Em và Trịnh là tác phẩm điện ảnh được chờ đón trong năm 2022 của Việt Nam với kinh phí 50 tỷ đồng cùng dàn diễn viên nhiều thế hệ. Phim nhận được nhiều lời khen về âm nhạc và hình ảnh. Nhưng đồng thời, tác phẩm cũng bị nhiều lời chê từ người xem như lời chê về kịch bản, chất giọng miền Trung 'giả trân' cùng diễn xuất chưa hoàn toàn thuyết phục của các diễn viên.
Người nhận được nhiều lời khen về kĩ năng nhập vai nhất là Bùi Lan Hương với Lệ Mai/ Khánh Ly. Các đạo diễn nổi tiếng, với tầm nhìn trong nghề, đã có dành nhiều câu từ 'có cánh' cho ca sĩ sinh năm 1988.
Đạo diễn Charlie Nguyễn viết: 'Khánh Ly là nhân vật làm mình say sưa trong Em và Trịnh. Lâu lắm rồi mới có cảm giác này từ một bộ phim. Nhạc Trịnh và cảm xúc ngập tràn của tình yêu… Đừng bỏ qua bộ phim này vì cơ hội để mình cùng một lúc trải nghiệm dào dạt hai điều này không tìm lại được ở nơi nào khác đâu…'.
Bùi Lan Hương nhận nhiều lới khen từ các nhà làm phim với vai Lệ Mai/ Khánh Ly.
Dạo diễn Bảo Nhân viết: 'Mình cũng thích Lệ Mai. Em diễn như không, như một diễn viên có bề dày kinh nghiệm diễn xuất. Ngoại trừ giọng nói đã là signature khó đổi của em còn lại mọi thứ em làm tốt. Em có đôi mắt như chứa cả một thùng đầy cảm xúc bên trong. Em là ca sĩ đóng phim duy nhất mà khán giả không lợn cợn kiểu á cô này đang đóng phim! Em nghiêm túc và có suy nghĩ rõ ràng cho vai diễn của mình!'.
Có đạo diễn chưa hài lòng về âm nhạc và kĩ thuật dựng phim.
Đạo diễn Lê Thanh Sơn viết: 'Dù thấy có sự cố gắng, nhưng xử lý âm nhạc và không gian âm nhạc theo mình là còn thiếu chút xíu tự nhiên, nghệ nghệ, mộc mộc, dây guitar phô với âm thanh đàn gỗ rất đặc trưng ngày đó'.
Đạo diễn Nam Cito viết: 'Phim lạm dụng slow motion quá nhiều, màu phim không đẹp, nhiều cảnh bị bệt, bị choé. Phim có vài chi tiết chưa được logic hay xây chưa đủ (có lẽ do bị cắt nhiều), tuy nhiên bù lại cũng cài cắm khá nhiều điều thú vị mà có lẽ vì vài lý do không thể 'nói toạc' ra. Ngoài ra, phim cũng có vài đoạn hài hài vui vui nên dù phim dài nhưng vẫn khá cuốn. Cái kết thì hơi đột ngột như kiểu thôi phim dài quá rồi, kết thôi hoặc cũng do bản dựng muốn giấu luôn 'nàng thơ cuối' nên cảm giác chưa được trọn vẹn…'.
Trên mạng xã hội, nhiều người xem tỏ ra chán nản vì phim lan man, dàn trải, không khác gì MV ca nhạc chắp vá. Nội dung cũng thiếu chiều sâu, sức nặng bất kể đã lồng ghép nhiều thước phim tư liệu về chiến tranh. Tuyến nhân vật phụ xây dựng hời hợt, thiếu tương tác mạnh mẽ. Chưa kể, chân dung của Trịnh Công Sơn có sự khác biệt và chênh lệch lớn so với nguyên mẫu.
Tài khoản Lê Minh Mẫn viết: 'Điện ảnh là nghệ thuật kể chuyện, chứ không phải là bộ sưu tập postcard có âm thanh. Kịch bản quá lan man. Lẽ ra đạo diễn chỉ nên tập trung vào tình tay ba giữa Trịnh thời trẻ, Dao Ánh và Khánh Ly. Hư cấu một chút cũng được. Hãy để họ có thêm kỷ niệm bên nhau, chứ đừng chỉ ca hát từ bài này sang bài khác, đọc từ bức thư này sang bức thư khác. Cái sự đẹp từ cảnh đến nhạc đến câu chữ trải dài từ đầu tới cuối một cách sáo rỗng, không cho thấy được sự sâu sắc trong bất kỳ mối quan hệ nào'.
Tài khoản T.T.C viết: 'Cả phim là một cái MV ca nhạc chắp vá, xen thêm vài câu nói, rồi nhạc, nhạc, và nhạc. Thoại của diễn viên đã đủ khả năng dẫn dắt câu chuyện rồi nhưng phim cứ phải chèn nhạc vào để tự sự thay phần thoại, theo kiểu đây là phim về Trịnh, nghe nhạc đi!
Trịnh trong phim hiện lên sống sượng, rúm ró, không ra chất đàn ông lãng tử và dáng vẻ triết gia. Kể cả giai đoạn ông cùng Khánh Ly đi hát phản chiến cũng là phần kém nhất khi mà nhạc lồng vào rất nhiều mà lại còn chèn tư liệu vào giống phim truyền hình Việt Nam thiếu tiền lúc trước. Tình tiết này không bật nổi cái hay và ám ảnh của nhạc da vàng, càng không diễn tả được sự thay đổi tư duy sáng tác của Trịnh'.
Phim xây dựng tuyến phụ rất hời hợt. Ngoài nhóm bạn nghệ sĩ khá 'buồn cười' của Trịnh, xuất hiện và rời đi như đi chóng vánh thì những nhân vật đáng được khai thác sâu như mẹ Trịnh hay bà Vĩnh Trinh không có đất diễn. Nếu ai đã từng đọc tuỳ bút Trịnh viết về mẹ lẫn ngày mẹ mất, hay tình cảm ông dành cho em gái thì sẽ thấy phim hoàn toàn bỏ qua hai trường đoạn cảm xúc rất lấy nước mắt này. Lược bỏ nhân vật mẹ cũng chả sao nếu ngay từ đầu đừng cho bả xuất hiện kiểu đủ mặt. Xem tới khúc Trịnh nghe tin mẹ mất, nói vài câu đau buồn mà thực sự muốn bỏ ngang phim'.
Công chúng cho rằng Avin Lu không diễn tốt với Trịnh thời trẻ với những biểu cảm cứng ngắc. Anh thậm chí bị cho là không hợp vai bằng Samuel An thủ vai Ngô Kha. Ngay cả nghệ sĩ dày dạn kinh nghiệm như Trần Lực cũng còn thiếu sót.
Tài khoản H.T.L viết: 'Tại sao đạo diễn lại chọn Avin Lu vào vai Trịnh vậy? Tại sao không phải là bạn đóng Ngô Kha, giảm cân xíu là ổn thôi mà? Thực sự là Avin không có thần thái của Trịnh. Đôi mắt nhìn không có cái sự tinh tế và tinh anh của Trịnh. Diễn cảm xúc rất đơ và không toát lên được thần thái của một nhạc sĩ'.
Tài khoản H.M cho biết: 'Trịnh Công Sơn thời trẻ do Alvin Lu diễn thực sự non nớt và thiếu chiều sâu. Nhất là những đoạn cần cảm xúc mạnh hoặc là đoạn cần vận dụng hết khả năng diễn xuất thì anh lại khá lưng chừng. Có thể nói là vai diễn yếu nhất cả phim đối với mình. Trịnh trung niên do nghệ sĩ Trần Lực thì đủ sự lãng tử, hào hoa cũng như chiều sâu nhưng đôi lúc bác diễn hơi bị kịch. Nhồi tư liệu chiến tranh thì mình thấy đáng lẽ ra phải là phần có sức nặng nhất nhưng lại là phần được làm cực kỳ hời hợt'.
Giọng nói của dàn diễn viên cũng là phần bị người xem đem ra mổ xẻ. Đặc biệt là nhân vật Michiko đến từ Nhật Bản. Sự xuất hiện của Hoàng Yến Chibi khi hóa thân thành 'nàng Bống' Hồng Nhung cũng gây nhiều tranh cãi.
Tài khoản J.T viết: 'Giọng Bùi Lan Hương không được hợp khi bắt chước theo Khánh Ly, ghép giọng của Hoàng Trang vô mình thấy sẽ ổn hơn nhiều. Vai Michiko thì khả năng nói tiếng Việt giỏi quá. Một năm trước nói không được nhiều thì một năm sau về Việt Nam gặp Trịnh bắn tiếng Việt lưu loát luôn, ghép giọng Hari Won vào mình thấy còn có lý hơn tại Hari Won lơ lớ chứ không rành mạch. Cuối phim đưa Hoàng Yến Chibi hát giọng của Hồng Nhung nghe chói tai'.
Tài khoản L.T.P viết: 'Xem xong lại thấy tiếc tiếc. Giá như những giọng Huế trong phim tự nhiên hơn, vì giọng Huế đô thị là một âm giọng nhẹ nhàng, bay bổng , đặc trưng và khó bắt chước nhất nước. Nếu như các diễn viên không nói được giọng Huế thì không nên khiêng cưỡng thu trực tiếp mà phương án lồng tiếng sẽ thuyết phục hơn. Thực tế giọng Huế trong phim cứ ngỡ như người đồng bào nói tiếng dân tộc Kinh, hoặc nghe ra tiếng Nghệ An, Quảng Bình... nghe mà chạnh lòng cho người Huế quá! Phim kết ở phân đoạn giới thiệu Hồng Nhung theo tôi là không cần thiết. Gây cảm giác hụt hẫng'.
Em và Trịnh chính thức công chiếu trên các rạp toàn quốc từ ngày 17/06.