Giá sách giáo khoa liên tục biến động qua các năm. Ảnh: Mai Thương
Nguồn lợi lớn
Tháng 6/2021, một đường dây sản xuất và tiêu thụ sách giáo khoa (SGK) lậu lớn nhất từ trước tới nay bị Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03, Bộ Công an) phối hợp với Bộ tư lệnh Cảnh sát cơ động, Công an TP Hà Nội phát hiện và triệt phá.
Công ty cổ phần In và văn hóa truyền thông Hà Nội, Công ty TNHH sản xuất và thương mại Phú Hưng Phát (Hà Nội) đã tiêu thụ tới 3,2 triệu cuốn sách giáo khoa giả (giả luôn cả… tem chống giả) qua một số nhà sách tại Hà Nội và các tỉnh miền Bắc như Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên, Phú Thọ, Nghệ An, Hà Tĩnh… Lợi nhuận thu được từ số sách giả này lên tới 50 tỉ đồng.
Khám xét một xưởng in sách giáo khoa lậu tại Hà Nội. Ảnh: Vietnamplus
3,2 triệu cuốn sách mà lãi 50 tỉ, tức là trung bình mỗi đầu sách lậu lãi khoảng 16.000 đồng. Cùng loại giấy, cùng chi phí in ấn (thậm chí còn đắt hơn vì sản xuất với số lượng ít hơn sách thật rất nhiều), và đương nhiên phải chi hoa hồng cho các đại lý, thế mà sách giáo khoa lậu vẫn lãi đến thế. Là vì sách giáo khoa lúc nào chả bán chạy, riêng nhà xuất bản (NXB) Giáo Dục mỗi năm đã in hơn trăm triệu bản sách, doanh thu nghìn tỉ.
Mở rộng điều tra vụ việc, C03 khởi tố 12 bị can về các tội 'Sản xuất, buôn bán hàng giả', 'Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ' và 'Môi giới hối lộ', có nhiều người trong số đó là cán bộ quản lý thị trường
Nhưng con số đó thì đáng gì so với tổng mức đầu tư khoảng 300.000 (ba trăm nghìn) tỉ đồng mỗi năm cho ngành giáo dục? Nói thẳng ra, tại sao năm nào câu chuyện sách giáo khoa (cả về nội dung lẫn giá thành) cũng loay hoay và gây tranh luận từ công luận tới nghị trường? Hay là bởi, dù chưa đến 1% tổng chi ngân sách cho giáo dục, nhưng giá trị của những “vụ” sách giáo khoa mỗi năm vẫn là hàng nghìn tỷ - nhỏ với ngành, nhưng là cực lớn với những cá nhân.
Nhìn lại quá trình, ngày 14/4/2014, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo trình Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông ra Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với khái toán kinh phí 34 nghìn tỷ đồng.
Cựu Bộ trưởng Phạm Vũ Luận trả lời phỏng vấn VTV về Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa ngày 20/4/2014.
Dư luận phản đối dữ dội. Chỉ 6 ngày sau, 20/4/2014, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận bày tỏ bản thân ông cũng thấy đó là khoản chi phi lý và lãng phí. Việc đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo (Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển) nêu con số này trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội là “sai sót, sơ suất rất đáng tiếc”.
Cuối năm 2014 Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Chính phủ vay Ngân hàng Thế giới 77 triệu USD, đối ứng 3 triệu USD (tổng cộng gần 1800 tỷ đồng).
Dẫu vậy, tháng 11/2014, Quốc hội thông qua Nghị quyết về đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông, cho phép xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa. Bắt đầu từ tháng 12/2019, Cánh Diều là bộ sách giáo khoa đầu tiên tại Việt Nam sau năm 1975 có sự tham gia của tư nhân, được Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sử dụng trong nhà trường.
Bộ SGK Cánh Diều được phép xuất bản năm 2019.
Giá tăng hợp lý?
Về lý thuyết, có tới 4 đơn vị được cấp phép xuất bản sách giáo khoa và các địa phương, thậm chí từng trường học, được chủ động lựa chọn bộ sách đưa vào giảng dạy từng năm. Nhưng sự đa dạng về nội dung ấy chưa hề điều chỉnh được cán cân, sách giáo khoa của NXB Giáo Dục vẫn chiếm đại đa số thị phần và giá thì tăng mạnh.
Năm 2020, khi sách giáo khoa mới lần đầu được đưa vào sử dụng (đối với lớp 1), việc giá sách tăng cao gần gấp hai lần so với bộ cũ cũng gây ra nhiều tranh luận. Khi đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản gửi Quốc hội, nêu ra các nguyên nhân như sách nhiều trang hơn, khổ rộng hơn cũ; nhiều hình ảnh minh hoạ đòi hỏi giấy in, mực in phải tốt hơn.
Năm học 2022 này giá sách lại tăng. Đơn cử, một bộ sách lớp 3 hiện tại giá 58.000 đồng, trong khi bộ mới có giá từ 177.000 đến 183.000 đồng, cao hơn ba lần (mức này của bộ mới chưa bao gồm sách Tiếng Anh - cuốn thường đắt nhất).
Trước Quốc hội, lý do được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra giải thích cơ bản vẫn giống người tiền nhiệm. 'So sánh với sách cũ thì thấy khác nhau, nhưng so với sách chương trình mới thì đồng đẳng, hợp lý hơn. Nếu so giá sách mới với các bộ sách cũ được Nhà nước tổ chức trước đây để nói SGK tăng giá thì không tương đồng', Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu quan điểm.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn giải thích về giá sách giáo khoa mới tại phiên họp tổ Quốc hội. Ảnh: Báo Công thương
Nhưng phần mà Bộ trưởng không nhắc tới, là sao sách giáo khoa vẫn mỗi năm mỗi khác, học sinh lứa sau không thể dùng lại sách của lứa trước. Và sự cải cách SGK 2 năm học qua đã mang lại kết quả thế nào về chất lượng đào tạo, khi mà đã tiêu tốn hàng nghìn tỉ đồng ngân sách?
Nhưng thực sự có nhất thiết phải bán SGK?
Thảo luận tại Quốc hội ngày 23/5/2022, đại biểu Nguyễn Anh Trí (nguyên Viện trưởng Huyết học truyền máu Trung ương), nói SGK không được dùng lại, hàng năm xã hội tốn thêm hàng nghìn tỷ đồng để mua sách mới, gây khó khăn cho gia đình có con đi học, đặc biệt là hộ nghèo. Đó là một vấn đề không mới, không phải lần đầu tiên được đặt ra trước Quốc hội, nhưng cho đến lúc này thì vẫn là một câu hỏi.
Cũng trong phiên thảo luận này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy tán thành giám sát tối cao vấn đề đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông. Theo lộ trình, năm học 2024-2025 sẽ hoàn thành đổi mới toàn bộ chương trình sách giáo khoa phổ thông. Quốc hội giám sát tối cao vào thời điểm này sẽ đánh giá được đầy đủ, chỉ ra ưu điểm, khuyết điểm khi thực hiện; từ đó có chỉ đạo định hướng tiếp tục đổi mới những năm tiếp theo. Thông tư của Bộ về lựa chọn sách giáo khoa còn bất cập, dẫn đến bỏ qua quyền lựa chọn dân chủ của cơ sở giáo dục. 'Vai trò của Bộ ra sao trong lựa chọn sách giáo khoa, để đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch, không ảnh hưởng xấu đến chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa? Liệu có những vụ Việt Á trong lựa chọn sách giáo khoa hay không', bà Thúy bày tỏ trăn trở.
Nhìn chung sách giáo khoa ở Mỹ chỉ chiếm khoảng 15-20% lượng tài liệu. Giáo viên không hoàn toàn phụ thuộc vào sách giáo khoa. Phụ huynh muốn tự dạy cho con học, thì chỉ cần có khung chương trình những khái niệm căn bản của từng lớp, dựa vào đấy là có thể tìm nguồn tài liệu trên Internet học theo, không cần đến sách giáo khoa. Ảnh: AP
Rất nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã thực hiện xã hội hóa xuất bản SGK từ lâu, nhưng cái thu lại được là sự hoàn thiện nội dung và tránh được lãng phí. Chị Thu Hồng, một giáo viên đang dạy bậc tiểu học ở Mỹ chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam. Tại Mỹ, ở bậc học phổ thông các em không phải mua sách giáo khoa, trường mua cho từng học sinh. Bộ sách học chia làm 2: SGK các em chỉ dùng tại trường, sách in bài tập (có loại còn xé rời được từng trang) thì mang về nhà. Đến cuối năm học, SGK được giữ lại cho học sinh khóa sau.
Sách giáo khoa chỉ là phần nhỏ của chương trình học, chỉ như khung xương sườn và như nguồn tham khảo dựa vào đó để giáo viên dạy. Cụ thể như sau: 1. Giáo viên dựa vào khung chương trình (curriculum map) và sách giáo khoa để có cái nhìn tổng thể và chi tiết khi soạn bài. 2. Dạy những khái niệm (concepts) và kỹ năng (skills) chứ không dạy y hệt theo bài trong sách giáo khoa. 3. Sách giáo khoa thường để ở một góc trong lớp, khi nào cần mới dùng đến. Nhiều khi cả tháng chẳng dùng đến sách giáo khoa.
Câu chuyện SGK ở Mỹ có 2 điểm mấu chốt. Thứ nhất, là phải trên cơ sở phổ cập sử dụng thiết bị và kỹ năng truy cập internet. Thứ hai, là dù xã hội hóa về SGK hay chương trình học ở đầu vào, nhưng ngành giáo dục thống nhất về đánh giá trình độ ở đầu ra. Suốt 2 năm dịch Covid-19 hoành hành, hàng triệu học sinh cả nước đã quen với việc học online.
Học sinh vùng cao học online trong thời gian giãn cách vì dịch Covid-19. Ảnh: UNICEF
Từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa, dù có điều kiện hay thiếu thốn thì cơ bản học sinh đã có 2 điều kiện cơ bản để học online: thiết bị và kỹ năng sử dụng. Bây giờ, khi dịch đã bị đẩy lùi, học sinh đến trường trở lại, thì không nên dễ dàng vứt bỏ những thành quả ứng dụng công nghệ mà ngành giáo dục đã có được nhờ tình thế thúc ép.
Theo chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, từ khi sách chưa phát hành, các NXB đã phải cung cấp bản PDF trên trang web, học sinh có thể tải xuống thuận tiện. Cũng không có quy định nào rằng học sinh phải mua sách giấy, thay vì sử dụng sách điện tử. Như vậy rõ ràng hàng nghìn tỉ đồng (chủ yếu từ túi tiền phụ huynh) hàng năm chi cho SGK sẽ được tiết kiệm.
Sách giáo khoa bản PDF có thể tải được dễ dàng từ Internet.
Quan trọng hơn, nếu SGK điện tử được Bộ GD&ĐT nâng cấp để trở thành ứng dụng đa tương tác, thay vì chỉ đơn thuần là đọc nội dung, thì học sinh và cả giáo viên sẽ còn được thụ hưởng chất lượng giáo dục tốt hơn nữa. Đó là cơ hội lớn, và chỉ cần một phần kinh phí mua SGK giấy hàng năm cũng đủ nghiên cứu thực hiện.
Sách giáo khoa là cái lõi của giáo dục, hay kiến thức là cái lõi của giáo dục? Kiến thức là những gì đọc chép, hay kiến thức đến từ phương pháp tiếp cận kho báu tri thức của toàn nhân loại? Có cách tiếp cận đúng, thì câu chuyện sách giáo khoa mới đi đến đoạn ổn định, và phát triển (chứ không phải cứ liên thay đổi và xáo trộn là phát triển).
Dẫu sao, lần đầu tiên, Việt Nam triển khai 'một chương trình, nhiều sách giáo khoa'. Năm 2021, chương trình triển khai với lớp 2 và 6, sau đó là ba lớp 3, 7, 10 (năm 2022), 4, 8 và 11 (2023), cuối cùng là 5, 9, 12 (2024).