Việc học sinh mắc lỗi là chuyện bình thường trong quãng đời đi học, dù ở bất kì thời đại nào. Khi đó, một bản kiểm điểm, một buổi nhắc nhở riêng tư... sẽ giúp trẻ ý thức được cái chưa đúng, giúp các em tiến bộ, hơn là tập trung xem xét trẻ đã sai ra sao và cần chịu hình phạt tương ứng như thế nào.
Không thể nhìn vào bề nổi của hành vi mà đánh giá trẻ. Lỗi lầm của học sinh là cơ hội để giáo dục các em thay đổi hành vi, hoàn thiện bản thân chứ không phải trừng phạt để thỏa mãn cảm xúc tức giận của giáo viên.
Thế nhưng, những hình phạt phản tác dụng, vô lý và xúc phạm đến quyền và danh dự của trẻ em lại vẫn còn tồn tại trong xã hội hiện đại. Có thể không phải là số đông, nhưng vẫn phổ biến.
Hình phạt bêu gương, phê bình trước toàn trường
Vụ việc em N.T.N.Y (học lớp 10A4) Trường THPT Vĩnh Xương, An Giang lấy cái chết để phản đối cách xử lý của nhà trường gây xôn xao những ngày gần đây khiến nhiều người băn khoăn về hình thức xử lý học sinh vi phạm hiện nay.
Em N.T.N.Y lấy cái chết để phản đối cách xử lý của nhà trường.
Theo phản ánh của gia đình, nguyên nhân Y tự tử xuất phát từ việc nhà trường tổ chức học phụ đạo có thu phí, nhưng Y lại không tham gia hết các môn học. Bên cạnh đó, trong lớp, giáo viên bộ môn cũng cho rằng em mặc áo dài mỏng, lộ 'nội y' và có lời nói làm nhiều bạn trong lớp chú ý khiến Y ngại ngùng. Đặc biệt, nhà trường cũng đã mời gia đình đến trường làm việc, yêu cầu Y phải viết bản kiểm điểm và bêu tên Y trước toàn trường trong buổi chào cờ, khiến nữ sinh cảm thấy oan ức, xấu hổ.
Trường xử lý Y. phải viết kiểm điểm và thực hiện cấm túc hằng ngày trong vòng 2 tuần kể từ ngày 1/12 đến ngày 12/12. Trong quyết định, hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Xương còn yêu cầu nữ sinh Y. phải có mặt tại trường từ 6h30 đến 6h50 từ thứ 2 đến thứ 7 để các cô luân phiên dạy quy tắc ứng xử đạo đức và tham gia lao động tại trường…
Đánh học sinh tím đùi
Cô giáo lớp 3 trường Tiểu học Nguyễn Du, TP Buôn Ma Thuột, bị kỷ luật khiển trách sau khi dùng thước gỗ đánh học trò 15 cái, bầm tím đùi.
Bé lớp 3 bị đánh bầm tím đùi khi quên mang đồ dùng học tập.
Sáng 6/10/2020, trong giờ toán, bé gái không mang theo đồ dùng học tập. Khi cô giáo chủ nhiệm gọi lên bảng làm bài, bé làm không tốt nên bị đánh bằng thước gỗ 15 cái vào đùi gây bầm tím mảng rộng 15cm, dài 30cm.
Bắt học sinh uống nước lau bảng
Một học sinh lớp 3, trường Tiểu học An Đồng (Hải Phòng) nói chuyện trong lớp đã bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng. Nữ giáo viên này từng tốt nghiệp Dại học Kinh tế và có văn bằng 2 hệ đại học sư phạm tiểu học, đồng thời là con gái của một lãnh đạo ngành giáo dục cấp huyện. Cô giáo này sau đó bị chấm dứt hợp đồng, ra khỏi ngành giáo dục.
Học sinh lớp 3 bị cô giáo phạt bằng cách bắt uống nước giẻ lau bảng.
7 năm trước, ở Trường Tiểu học Liên Minh Công Nông (Củ Chi, TP.HCM), khi quay lên bảng viết bài thì lại nghe dưới lớp có tiếng ồn ào, một nữ giáo viên dọa sẽ quẹt giẻ lau bảng vào miệng học sinh nào nói chuyện riêng. Nữ giáo viên nhắc nhiều lần nhưng không có tác dụng nên sau đó bắt 11 học sinh chuyền nhau chiếc giẻ lau bảng để ngậm.
Cho bạn cùng lớp tát học sinh... 230 cái vào má
Sự việc nghiêm trọng xảy ra tại Trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc.
Theo đó, khi phát hiện học sinh của mình nói tục, cô giáo chủ nhiệm của em N đã yêu cầu tất cả học sinh trong lớp tát em này mỗi người 10 cái. Lãnh đủ 231 cái tát từ các bạn và cô chủ nhiệm, em N đã phải nhập viện điều trị. Vụ việc từng gây xôn xao năm 2018.
Sau khi bị cô giáo chủ nhiệm và cả lớp tát vào mặt, em N phải nhập viện điều trị.
'Cô bắt các bạn phải tát thật mạnh, nếu tát nhẹ là cô bắt đánh lại. Cháu đau quá cựa quậy thì cô bắt đứng yên. Bị các bạn đánh đau quá, cháu nói 'em ghét cô', nên cô Thủy đã tát em một cái nữa'- em N kể lại.
Cũng theo em N, lớp 6.2 có 26 học sinh, chiều đó có 3 bạn quên sách vở phải về lấy, nên học sinh này bị 23 bạn và cô chủ nhiệm tát tất cả 231 cái.
Súc miệng bằng xà phòng
Ngày 3/10/2015, trong tiết sinh hoạt cuối tuần, giáo viên chủ nhiệm lớp 6C trường THCS Nhân Đạo (Sông Lô, Vĩnh Phúc) đã phạt 7 học sinh súc miệng bằng nước xà phòng loãng vì nói tục. Việc này thực hiện theo nội quy lớp học được cô giáo đề ra trước đó cho những em vi phạm nội quy nhiều lần.
Vụ việc gây bức xúc dư luận bởi hình thức xử phạt này phản khoa học, có hại cho sức khỏe học sinh. Lãnh đạo trường THCS Nhân Đạo và Phòng Giáo dục Sông Lô lại cho rằng 'vấn đề không có gì nặng nề lắm', do cô giáo còn trẻ chưa có kinh nghiệm sư phạm, trong khi lớp 6C tập trung nhiều học sinh cá biệt, thành tích luôn xếp hạng cuối toàn trường.
Phạt học sinh ăn ớt
Năm 2014, ba giáo viên ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu (huyện Bù Gia Mập, Bình Phước) đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp. Nhiều học sinh bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục.
Dọa nhúng đầu học sinh vào... bồn cầu
Một hình phạt khác phản giáo dục không kém là của cô giáo P. (Nghi Lộc, Nghệ An) vào 8 năm trước. Vì học sinh không thuộc bài, cô giáo này đã dọa sẽ nhúng đầu các em vào bồn cầu, thùng nước trong nhà vệ sinh.
Thấy thùng nước trong nhà vệ sinh quá bẩn, nên em Nguyễn Đình Hiếu (bị phạt do không thuộc bài cũ) tự lấy nước sôi đổ lên đầu cho ướt. Các bạn khác trèo lên bể nước trên nhà vệ sinh để nhúng đầu vào.
Cô giáo không nói trên lớp suốt 1 học kỳ
Ngày 23/3/2018, trong buổi đối thoại giữa lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM với học sinh tiêu biểu của TP.HCM, em Phạm Song Toàn - bí thư đoàn Trường THPT Long Thới, học sinh lớp 11A1, đã phản ánh cô giáo dạy toán tên Trần Thị Minh Châu khi lên lớp chỉ viết bài chứ không giảng bài.
Nữ sinh khóc, kể về câu chuyện của lớp mình và giáo viên dạy Toán.
Theo đó, các học sinh phải tự học, tự làm bài và rất sợ cô. Mặc dù các em đã cầu cứu đến giáo viên chủ nhiệm nhưng mọi cố gắng đều không có kết quả. Sau đó, cô Châu có thừa nhận có hành vi trên, và cho biết mình không giảng bài vì nghe đồn có học sinh trong lớp 11A1 sẽ đặt máy ghi âm lời giảng của cô.
Được biết, năm 2012 cô Châu đã từng bị kỷ luật cảnh cáo khi có những vi phạm trong cách hành xử với học sinh ở Trường THPT Nguyễn Hữu Thọ. Sau đó, cô được chuyển về trường Long Thới theo nguyện vọng.
Bắt học sinh liếm ghế
Nhiều người vẫn chưa quên hình phạt bắt 47 học sinh phải liếm ghế của một cô giáo Tiếng Anh ở Trường THCS Hoa Liên (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) 17 năm trước. Chỉ vì không tìm ra học sinh nào vẽ bẩn lên ghế giáo viên và hai bàn đầu của lớp học, nữ giáo viên bắt toàn bộ học sinh thay nhau liếm ghế cho sạch. Cô giáo này sau đó bị kỷ luật với hình thức chuyển xuống làm văn thư hành chính.
Đừng nhầm lẫn kỷ luật và trừng phạt
Trên thực tế, giáo viên không ai không ý thức việc sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể trẻ em là không nên làm và không có tác dụng giáo dục. Thế nhưng họ vẫn thực hiện với trạng thái không kiềm chế và thiếu hiểu biết về tâm lý.
Sử dụng biện pháp trừng phạt thân thể có tác dụng trong thời gian trước mắt, trẻ sẽ ngưng sai phạm lúc đó nhưng lặp lại vào lúc khác. Hành động này sẽ phát triển ở trẻ thái độ thù nghịch, trẻ ngộ nhận cứ sử dụng bạo lực là hiệu quả, nó phản lại quá trình phát triển về mặt đạo đức... Lâu dài, bản thân đứa trẻ cũng chai lì với đòn roi, thanh thiếu niên trở nên hung tợn và hiếu chiến hơn.
Ở độ tuổi này, hầu như các em đều rất ngang bướng. Khi dạy dỗ, thầy cô không phải lúc nào cũng ngon ngọt, có khi cũng la mắng nhưng học sinh sẽ không phản ứng khi chúng thấy đây là sự la rầy như người cha, người mẹ. Thầy cô cũng không được dùng lời lẽ không phù hợp trong nhà trường. Với từng sự việc cụ thể, phải mời các em ra ngoài lớp nói chuyện riêng, gợi cho các em nói thật. Dù ngang bướng đến đâu, khi thấy mình yêu thương thật lòng, học sinh sẽ bộc bạch ra hết suy nghĩ.
Chắc hẳn nhiều người đã đọc câu chuyện thầy giáo bịt mắt cả lớp (bản thân thầy cũng bịt mắt) để lục soát học sinh, tìm ra chiếc đồng hồ trả lại cho trò bị mất, cậu học trò thủ phạm tâm phục khẩu phục tấm lòng người thầy... Đây là cả một câu chuyện nhân văn.
Đổi mới trong giáo dục, đổi mới trong phê bình - kỷ luật học sinh cần được triển khai kịp thời, không thể cứng nhắc hoặc áp đặt như cũ mãi. Học trò mong muốn suy nghĩ, cảm xúc và nhu cầu của bản thân được tôn trọng. Những nhà sư phạm lẽ ra phải hiểu hơn ai hết điều này.