Những đứa trẻ mất đi thời gian tuổi thơ - vốn là vừa học vừa chơi, khám phá thế giới - để lao theo 'cơn khát thần đồng' của cha mẹ. Chưa rõ tương lai của các em sẽ ra sao, nhưng điều chắc chắn rằng, đứa trẻ này cũng không vui vẻ với những áp lực phải trở thành thiên tài.
Trở thành thần đồng cờ vây nhờ trí tuệ nhân tạo
Ngày 20/11, Hiệp hội Cờ vây Hàn Quốc quyết định đình chỉ thi đấu một năm đối với Kim Eun-ji, người trước đó được tung hô là 'thần đồng cờ vây' 13 tuổi.
Trong cuộc thi cờ vây trực tuyến ORO National Game ngày 29/9, Eun-ji đã đánh bại kỳ thủ hàng đầu quốc gia, Lee Young-gu. Tuy nhiên, một người hâm mộ cờ vây đã phân tích thế trận của cuộc đấu và phát hiện các nước đi của Eun-ji trùng khớp với gợi ý của AI (trí tuệ nhân tạo) tới 92%.
Eun-ji thừa nhận sử dụng AI để gian lận.
Điều này làm dấy lên nghi ngờ Eun-ji gian lận, vì cuộc thi được tổ chức trực tuyến, người chơi có thể sử dụng phần mềm chơi cờ vây, mô phỏng trận đấu thật. Huấn luyện viên của đội tuyển cờ vây quốc gia Hàn Quốc đã phỏng vấn Eun-gi và mời các công ty về AI trong và ngoài nước phân tích trận đấu. Cuối cùng, Eun-ji thừa nhận sử dụng AI để gian lận.
Nữ sinh 13 tuổi gửi thư xin lỗi đối thủ về hành động của mình. Tuy nhiên, nhiều người bày tỏ cảm giác sốc khi biết sự thật này, lên án hành vi của Kim.
Sự thật ngã ngửa về thiên tài nhí nghiên cứu ung thư
Tháng 7, một thí sinh tiểu học giành giải cho nghiên cứu di truyền về ung thư đại trực tràng tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc (CASTIC).
Ngay lập tức, dư luận ca ngợi cậu bé là thần đồng, thiên tài nhí. Tuy nhiên, sự thật đã bị phát hiện. Ban tổ chức CASTIC phát hiện cậu không thể tự mình thực hiện nghiên cứu vì hiểu biết về di truyền học vẫn còn hạn chế.
Người đứng sau giúp đỡ thí sinh này hoàn thành các nghiên cứu mang tính đột phá chính là cha của em, vốn là chuyên gia về u và tế bào gốc tại Viện Động vật học Côn Minh. Sau đó, ông cũng thừa nhận đã giúp đỡ con trai thực hiện nghiên cứu và gửi thư công khai để xin lỗi.
'Tôi đã không tuân thủ chỉ dẫn của cuộc thi rằng công trình nghiên cứu phải do tác giả tự thực hiện và đã tham gia quá nhiều vào quá trình trên', người cha viết. Người cha đã đề nghị được thông cảm và thấu hiểu, nhấn mạnh rằng con trai ông đã bị tổn thương 'vì áp lực tâm lý cực lớn'.
Uỷ ban cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Thanh thiếu niên Trung Quốc đã thu hồi giải ba được trao tặng cho thí sinh nói trên.
Thần đồng 16 tuổi sáng tác một bài thơ trong 40 giây thật ra là lừa đảo
Mới 16 tuổi, cô gái đến từ Chiết Giang, Trung Quốc, khiến không ít người tò mò và ngưỡng mộ. Tuy nhiên, đằng sau những thổi phồng của truyền thông là hệ thống hoạt động đào tạo, bán khóa học trái phép, có dấu hiệu lừa đảo của gia đình Cen.
Theo Sina, bảng thành tích của Cen được truyền thông ra bên ngoài đều rất đáng ngưỡng mộ. Xuất bản 3 cuốn sách, có thể viết 300 bài hát, sáng tác 2.000 bài thơ và 15.000 từ tiểu thuyết mỗi ngày, đó là những gì Cen tự giới thiệu về bản thân.
Cụ thể, Cen có thể sáng tác một bài thơ trong 40 giây và không ngủ trong 24 giờ. Ngoài viết thơ đến xuất bản sách, Cen còn giành nhiều giải vô địch, á quân trong các cuộc thi.
Sina cho hay, cô bé đứng lớp giảng dạy cho hàng nghìn người lớn tuổi về kỹ năng bán hàng, truyền cảm hứng hay cách khai phá trí thông minh thiên bẩm trong trẻ em.
The Paper điều tra và nhận thấy những lời quảng cáo về Cen trên mạng xã hội chỉ là sự thổi phồng. Thực tế, 3 cuốn sách mà Cen xuất bản cùng hàng nghìn bài thơ mà cô bé viết đều do gia đình tự in ấn, đem tặng người thân, bạn bè. Cha của Cen - Cen Gangcan - trả lời phỏng vấn rằng các bài giảng của con gái đều được chuyên gia tư vấn. Trong các video chia sẻ trên mạng xã hội, Cen cũng cho biết giáo viên tên Ji Jianjing góp phần thay đổi cuộc đời cô.
Cent đứng lớp giảng dạy cho hàng nghìn người lớn tuổi.
Trên mạng xã hội, Cen và các bài giới thiệu, bán hàng khóa học bị nhiều người dùng tấn công, chỉ trích là kẻ lừa đảo. Làn sóng tẩy chay, tìm cách bóc trần sự thật sau cô gái 16 tuổi gán mác thần đồng vẫn diễn ra. Cô gái bị khủng hoảng vì trở thành tâm điểm lên án từ nhiều người.
Trên thực tế, không phải đứa trẻ nào sinh ra cũng có tố chất là thiên tài. Điều đáng lo ngại là hiện nay, số trẻ bốn, năm tuổi đến khám bệnh tâm lý vì cha mẹ ép học, muốn 'nhào nặn' con thành người đặc biệt trong tương lai đang ngày càng tăng.
Nhiều em từ nhỏ được phong là 'thần đồng' khi lớn lên cũng không khá hơn những người cùng độ tuổi. Chính 'danh hiệu' đó đã khiến nhiều em do phải chịu áp lực và cách giáo dục sai lệch nên rơi vào trầm cảm, tự ti trong giao tiếp. Không ít thiên tài, thần đồng mong muốn được sống là người bình thường.