Từ ngày Thương Ngày Nắng Về kết thúc, phải tới Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, VFC mới một lần nữa khiến khán giả khóc cùng các nhân vật trong một câu chuyện. Khi giới thiệu những hình ảnh đầu tiên, tưởng đâu bộ phim sẽ đưa khán giả về miền nông thôn Việt Nam, một bối cảnh mà cũng đã khá lâu rồi phim truyền hình VTV không khai thác kỹ. Thế nhân thực chất Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao vẫn là câu chuyện nơi thị thành Hà Nội. Chỉ có điều những con người nơi đây sống nép mình trong một xóm chợ nhỏ, dưới chân cầu Long Biên, bên cạnh con đê lụp xụp, u tối tới mức người ngoài nhìn vào không thể nào tưởng tượng ra tương lai của họ.
Là hai người phụ nữ đèo bòng nhau qua cơn bão cuộc đời
Tâm điểm của bộ phim vẫn là hai mẹ con Luyến và bà Tình. Họ từng là mẹ chồng con dâu, dìu dắt nhau qua những tháng ngày u tối, khi người đàn ông duy nhất trong nhà chết mất xác ngoài biển. Năm năm buôn gánh bán bưng, bốc vác ngoài chợ, lặn lội đủ nghề, chẳng than vãn lấy nửa lời, cuối cùng hai mẹ con cũng kiếm đủ tiền để trả nợ thì người đàn ông chết mất xác năm đó bất ngờ xuất hiện. Anh ta kể về câu chuyện mình bị mất trí nhớ, vô tình đã có gia đình mới, có con gái và hơn hết là một cô vợ giàu. Anh ta còn kể lể thêm rằng bản thân đang cố gắng để lấy lại căn nhà cho hai mẹ con bà Tình, khiến khán giả mà chỉ biết cười nhạt, bởi anh ta hèn quá.
Vì người đàn ông này mà Luyến và bà Tình mới phải lưu lạc tới xóm chợ nghèo, mới phải sống mà không dám mơ tới tương lai của chính mình. Nhưng hắn ta chỉ biết hèn mạt mà ôm đống tiền của vợ mới, hèn mạt một lần nữa từ bỏ mẹ mình. Câu thoại khiến khán giả bất giác bật cười trong tình cảnh éo le của Luyến: “5 năm qua phí tiền mua vàng hương cúng bái”, nghe thì hài đó, nhưng mà là hài trong bi, bi đến thảm thương. Cuộc đời của Luyến và bà Tình từng không khấm khá nhưng chẳng khốn khổ như thế. Chính nơi xóm chợ nghèo này, họ bị bi kịch nhấn chìm, ngột ngạt tới độ Luyến phải thốt ra câu thoại chua chát: “Cuộc đời em làm gì còn ngày mai nữa, gần 40 tuổi rồi làm gì còn ngày mai nữa đâu.” Phải bi thương tới mức nào, con người ta mới khước từ cả quyền hi vọng về ngày mai?
Còn bà Tình, trong những ngày tháng u tối nhất cuộc đời, khi nhận ra con trai từ bỏ mình lần 2, bà thậm chí không còn chốn dung thân. Luyến không dám đối diện với mẹ chồng cũ, không phải chẳng còn thương mà vì cứ nhìn thấy bà Tình là cảm giác bị lừa dối suốt 5 năm lại bóp nghẹt trái tim khiến cô sợ hãi rằng bản thân sẽ làm tổn thương bà - người duy nhất trên đời coi cô như máu mủ. Nhưng bà Tình lại chẳng nỡ rời xa Luyến, cứ quanh quẩn gần căn nhà cũ vì sợ rằng sống một mình, Luyến lại đau ốm đơn độc không ai chăm sóc. Hai mẹ con cứ thế dày vò lẫn nhau bởi cảm giác tội lỗi, tổn thương nhau vì một người đàn ông hèn hạ, không xứng đáng.
Là người đàn ông thô kệch, xù xì với tấm lòng lương thiện
Cuộc đời Luyến sẽ tẻ nhạt và u tối hơn rất nhiều nếu ở cạnh cô không có người hàng xóm là Lưu. So với hai mẹ con bà Tình, cuộc đời Lưu chẳng khá hơn là bao. Anh ta “chôn vùi” cả cuộc đời mình nơi xóm chợ lúc nào cũng ám mùi mồ hôi, ẩm mốc, mùi của sự nghèo khổ. Không rõ quá khứ cụ thể của Lưu ra sao, chỉ biết anh ta là gã đàn ông bị vợ bỏ. Và cô vợ nhìn có vẻ xinh đẹp sang trọng kia trước khi đi đã để lại bức thư ngắn ngủi với vài ba con chữ, rằng nếu không nuôi được thằng Thạch, con trai của hai người, thì hãy đem nó tới trại trẻ mồ côi.
Có lẽ cũng chính bởi vậy nên Lưu luôn mang nặng thành kiến với phụ nữ, nhất là những người phụ nữ luôn lúng liếng đung đưa với đàn ông giống như Luyến. Nhưng không phải vì vậy mà Lưu đối xử tàn nhẫn với mọi người. Anh khác Sơn, gã chồng tồi của Luyến, Lưu dù có nghèo đói, có là kẻ nát rượu thì anh vẫn lương thiện và ấm áp với tất thảy những người xung quanh. Nếu không có Lưu, sẽ chẳng có ai bênh vực khi Luyến bị bố mẹ ruột bòn rút, chẳng có ai đỡ đần khi bà Tình không còn chốn dung thân, càng chẳng có ai đủ sức để giải oan, đưa Luyến thoát khỏi cảnh tù tội. Gã đàn ông làm nghề cửu vạn đó như ngọn đèn le lói đầy ấm áp nơi xóm chợ lụp xụp.
Có lẽ những ngày còn trẻ, anh Lưu cũng chẳng phải gã đàn ông xù xì, thô kệch, bạ đâu nói đấy như hiện tại. Nhưng cái nghề cửu vạn quá vất cả, thêm nỗi lo đau đáu cho tương lai của con trai khi bản thân không có nổi một chốn dung thân tử tế đã biến Lưu thành một con người như thế. Ấy thế mà khi đã trưởng thành, là thủ khoa đại học trong niềm tự hào của bố, Thạch lại muốn khước từ quá khứ, tự ti vì có một người cha là dân lao động. Nếu biết những điều này, thế giới trong anh Lưu sẽ sụp đổ đến mức nào đây?
Là nơi con người sống để yêu nhau
VTV từng có bộ phim Dưới Bóng Cây Hạnh Phúc nhưng nội dung lại bi kịch đến độ khiến khán giả phải hỏi, hạnh phúc ở đâu, có thật sự tồn tại. Nhưng riêng Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao, người xem lại chẳng hỏi câu đó. Bởi nơi gầm cầu Long Biên u tối, lụp xụp đó, họ khổ cực đấy, khước từ cả hi vọng về tương lai đấy nhưng họ lại chẳng mang tới cho khán giả cái cảm giác bi quan, ngột ngạt như nhiều bộ phim về cảnh đời nghèo khó khác. Ở nơi đó, Luyến khóc đến cạn nước mắt vì nghĩ rằng mình đơn độc nhưng cô lại có rất nhiều người khác máu chẳng tanh lòng sẵn sàng dang tay, đùm bọc cô. Ngày Luyến suýt phải ngồi tù, cả xóm chạy đôn chạy đáo khắp nơi, tìm cách cứu Luyến dù họ còn chưa được thấy một bằng chứng cụ thể nào, chứng minh Luyến vô tội. Họ thương và tin Luyến vô điều kiện. Thế rồi ngày Luyến được minh oan, Lưu đến đón cô cùng vài quả táo, quả cam và gương mặt đầy lo lắng khi thấy Luyến buồn. Lần đầu tiên khán giả được thấy tay nát rượu này dịu dàng đến thế.
Quá nhiều cảnh đời bi kịch ở Cuộc Đời Vẫn Đẹp Sao mà biên kịch chẳng kể được hết nhưng điều quan trọng là họ vẫn ở cạnh nhau, đỡ đần nhau, khiến cuộc đời trở nên thật đẹp đẽ. Chẳng ai ngờ nơi xóm chợ u tàn đó, người ta được thấy cảnh những người dân lao động nghèo khổ tụ họp để ăn mừng sinh nhật cậu thủ khoa hay ăn chia tay người thanh niên sắp đi xuất khẩu lao động. Vài ba buổi tụ họp, những câu nói bông đùa khi gặp nhau thắp sáng xóm chợ nghèo, khiến khán giả dám thay Luyến hi vọng về ngày mai...