, thấu hiểu và đi đến quyết định kết hôn.
Vượt qua định kiến của xã hội cô vẫn chứng minh được năng lực của bản thân khi trở thành giáo sư của đại học danh giá bậc nhất thế giới.
Với cô, Stephen còn là người thầy, người bạn tri kỷ. Điều đó giúp cô vượt qua nhiều định kiến và phản đối từ xã hội, can đảm theo đuổi tình yêu và cuộc sống tự do của mình. Sau khi kết hôn, cô nhập quốc tịch Mỹ. Ai nấy đều thất vọng với quyết định của thần đồng. Cho đến hiện tại, người dân Trung Quốc thi thoảng vẫn tạo một cuộc thăm dò trên mạng xã hội Weibo với chủ đề: 'Bạn nghĩ sao về Điền Hiểu Phi?' và nhận nhiều ý kiến trái chiều.
Cô cũng dành nhiều lời nhận xét có cánh về người bạn đời của mình.
Về phía Điền Hiểu Phi, cô nghĩ rằng bất kỳ ai cũng đều mong muốn được sống trong một môi trường có điều kiện phát triển tốt và việc cô ở lại Mỹ không thể nói rằng đó là không yêu quê hương.